Chuyển đổi số

Nhiều tỉnh, thành Việt Nam có nền nông nghiệp số nổi bật

Anh Minh 19:26 28/09/2023

Nông nghiệp số đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện năng suất và tính bền vững, tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm thất thoát và lãng phí lương thực.

Ngoài ra, nông nghiệp số cũng giúp bán đúng sản phẩm cho đúng thị trường, cải thiện việc theo dõi sản xuất từ trang trại đến người tiêu dùng, v.v. thông qua việc cung cấp cho nông dân những thông tin và công cụ phù hợp một cách kịp thời. Tất cả những điều này giúp đảm bảo một nền nông nghiệp bền vững và có trách nhiệm.

Mặc dù có những đóng góp to lớn nhưng thực hiện CĐS trong nông nghiệp không hề dễ dàng, đặc biệt là với các nền kinh tế đang phát triển vì nguồn lực và kinh nghiệm hạn chế về nông nghiệp số. Nhận thức được tầm quan trọng của CĐS trong nông nghiệp, trong 02 ngày, 28 và 29/9, Việt Nam đang tổ chức Hội thảo APEC về thúc đẩy CĐS trong nông nghiệp, nhằm nâng cao năng lực cho các thành viên APEC.

apec-2_2809203.jpg
Hội thảo APEC về thúc đẩy CĐS trong nông nghiệp

Các quốc gia chia sẻ việc ứng dụng công nghệ mới và tiên tiến vào nông nghiệp

Tại Hội thảo, GS. TS. Tzong-Ru Lee, khoa marketing, trường Đại học Chung Hsing, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội quốc tế Phát triển nông nghiệp bền vững (IAAS), đã đưa ra một định nghĩa ngắn gọn của Liên Hợp Quốc về nông nghiệp số. Theo đó, nông nghiệp số là việc sử dụng các công nghệ mới và tiên tiến, được tích hợp vào một hệ thống, giúp nông dân và các bên liên quan khác trong chuỗi giá trị nông nghiệp cải thiện sản xuất lương thực.

Công nghệ số nắm giữ những khả năng quan trọng để nâng cao hiệu quả, công bằng và tính bền vững môi trường của hệ thống nông nghiệp. Từ đó, nông nghiệp số sẽ cải thiện sản xuất tại trang trại và hỗ trợ nông dân ra quyết định, cải thiện quy trình phi nông nghiệp và giảm chi phí giao dịch cũng như nâng cao tính bền vững của môi trường thông qua hiệu quả sử dụng tài nguyên. Ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp cũng cung cấp cho người tiêu dùng thông tin minh bạch hơn về sản phẩm nông nghiệp.

Cũng tương tự như vậy, theo định nghĩa của cơ quan nông nghiệp số Philippines được TS. Flameno Honorio C đến từ cơ quan công nghệ thông tin và nông nghiệp Philippines đưa ra, nông nghiệp 4.0 là một thuật ngữ miêu tả những xu hướng lớn trong ngành nông nghiệp, bao gồm tầm nhìn và sự tập trung vào các công nghệ mới như Internet of things (IoT), dữ liệu lớn để thúc đẩy sản lượng và kinh doanh hiệu quả trong bối cảnh dân số tăng, nguồn tài nguyên thiên nhiên khan hiếm, biến đổi khí hậu và lãng phí thực phẩm.

Các chuyên gia tại Hội thảo đã chia sẻ cách làm nông nghiệp số của mỗi quốc gia. Tại Trung Quốc, các chính sách thúc đẩy nông nghiệp số đã được chính phủ đưa ra từ năm 2018 nhằm thúc đẩy liên kết các ngành công nghệ nông nghiệp, thúc đẩy nông nghiệp thông minh 4.0, trong đó có việc công nghiệp hóa các kết quả nghiên cứu và phát triển (R&D) trong nông nghiệp, thành lập Trung tâm tạo mẫu giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp và cung cấp dịch vụ tích hợp thông tin số nông nghiệp, phát triển nông nghiệp tuần hoàn.

Cụ thể, TS. Tzong-Ru Lee cho biết để cung cấp dịch vụ tích hợp thông tin số nông nghiệp, chính phủ và các cơ quan thường xuyên cung cấp thông tin nông nghiệp cho công chúng, xây dựng nền tảng hợp tác về thông tin không gian nông nghiệp, hiện đại hóa thông tin nông nghiệp. Trong khi đó, nhằm phát triển nông nghiệp tuần hoàn, Trung Quốc đẩy mạnh bảo vệ môi trường và phát triển sản xuất thân thiện với môi trường, giảm sử dụng nhựa, lập địa điểm “Phát triển thí điểm hệ thống sản xuất than sinh học” …

Là một trong những nền kinh tế APEC có lợi thế cao và đạt được nhiều thành tựu đáng kể về nông nghiệp, nền nông nghiệp Thái Lan được hưởng lợi rất nhiều từ CĐS. TS. Rujira Deewatthanawong, cán bộ nghiên cứu cấp cao của Viện Khoa học và Nghiên cứu công nghệ Thái Lan cho biết ngành nông nghiệp Thái Lan đã đi từ cấp độ 1.0 (nông nghiệp truyền thống, chủ yếu dùng sức lao động), lên 2.0 (sử dụng một số máy móc và phương pháp quản lý nông nghiệp), lên 3.0 (sử dụng thêm nhiều máy móc và phương pháp quản lý nông nghiệp chính xác) và 4.0 (sử dụng các công nghệ số trong nông nghiệp).

Hiện nay, Thái Lan đã xây dựng nền nông nghiệp số dựa trên các công nghệ hiện đại như vệ tinh, dữ liệu lớn, ứng dụng cho smartphone, robot…. Nhiều ứng dụng di động về nông nghiệp đã được Trung tâm Công nghệ máy tính và điện tử quốc gia (NECTEC) và các DN phát triển. Người dân Thái Lan cũng đã quen với việc sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc trừ sâu, khảo sát và kiểm tra tình trạng mùa màng…

apec-28092023_1.jpg
TS. Rujira Deewatthanawong cho biết Thái Lan đã xây dựng nền nông nghiệp số dựa trên các công nghệ hiện đại như vệ tinh, dữ liệu lớn, ứng dụng cho smartphone, robot….

Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai nông nghiệp số

Những năm gần đây, trước tình trạng dân số ngày càng tăng, đô thị hóa và biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn. CĐS được kỳ vọng là giải pháp đột phá về năng suất và chất lượng nông sản. Theo Chương trình CĐS Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nông nghiệp là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thúc đẩy CĐS.

CĐS trong nông nghiệp và phát triển nông thôn là mục tiêu và nghĩa vụ thiết yếu vì đây là phương tiện để đạt được mục tiêu phát triển nông nghiệp thông minh, nông thôn hiện đại, góp phần nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh thông qua nâng cao hiệu quả trong toàn bộ quá trình sản xuất, chuỗi cung ứng và giá trị bao gồm sản xuất, chế biến, bảo quản và phân phối, v.v.

TS. Tzong-Ru Lee cho rằng Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện nông nghiệp số, nhờ những thành quả như hầu hết 100% người dân Việt Nam đã có điện và điện thoại, cũng như tiếp cận Internet. Đặc biệt, Việt Nam xếp thứ 3 thế giới về chi phí sử dụng Internet hợp lý với người dân, với mức chưa đến 3 USD/tháng.

Ngoài ra, Việt Nam đã có những ưu tiên về công nghệ phát triển ngành nông nghiệp số, chẳng hạn như các giải pháp phân tích nâng cao để có thông tin thị trường chính xác hay ứng dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain) để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, ứng dụng nhật ký kỹ thuật số để hỗ trợ ra quyết định tài chính.

Hiện nay, nhiều khu vực nông thôn Việt Nam đã sử dụng máy bay không người lái để giám sát hệ thống canh tác và cảnh quan, giúp tiết kiệm nhân công. Một số tỉnh, thành có nền nông nghiệp số nổi bật của Việt Nam được các chuyên gia nhắc đến tại Hội thảo là Bắc Ninh, Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, khu vực đồng bằng sông Cửu Long với những công ty dẫn đầu về CĐS trong nông nghiệp như VinEco, TH True Milk, Cầu Đất Farm …

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Quốc Mỹ, tư vấn cấp cao của Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao An Bình (Bắc Giang), cho biết cổng thông tin truy xuất nguồn gốc Hiệp Hòa OCOP là một trong những nỗ lực của UBND huyện Hiệp Hòa để triển khai truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Cổng thông tin Hiệp Hòa OCOP đã giúp việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm tại huyện Hiệp Hòa trở nên thuận tiện hơn, thông tin sản phẩm được đăng tải đầy đủ, chính xác và dễ dàng tra cứu. Hệ thống truy xuất nguồn gốc cũng đã được áp dụng trong một số sản phẩm như thịt, nông sản, thủ công mỹ nghệ, giúp người tiêu dùng có thể tra cứu thông tin về nguồn gốc sản phẩm một cách dễ dàng.

Chia sẻ về tiêu chuẩn xây dựng cổng thông tin truy xuất nguồn gốc Hiệp Hòa OCOP, ông Nguyễn Quốc Mỹ cho biết cổng thông tin được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo tính chính xác, minh bạch và tin cậy của thông tin về nguồn gốc sản phẩm. Đặc biệt, các thông tin phải thống nhất và tương thích với các hệ thống truy xuất nguồn gốc khác, giúp tăng cường khả năng tiếp cận thị trường quốc tế cho các sản phẩm của huyện Hiệp Hòa.

Mọi thông tin sản phẩm đều được hiển thị đầy đủ theo tiêu chuẩn TCVN quốc gia và GS1 toàn cầu như thông tin sản phẩm, mã vùng trồng, mã nhà xưởng, hệ sinh thái liên kết, chứng chỉ, chứng nhận chất lượng, nhật ký sản xuất và nhật ký giao dịch của sản phẩm,...

Tỷ lệ DN, cơ sở sản xuất kinh doanh đã áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc ở Bắc Giang là 70%. Tỉnh thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về hỗ trợ đăng kí tiêu chuẩn cơ sở, truy xuất nguồn gốc và quản lý chất lượng sản phẩm cho đội ngũ cán bộ trung tâm.

sp.png
Một số sản phẩm hàng hóa trên cổng truy xuất Hiệp Hòa OCOP

Tuy vậy, ông Nguyễn Quốc Mỹ cũng cho biết một số khó khăn khi triển khai. Chẳng hạn, các sản phẩm tại huyện Hiệp Hòa đang sản xuất và kinh doanh chủ yếu nhỏ lẻ, quy mô gia đình, do vậy, việc áp dụng và triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho các sản phẩm nhỏ lẻ cũng như việc thu thập thông tin và xác lập chuỗi thông tin chính xác giữa các khâu từ DN, hợp tác xã gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, DN cũng thiếu kinh nghiệm và kiến thức trong việc triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, thực trạng tem truy xuất nguồn gốc bị sao chép và làm giả đã bắt đầu xuất hiện ở một số DN.

Trong khi đó, cơ quan quản lý cũng gặp những thách thức như các sản phẩm của huyện Hiệp Hòa phân bố trên diện tích rộng lớn và nhiều địa phương khác nhau, đòi hỏi việc quản lý và giám sát sản phẩm phải được thực hiện một cách kỹ càng, từng bước một để đảm bảo tính chính xác và đáng tin cậy. Kinh phí và nguồn lực đầu tư cho việc triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm còn hạn chế, do vậy, việc tìm nguồn tài trợ cũng là một thách thức. Sự thiếu quan tâm của DN trong việc triển khai truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cũng như sự chưa chủ động của các DN trong việc áp dụng hệ thống.

Hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm tại huyện Hiệp Hòa còn một vài điểm khá hạn chế như chưa tích công cụ bán hàng, chưa tích hợp công cụ quản lý đơn hàng, chưa tích hợp công cụ quản lý kho.

Để phát triển nông nghiệp số nói chung tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng Việt Nam có thể xem xét triển khai nông nghiệp số thông qua xây dựng hệ thống dữ liệu lớn; xây dựng mạng lưới giám sát tích hợp trên không và mặt đất để hỗ trợ nông dân tiếp cận hiệu quả với CĐS.

Vai trò, tầm quan trọng của nông dân cũng cần được phát huy hơn nữa trong thực tiễn như thông qua thử nghiệm sáng kiến “Mỗi nông dân là thương nhân, mỗi hợp tác xã là một DN ứng dụng công nghệ số” với mục tiêu nông dân được định hướng, đào tạo để ứng dụng công nghệ hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, chính phủ có thể đóng vai trò tích cực hơn trong việc thúc đẩy CĐS thông qua các chính sách và cơ chế nhằm huy động các bên liên quan hỗ trợ và đầu tư vào CĐS một cách kịp thời./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nhiều tỉnh, thành Việt Nam có nền nông nghiệp số nổi bật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO