Make in Vietnam

Sản phẩm “Make in Viet Nam” được Bộ Nông nghiệp Nhật Bản nhập khẩu

Hoàng Linh 14:11 12/07/2023

Qua 3 năm giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” từ 2020, nhiều sản phẩm công nghệ số Việt Nam đã chinh phục thị trường nước ngoài.

Sản phẩm công nghệ số do người Việt sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của quốc tế

hop-bao-3.jpg
Nhiều DN công nghệ số Việt Nam đã đánh giá cao giải thưởng Make in Viet Nam qua 3 năm tổ chức

Tại cuộc họp báo về giải thưởng mùa thứ 4 năm 2023 ngày 12/7, đại diện Công ty CP Rynan Technologies Vietnam, công ty công nghệ số chuyên nghiên cứu, phát triển và tích hợp các giải pháp công nghệ số ứng dụng cho nông nghiệp và thuỷ sản cho biết hiện công ty có trung tâm nghiên cứu và nhà máy sản xuất tại tỉnh Trà Vinh, đồng bằng Sông Cửu Long. Công ty có định hướng xây dựng nền nông nghiệp xanh, thông minh, chính xác, phát triển bền vững và hướng tới thích ứng kịp thời với biến đổi khí hậu.

Công ty hướng tới xây dựng một hệ sinh thái các sản phẩm về số ứng dụng các công nghệ hiện đại như là trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), chuỗi khối (blockchain), chủ yếu ứng dụng cho nông nghiệp Việt Nam.

Trong 2 mùa “Make in Viet Nam” 2021 và 2022, Rynan Technologies Vietnam đã tham gia Giải thưởng. Các sản phẩm tham dự Giải thưởng đều được công nhận và vinh danh. Cụ thể, sản phẩm “Hệ thống giám sát côn trùng thông minh” đạt giải Bạc hạng mục sản phẩm số xuất sắc vào năm 2021 và giải pháp “Phân tích và định lượng chất thải hữu cơ thông minh trong nuôi trồng thuỷ sản” đạt giải Vàng sản phẩm số tiềm năng.

ryanan.png
Hệ thống giám sát côn trùng thông minh Rynan đạt giải Bạc sản phẩm số xuất sắc 2021

Đối với một DN công nghệ số vừa và nhỏ như Rynan Technologies Vietnam, đại diện công ty này cho biết giải thưởng Make in Viet Nam còn hơn cả một giải thưởng. “Đó là một sự tôn vinh, một sự công nhận trí tuệ của người Việt và sự sáng tạo của người Việt. Chúng tôi tạo nên những sản phẩm công nghệ số do người Việt sản xuất tại Việt Nam nhưng đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng của quốc tế.

Rynan Technologies Vietnam cũng cho biết Giải thưởng đã tạo điều kiện để công ty tham gia kết nối cung cầu các sản phẩm số với những đơn vị có nhu cầu và khẳng định đây là một sự hỗ trợ, bệ phóng rất lớn với những DN công nghệ số vừa và nhỏ để mở rộng thị trường, phát triển khách hàng tiềm năng.

Trong 2 năm vừa qua, những sản phẩm Make in Viet Nam của công ty đã đạt được những thành công nhất định, đặc biệt là thị trường trong nước và ngoài ra sản phẩm đã có được sự công nhận của thị trường nước ngoài. Cụ thể, hệ thống giám sát côn trùng thông minh của Rynan Technologies Vietnam đã phủ hết 13 tỉnh, thành Đồng bằng Sông Cửu Long và một số tỉnh tại miền Bắc như Nghệ An, Ninh Bình…

Ngoài ra, trong năm 2023, sản phẩm của Rynan Technologies Vietnam đã được Bộ Nông nghiệp Nhật Bản cho phép nhập khẩu để phục vụ việc giám sát, dự báo tình hình tăng trưởng phát triển của dịch bệnh trên cây trồng ở Nhật Bản. Dự kiến năm 2023, Rynan Technologies Vietnam xuất khẩu 50 hệ thống giám sát côn trùng thông minh sang Nhật Bản và con số này sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2024.

Kế hoạch tiếp theo công ty sẽ xây dựng các sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam cho các kỹ sư của đồng bằng Sông Cửu Long tạo ra và tiếp tục xây dựng những kênh phân phối đặc biệt là đối với thị trường trong nước và sẽ phát triển ra những thị trường ngoài nước, đại diện của Rynan Technologies Vietnam chia sẻ.

Doanh thu tăng trưởng nhanh, đối tác nước ngoài tin tưởng

NextVision đơn vị tiên phong trong mảng chuyển đổi số (CĐS) là hệ sinh thái phần mềm quản trị doanh nghiệp (DN) NextX, hệ sinh thái nông nghiệp thông minh Nextfarm với thị trường trong nước, còn thị trường nước ngoài thương hiệu nextX.ai về AI với 2 lĩnh vực chính là phần mềm như là một dịch vụ (SaaS), IoT…

Sau khi tham gia giải thưởng Make in Viet Nam 2022, đại diện công ty CP NextVision cho biết Giải thưởng Make in VN là giải danh giá. Sau khi nhận giải thưởng, công ty đã được truyền thông, tổ chức nước ngoài biết đến và tìm hiểu, được tham gia đi xúc tiến thương mại của Bộ TT&TT ở một số tỉnh, tham gia Asian Tech tại Singapore vừa qua.

Chúng tôi cũng đã làm việc với một công ty của Thuỵ Sỹ và họ tin tưởng hơn sau khi chúng tôi đạt giải. Sản phẩm của chúng tôi đã được triển khai ở 5 quốc gia”, đại diện công ty chia sẻ.

misa-12072023.jpg
Ông Lê Hồng Quang: MISA bước đầu mang phần mềm Make in Viet Nam ra thị trường nước ngoài với doanh thu khoảng 2 triệu USD.

Trong khi đó, ông Lê Hồng Quang, Phó Tổng giám đốc MISA cho biết công ty này đã tham dự giải thưởng với các nền tảng quản trị tài chính Nhà nước MISA FinGov, nền tảng quản trị DN hợp nhất MISA AMIS, nền tảng giáo dục MISA EMIS…

Theo đánh giá của ông Lê Hồng Quang, Giải thưởng Make in Vietnam là giải thưởng uy tín, có các tiêu chí tuyển chọn khắt khe. Giải thưởng đã mang lại lợi ích cho DN ở các mặt như chinh phục tệp khách hàng mới bằng giải thưởng uy tín, củng cố niềm tin cho tệp khách hàng đang sử dụng; Gia tăng hiệu quả về mặt truyền thông cho DN. Từ đó, DN có thể tận dụng sự cộng hưởng về truyền thông để khẳng định giá trị thương hiệu, tăng độ uy tín.

Cụ thể, nền tảng quản trị DN hợp nhất MISA AMIS sau khi tham gia giải thưởng, doanh thu tăng gấp 5 lần. MISA AMIS hiện cũng có khoảng 60.000 DN tin dùng; MISA FinGov 6 tháng đầu năm nay đạt tăng trưởng khoảng hơn 20%. MISA bước đầu mang phần mềm Make in Viet Nam ra thị trường nước ngoài với doanh thu khoảng 2 triệu USD.

Ông Lê Hồng Quang kiến nghị cần truyền thông mạnh mẽ hơn nữa về các sản phẩm đạt giải Make in Viet Nam, giúp tăng uy tín và tôn vinh cho các sản phẩm Việt. MISA sẽ tiếp tục hướng ứng tham gia giải thưởng với những sản phẩm chất lượng, đặc biệt là những sản phẩm mới như MISA ASP để nâng tầm các sản phẩm Việt.

fpt-cloud.jpg
Ông Lê Hồng Việt: Sau khi đạt giải thưởng, công ty đã tăng trưởng doanh thu, tăng trưởng người dùng, gấp đôi sau mỗi năm

Trong khi đó, ông Lê Hồng Việt, Tổng giám đốc FPT Smart Cloud chia sẻ FPT Smart Cloud là đơn vị tiên phong tập đoàn FPT trong việc nghiên cứu, làm chủ công nghệ với nhóm sản phẩm tiêu biểu FPT.AI top 3 nền tảng số xuất sắc năm 2020 và năm 2022 FPT Cloud vinh dự đạt giải vàng Hạng mục Kinh tế số.

Việc đạt được giải thưởng Make in Vietnam có vai trò như tạo động lực cho đội ngũ phát triển sản phẩm liên tục sáng tạo, đổi mới phát triển; Minh chứng cho chất lượng; Tạo niềm tin thương hiệu cho sản phẩm.

Sau khi đạt giải thưởng, công ty đã tăng trưởng doanh thu, tăng trưởng người dùng, gấp đôi sau mỗi năm (200%). Công ty cũng đã nâng cấp, phát triển tính năng mới như FPT AI ra mắt thêm 04 giải pháp nâng tổng số. FPT Cloud mở rộng từ 50 lên 80 sản phẩm sau 01 năm. Công ty cũng mở rộng thị phần, bước đầu đi ra khu vực và thế giới với 15 quốc gia.

Ngành CNTT Việt Nam có tiềm năng vô tận để trở thành một trung tâm công nghệ toàn cầu

Cũng chia sẻ tại họp báo, bà Nguyễn Khánh Diệp, Phó Tổng giám đốc Công ty CP công nghệ VMO Holdings cho biết năm 2023 là năm đầu tiên, đánh dấu bước ngoặt quan trọng khi Bộ TT&TT lần đầu trao giải thưởng cho các giải pháp, dịch vụ cung ứng ra thị trường nước ngoài. “Đây là sự công nhận cực kỳ có giá trị, tôn vinh sự đổi mới sáng tạo của các công ty trong lĩnh vực dịch vụ CNTT”.

vmo-holdings-12072023.jpg
Bà Nguyễn Khánh Diệp: Việt Nam đang tạo ra một cộng đồng CNTT lớn mạnh

Bà Nguyễn Khánh Diệp cũng nhận định ngành dịch vụ CNTT đã và đang có những đóng góp to lớn cho ngành CNTT Việt Nam khi mỗi năm mang về nhiều tỷ USD, đóng góp vào GDP cho đất nước, mang lại hàng trăm nghìn công việc cho người Việt Nam. “Nhờ ngành dịch vụ CNTT, các kỹ sư CNTT Việt Nam đã được tiếp cận với các công nghệ mới và tiên tiến nhất của nước ngoài. Cũng nhờ vậy, đã ươm mầm ra rất nhiều ý tưởng cũng như các nhà sáng lập các sản phẩm được Giải thưởng Make in Viet Nam.

Thay mặt các DN Việt Nam đang cung cấp dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài, đại diện VMO Holdings bày tỏ sự biết ơn và cảm kích với Bộ TT&TT vì đã luôn sát cánh cùng các DN, tạo điều kiện và thúc đẩy các DN Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực CNTT nói chung và các hoạt động cung ứng sản phẩm, giải pháp dịch vụ CNTT ra thị trường nước ngoài nói riêng.

Đại diện VMO Holdings tin tưởng ngành CNTT Việt Nam có tiềm năng vô tận để trở thành một trung tâm công nghệ toàn cầu, với nội lực sẵn có từ nguồn nhân tài công nghệ trẻ tiềm năng và những thế mạnh to lớn khi được sự quan tâm từ Chính phủ.

Việt Nam đang tạo ra một cộng đồng CNTT lớn mạnh. Các DN Việt Nam đã và đang chứng minh được sự sáng tạo, linh hoạt và chuyên nghiệp trong việc cung cấp các giải pháp về CNTT cho các khách hàng quốc tế.

Đại diện VMO Holdings tin tưởng trong tương lai sự hợp tác quốc tế sẽ còn mạnh mẽ hơn bao giờ hết. VMO Holdings hy vọng và mong muốn càng ngày sẽ có càng nhiều DN CNTT Việt Nam đem sự khao khát và ước mơ của người Việt tham gia vào công cuộc khai phá thị trường nước ngoài.

Bà Nguyễn Khánh Diệp cũng tin tưởng Giải thưởng Make in Viet Nam sẽ không ngừng phát triển và là tiền đề, động lực vững chắc cho các DN CNTT Việt Nam, tạo ra các sản phẩm CNTT Make in Viet Nam phát triển vươn tầm thế giới và tạo sự đột phá cho nước nhà./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Sản phẩm “Make in Viet Nam” được Bộ Nông nghiệp Nhật Bản nhập khẩu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO