Bộ giải pháp là sự kết hợp các biện pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, các giải pháp công nghệ và các biện pháp hành chính của chính quyền địa phương, trong đó các giải pháp công nghệ được ưu tiên đẩy mạnh.
Theo đó, bộ giải pháp công nghệ gồm có:
Ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần Bluezone: Ứng dụng ghi nhận lịch sử tiếp xúc của người dùng Bluezone với người dùng Bluezone khác. Dữ liệu lịch sử tiếp xúc sẽ chỉ để phục vụ cơ quan y tế sử dụng trong công tác truy vết, khoanh vùng các ca lây nhiễm, trong trường hợp người dùng là ca nhiễm, ca nghi nhiễm.
Ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần Bluezone.
Ứng dụng khai báo y tế cho người nhập cảnh VHD: Việc khai báo y tế cho người nhập cảnh qua ứng dụng VHD là bắt buộc. Các thông tin khai báo sẽ giúp cho cơ quan chức năng trong việc kiểm soát tình trạng sức khỏe của người nhập cảnh, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh.
Ứng dụng quản lý tờ khai y tế tự nguyện NCOVI: Cho phép mỗi người dân cập nhật tình hình sức khỏe của bản thân và của gia đình thông qua việc khai báo y tế tự nguyện. Các thông tin này giúp cho cơ quan chức năng phát hiện sớm các nguy cơ có thể xảy đến với người dân khai báo y tế và kịp thời có nhưng biện pháp hỗ trợ, ngăn chặn khả năng lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Hệ thống ghi nhận việc đến/đi tại các địa điểm công cộng (Mã QR Code): Các địa điểm công cộng như công sở, bệnh viện, trường học, siêu thị, chợ, các cơ sở lưu trú, nhà hàng... đều phải thực hiện kiểm soát y tế đối với khách đến và đi bằng mã QR code và yêu cầu người dân cần khai báo y tế bằng cách quét mã QR code khi đến các địa điểm công cộng đó thông qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh (gồm có 3 ứng dụng: NCOVI, VietNam Health Declaration và Bluezone).
Thông qua hệ thống, người dân sẽ được cảnh báo kịp thời và được hỗ trợ các biện pháp nghiệp vụ phòng, chống dịch bệnh nếu dịch bệnh bùng phát có liên quan đến các địa điểm mà người đó đã từng đến. Công tác truy vết và khoanh vùng lây lan của cơ quan chức năng cũng sẽ được thực hiện nhanh chóng, chính xác và hiệu quả hơn nhờ dữ liệu ghi nhận được từ hệ thống.
Hệ thống Bản đồ chống dịch - An toàn COVID-19.
Hệ thống Bản đồ chống dịch - An toàn COVID-19: Hệ thống thể hiện thời gian thực về tình hình an toàn phòng, chống dịch của các cơ sở đông người, trước mắt là trường học và cơ sở y tế.
Các đơn vị này hằng ngày kiểm tra và cam kết đã hoàn thành các tác vụ về phòng chống dịch, đồng thời cho phép người dân phản hồi nếu phát hiện những điểm chưa đúng. Mỗi cơ sở sẽ sử dụng ứng dụng "AntoanCovid" trên điện thoại hàng ngày và thường kỳ để bảo đảm việc giám sát điều kiện an toàn được thực hiện thường xuyên liên tục và minh bạch.
Với việc triển khai áp dụng các giải pháp công nghệ trong phòng, chống dịch COVID-19 sẽ giúp các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có được những kiến thức hữu ích trong việc sử dụng các ứng dụng trong bộ giải pháp để phòng, chống dịch bệnh trong cuộc sống thường ngày, đồng thời hướng dẫn các cơ quan chức năng sử dụng các hệ thống cơ sở dữ liệu của bộ giải pháp để triển khai hiệu quả công tác truy vết, khoanh vùng sự lây lan khi dịch bệnh bùng phát.
Nhiều tỉnh, thành đã triển khai áp dụng các giải pháp công nghệ trong phòng, chống dịch
Trên tinh thần "chống dịch như chống giặc", nhiều tỉnh/thành trên cả nước đã ban hành công văn yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể trực thuộc tỉnh, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, UBND các huyện, thành phố trực thuộc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh; đồng thời, nghiên cứu và áp dụng triển khai bộ giải pháp công nghệ trong phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ TT&TT đạt hiệu quả.
Theo đó, Sở TT&TT tỉnh Cao Bằng đã ban hành công văn gửi các cơ quan báo chí địa phương, các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố đề nghị phối hợp chỉ đạo thực hiện một số nội dung tuyên truyền, phổ biến việc triển khai áp dụng các giải pháp công nghệ trong phòng, chống dịch COVID-19 theo các nội dung do Bộ TT&TT xây dựng.
Ngoài ra, các đơn vị tiếp tục tăng cường thông tin, tuyên truyền về tình hình dịch bệnh đến người dân để nâng cao cảnh giác, chủ động thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch, không để xuất hiện tâm lý hoang mang trước diễn biến mới của dịch bệnh; tuyên truyền để người dân thực hiện yêu cầu 5K của Bộ Y tế, nhất là bắt buộc đeo khẩu trang tại các nơi công cộng, các sự kiện tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng, lễ hội, đám hiếu, hỉ…
Tuyên truyền để người dân thực hiện nghiêm yêu cầu 5K của Bộ Y tế.
Đặc biệt, Sở TT&TT cũng yêu cầu các đơn vị kết hợp công tác tuyên truyền đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 với tuyên truyền về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; Thực hiện việc khai báo y tế bằng mã QR Code tại các điểm tiếp xúc cử tri cũng như các điểm diễn ra bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 trên địa bàn toàn tỉnh.
Hay tại Phú Yên, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, Sở TT&TT cũng đã có công văn về việc tăng cường, phòng chống dịch và đảm bảo cung ứng dịch vụ bưu chính trong thời kỳ dịch COVID-19.
Theo đó, Sở TT&TT yêu cầu các doanh nghiệp (DN) cung ứng dịch vụ bưu chính phải nhanh chóng thích ứng trước tình huống khó khăn và có trách nhiệm xã hội trong duy trì cung ứng các dịch vụ bưu chính phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân và của các cơ quan Đảng, Nhà nước đảm bảo liên tục, không gián đoạn, nhanh chóng, chính xác, an toàn trong mọi tình huống.
Các điểm phục vụ bưu chính, các cơ sở khai thác bưu gửi và các bộ phận liên quan của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính chủ động, sáng tạo, linh hoạt triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch; chủ động nắm bắt tình hình diễn biến dịch nhanh, đầy đủ nhất để có phương án xử lý phù hợp; tiến hành tự kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời phối hợp và tuân thủ chặt chẽ theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng trong phòng, chống dịch COVID-19.
Tại Thanh Hóa, nhằm tăng cường thực hiện hiệu quả các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, các sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan cũng đang thực hiện triển khai các giải pháp công nghệ nhằm chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về trang thiết bị, công nghệ góp phần nâng cao hiệu quả trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Sở Y tế phối hợp với Sở TT&TT triển khai hệ thống phòng họp trực tuyến sẵn sàng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành trong phòng, chống dịch COVID-19; triển khai hệ thống giám sát hoạt động trong các khu cách ly, kết nối trực tuyến để các cơ quan liên quan tham gia giám sát.
Các đơn vị trong ngành Y tế phối hợp với Viễn thông Thanh Hóa, Trung tâm CNTT và Truyền thông Thanh Hóa rà soát, khảo sát, lắp đặt đảm bảo hạ tầng kỹ thuật để thực hiện giám sát hoạt động trong các khu cách ly, kết nối trực tuyến về Trung tâm kiểm soát dịch bệnh tỉnh Thanh Hóa và triển khai giải pháp phòng họp trực tuyến phục vụ các cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp.
Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, rà soát, bảo dưỡng hạ tầng, trang thiết bị CNTT để sẵn sàng phục vụ tốt công tác quản lý và chỉ đạo, điều hành trên môi trường mạng; Tiếp tục phát huy hiệu quả việc sử dụng phần mềm Quản lý văn bản và Hồ sơ công việc để quản lý, chỉ đạo, điều hành và tạo lập, trao đổi, xử lý, ký số văn bản điện tử trên môi trường mạng nhằm hạn chế tiếp xúc trực tiếp.
Đồng thời, tăng cường sử dụng các giải pháp Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến, Hệ thống phòng họp không giấy tờ và các ứng dụng CNTT khác nhằm triển khai nhiệm vụ nhanh chóng, tiết kiệm, hiệu quả; Sử dụng tối đa Cổng Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của tỉnh, của Quốc gia, khuyến khích người dân, DN sử dụng các DVCTT mức độ 3, 4 thuộc phạm vi đơn vị cung cấp và thực hiện thanh toán trực tuyến các loại phí, lệ phí, nghĩa vụ tài chính khác trong giải quyết thủ tục hành chính để giảm thiểu việc đi lại, tiếp xúc trực tiếp, tránh tụ tập đông người.
Bên cạnh đó, các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn cài đặt các ứng dụng Bluezone, Smart Thanh Hoa và sử dụng bộ giải pháp công nghệ trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ TT&TT để khai báo y tế và cập nhật thông tin, phục vụ truy vết các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng.
Viễn Thông Thanh Hóa phối hợp với Trung tâm CNTT và Truyền thông Thanh Hóa và đơn vị có liên quan chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện kỹ thuật để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh trên môi trường mạng trong tình huống khẩn cấp khi có yêu cầu.
Trung tâm CNTT và Truyền thông Thanh Hóa sẽ là đầu mối phối hợp, hỗ trợ các đơn vị cài đặt và hướng dẫn sử dụng bộ giải pháp công nghệ trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của Bộ TT&TT; hỗ trợ các đơn vị trong việc sử dụng các hệ thống CNTT dùng chung của tỉnh; phối hợp nghiên cứu phát triển hệ thống phòng họp trực tuyến tỉnh Thanh Hóa trên nền tảng Jitsi nhằm đảm bảo an toàn thông tin cho các cuộc họp; thực hiện thiết lập, xây dựng, khởi tạo tài khoản hệ thống phòng họp trực tuyến sẵn sàng phục vụ các cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp.
Các DN viễn thông, CNTT tăng cường công tác đảm bảo hạ tầng viễn thông, CNTT an toàn, thông suốt phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành trong phòng, chống dịch của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.
Bên cạnh đó, nhiều tỉnh, thành khác như: Bắc Giang, Kon Tum, Long An… cũng đã ban hành công văn về tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh; đồng thời, nghiên cứu và áp dụng triển khai bộ giải pháp công nghệ trong phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ TT&TT đạt hiệu quả./.