Nhiều startup tham gia giải bài toán rác thải điện tử tại Malaysia

AD| 10/09/2021 09:38
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ, đồ điện tử được sinh ra ngày càng nhiều trong khi vòng đời sử dụng ngày càng ngắn, quản lý chất thải điện tử tiếp tục là một vấn đề quan trọng cần được giải quyết.

Trong những năm 90 và 2000, các tổ chức đã đầu tư rất nhiều vào cơ sở hạ tầng phần cứng kỹ thuật số. Tuy nhiên, với việc áp dụng đám mây và số hóa đang trở nên phổ biến, hầu hết các cơ sở hạ tầng này đã bị coi là lỗi thời.

Điện thoại di động cũ, máy tính xách tay, màn hình và ổ cứng… sau một thời gian dài sử dụng sẽ bị thay thế bằng những thiết bị hiện đại hơn. Theo đó, lượng rác thải điện tử phát sinh vẫn tiếp tục gia tăng hàng năm.

Theo Giám sát chất thải điện tử toàn cầu 2020, kỷ lục 53,6 triệu tấn chất thải điện tử được tạo ra trên toàn thế giới vào năm 2019 và dự kiến sẽ đạt 74 tấn vào năm 2030. Châu Á tạo ra số lượng chất thải điện tử cao nhất vào năm 2019 với 24,9 tấn.

Trong khi các quốc gia phát triển đang coi trọng việc quản lý chất thải điện tử bằng cách đảm bảo xử lý đúng cách, thì hầu hết các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp vẫn chưa có cơ sở hạ tầng xử lý chất thải điện tử phù hợp, thậm chí, ở một số quốc gia còn chưa có cơ chế và chính sách quản lý về vấn đề này.

Tại Malaysia, hiện chỉ có 25% rác thải điện tử được tái chế. Từ thực trạng này, nhận thấy những tác động tiềm ẩn của rác thải điện tử không được quản lý, Malaysia đã và đang thực hiện các bước quyết liệt để giải quyết vấn đề này.

Malaysia quyết tâm giải quyết bài toán rác thải điện tử - Ảnh 1.

Tại Malaysia, hiện chỉ có 25% rác thải điện tử được tái chế. (Ảnh: Manjunath Kiran/AFP)

Cục Môi trường thuộc Bộ Môi trường và Nước của Malaysia cho biết, đã có rất nhiều container chứa chất thải điện tử được phát hiện nhập vào nước này để xử lý bất hợp pháp và không thân thiện với môi trường. Các container sau đó đã được trả lại về nước xuất xứ.

Bên cạnh đó, nhu cầu cao từ các ngành công nghiệp địa phương ở Malaysia đối với chất thải điện tử đã khiến quốc gia này giống như một bãi rác thải điện tử của thế giới.

Để giúp Malaysia đối phó với tình trạng này, Reebelo, một công ty tân trang thiết bị điện tử thân thiện với môi trường, đang đặt mục tiêu thực hiện sứ mệnh tiết kiệm 60 tấn rác thải điện tử vào năm 2022.

Đã từng làm việc về quản lý chất thải điện tử ở Singapore, Australia và New Zealand, Reebelo vừa khởi động chương trình mua lại rác thải điện tử tại Malaysia. Theo đó, người tiêu dùng có thể bán lại các thiết bị cũ và không sử dụng của họ cho các đối tác của Reebelo, các thiết bị này sau đó sẽ được tân trang lại và cho thuê mới.

Theo Shen Ong, Giám đốc Quốc gia của Reebelo Malaysia, rác thải điện tử đang phát triển với tốc độ cấp số nhân. Reebelo đang mang lại cho rác thải điện tử một cuộc sống thứ hai, bằng cách hồi sinh thiết bị điện tử và biến chúng thành tài sản mới.

"Mục tiêu của chúng tôi là thay đổi cách mọi người sử dụng các thiết bị và nhận thức của họ về các thiết bị tân trang. Chúng tôi muốn trao quyền cho người tiêu dùng chủ động áp dụng các thói quen thân thiện với môi trường hơn trong dài hạn khi mua sắm công nghệ", Shen Ong giải thích.

Khi thay đổi cách người tiêu dùng nhìn nhận về công nghệ tân trang, Reebelo nhằm mục đích giảm tỷ lệ rác thải điện tử được tạo ra mà không ảnh hưởng đến chất lượng của các thiết bị được bán ra. Tất cả các thiết bị tân trang đều đã trải qua quá trình kiểm tra và làm sạch kỹ lưỡng để đảm bảo rằng chúng hoạt động bình thường và không có lỗi.

Ngoài Reebelo, còn có các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp lớn khác cũng đang tìm cách quản lý và giảm thiểu rác thải điện tử. Ví dụ, Lenovo cung cấp các dịch vụ tái chế và xử lý có ý thức về môi trường. Các dịch vụ này miễn phí cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp và sẽ nhận được báo giá cạnh tranh dựa trên hậu cần, số lượng và tuổi đời của thiết bị.

ERTH, một công ty khởi nghiệp của Malaysia cũng tập trung vào chất thải điện tử, tái chế 100% chất thải điện tử mà họ thu gom với một cơ sở tái chế được chính phủ cấp phép.

Một công ty khởi nghiệp khác của Malaysia, iCYCLE, cũng hợp tác với nhiều tổ chức để thu hồi hàng điện tử đã qua sử dụng, trong khi Meriahtek, công ty thường tập trung vào rác thải điện tử công nghiệp, cũng đã thành lập các trung tâm thu gom tại các trung tâm mua sắm vào năm 2014 để xử lý rác thải điện tử từ tay người tiêu dùng trong nước.

Trong khi các công ty này đang thực hiện vai trò của mình trong việc đảm bảo giải quyết vấn đề rác thải điện tử, người tiêu dùng và các tổ chức cũng cần đóng vai trò của mình khi xử lý các sản phẩm rác thải điện tử. Cụ thể, các tổ chức đang tìm cách thay thế cơ sở hạ tầng cũ cần đảm bảo rằng có kế hoạch xử lý và quản lý chất thải điện tử phù hợp./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nhiều startup tham gia giải bài toán rác thải điện tử tại Malaysia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO