Tạp chí CNTT-TT. Nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Hội Tin học Việt Nam, xin ông cho biết những điểm nổi bật nhất của Hội Tin học Việt Nam đã thực hiện trong V4 thế kỷ qua?
Ông Nguyễn Long. Cách đây đúng 25 năm, ngày 17/12/1988, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ký Quyết định thành lập Hội Tin học Việt Nam (VAIP). Ngày 6/1/1989, Đại hội thành lập Hội Tin học Việt Nam đã tổ chức rất trọng thể tại Cung Văn hoá hữu nghị Việt - Xô và bầu Ban chấp hành nhiệm kỳ I do GS. Phan Đình Diệu làm Chủ tịch. Thấm thoắt đã 25 năm trôi qua, gợi nhớ đến nhiều kỷ niệm khó quên của cộng đồng Tin học Việt Nam.
Kỷ niệm khó quên nhất những ngày đầu thành lập Hội đó là có tới hai ban vận động thành lập Hội Tin học: một "GIÀ" và một "TRẺ". Sau khi hiệp thương thành Hội Tin học Việt Nam, đại hội đã bầu GS. Phan Đình Diệu giữ trọng trách Chủ tịch, còn "phái trẻ" là TS. Nguyễn Quý Sơn làm Tổng Thư ký. Đại hội diễn ra vào ngày 6/1/1989, Ban bầu cử định dùng máy IBM PC để kiểm phiếu do Anh Đỗ Cao Bảo (nay là Chủ tịch công ty Hệ thống thông tin FPT) điều hành kiểm phiếu nhưng có lẽ hồi đó "máy" chậm hơn "tay", nên đá phải dây làm mất điện. Ban bầu cử làm việc bằng "tay" nên đến 18h30 của ngày hôm đó mới có kết quả. Dấu ấn đại hội VAIP vẫn còn đến nay sau 7 lần Đại hội, lần nào cũng rất "căng thẳng và quyết liệt" bầu ra Ban Chấp hành và các Lãnh đạo hội. Thủa đấy (1988), các vị lão thành đã dùng từ ỉníoimatics cho ngành. Vì thế, thuận dịch ra chữ "Tin học" và lưu truyền đến tận ngày nay. Tên Hội cũng theo 2 trường phái, hoặc kiểu Mỹ "Computer" và kiểu Pháp (xu thế những năm 1980) là "Information Processing". Cuối cùng, các bậc tiền bối chọn kiểu Pháp thành tên Hội Tin học Việt Nam cho đến ngày nay.
Tôi cho rằng, VAIP là Hội có nhiều dấu ấn nhất ghi đậm trong lịch sử Công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam: tham gia và hình thành xây dựng ngành từ Nghị quyết 49/CP của Chính phủ "về phát triển CNTT ở nước ta trong những năm 1990" do Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký ban hành ngày 4/8/1993. Từ đó, hình thành Ban chỉ đạo Chương trình CNTT Quốc gia về CNTT do Bộ KH&CN chủ trì. Chủ tịch Phan Đình Diệu là Phó trưởng ban thường trực. Sau năm 1997, một bước tiến với Chỉ thị 58/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh và phát triển ứng dụng CNTT.
VAIP đã tích cực tham gia và đóng góp cho xây dựng và thúc đẩy thực hiện. Những năm tiếp theo, các thành viên VAIP đã tích cực đóng góp để ngành CNTT có Luật CNTT đầu tiên, Luật Giao dịch điện tử đầu tiên và rất nhiều văn bản hình thành môi trường chính sách khác cho CNTT. Gần đây hơn là vai trò tư vấn phản biện để ra đời Đề án "Sớm đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT", Nghị quyết 13 của Trung ương coi CNTT là hạ tầng cho phát triển, là nền tảng của phương thức phát triển mới... đều có ghi nhận dấu ấn của VAIP.
Những năm 1990, VAIP đã đi đầu trong phổ cập Tin học với chương trình phổ cập Tin học ABC và đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) giao cho các Trung tâm Giáo dục thường xuyên cấp chứng chỉ và cho phép đào tạo. Tiếc là đến nay, nội dung của Chương trình Tin học căn bản chuyển giao tới ngành GD&ĐT vẫn dừng với các công nghệ từ những năm đầu 2000. Olympic Tin học sinh viên Việt Nam được hình thành từ năm 1991 do VAIP chủ trì. Đến nay đã thực hiện 22 năm liên tục và đưa sinh viên Việt Nam vươn tầm quốc tế: 7 năm liên tục hiện diện ở Chung kết Kỳ thi lập trình sinh viên toàn cầu ACM/ICPC (trong tốp 100 các trường đại học đào tạo CNTT toàn cầu). Những dấu ấn của VAIP còn thể hiện trong các giải Nhân tài Đất Việt về CNTT, Tin học trẻ, Quả Cầu vàng CNTT... góp phần cho sự nghiệp xây dựng nguồn lực CNTT chất lượng cao.
Đã gần 10 năm, VAIP chủ trì xây dựng Báo cáo mức độ sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển CNTT Việt Nam hàng năm (Vietnam ICT Index). Đây là báo cáo độc lập của tổ chức nghề nghiệp với bức tranh toàn cảnh về hiện trạng ứng dụng CNTT Việt Nam đầy đủ nhất và được đón nhận tích cực.
VAIP đã chủ trì, đồng chủ trì nhiều Hội thảo về CNTT nhưng nổi bật hơn là Hội thảo Hợp tác phát triển CNTT-TT Việt Nam hằng năm tổ chức tại các địa phương. Đây là hội thảo quy mô quốc gia về CNTT duy nhất đi tới các vùng miền đã duy trì gần 20 năm và luôn đồng hành, chia sẻ với các định hướng ứng dụng và phát triển CNTT-TT Việt Nam. Không thể không kể đến vai trò của Hội trong các Triển lãm hội chợ về CNTT như: Vietnam IT Week, Vietnam Telecomp, Vietnam Computer Expo cũng như các hoạt động, sự kiện khác góp phần thúc đẩy xúc tiến thương mại, sản phẩm và giải pháp đến công chúng.
Đến nay, VAIP đã hình thành hệ thống lớn mạnh với gần 40.000 hội viên từ 38 Hội Tin học thành viên cả nước, Câu lạc bộ Phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam, 21 Chi hội Tin học các Bộ - Ngành, Viện Trường Đại học, hàng ngàn Doanh nghiệp Hội viên tập thể. Cộng đồng Tin học Việt Nam không ngừng lớn mạnh. Nếu những năm 1988 - 1989 chỉ có một vài hội, từ VAIP đến nay đã hình thành gần 10 Hội, Hiệp hội về CNTT-TT như Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam, Hiệp hội Internet Việt Nam, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam... với nòng cốt là các thành viên từ Hội Tin học Việt Nam.
Trong 25 năm xây dựng và phát triển, VAIP đã góp phần ghi nhiều dấu ấn không quên trong biên niên phát triển của ngành CNTT-TT Việt Nam.
Tạp chí CNTT-TT. Từ góc độ Hội Tin học Việt Nam, ông đánh giá thế nào về sự phát triển của CNTT-TT Việt Nam năm 2013, triển vọng năm 2014 và đề xuất của Hội đối với chính sách của Nhà nước về CNTT-TT trong năm 2014?
Ông Nguyễn Long. Do bối cảnh kinh tế toàn cầu và Việt Nam trong mấy năm gần đây gặp rất nhiều khó khăn, tốc độ phát triển chậm, nhiều ngành nghề suy giảm, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn dẫn đến thị trường và đầu tư cho ứng dụng CNTT bị cắt giảm. Tuy nhiên, ngành CNTT vẫn là điểm sáng với việc duy trì được tốc độ phát triển. Một số doanh nghiệp chủ đạo vẫn có các con số phát triển ở mức độ cao như Viettel, FPT, VNPT... Các doanh nghiệp CNTT đã niêm yết trên sàn chứng khoán vẫn có vị trí rất khích lệ như FPT, ELCOM... Các dự án FDI lớn đã hiện diện tại Việt Nam. Một số dự án ứng dụng CNTT nguồn vốn quốc tế đã thành công ở Việt Nam trong khi không thành công ở nhiều nước khác như: Dự án TABMIT - Quản lý tài chính công (WB), Dự án Phát triển CNTT-TT tại Việt Nam (Dự án Chính phủ điện tử do WB tài trợ) với thành công ở Đà Nẵng, Bộ ngoại giao... Dự án cộng đồng của Quỹ Melinda Gates thành công ở vùng sâu vùng xa đã được quốc tế ghi nhận... Tuy nhiên, có thể thấy rất nhiều điểm đáng lo ngại: do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế nên khối các doanh nghiệp CNTT nhỏ và vừa giảm mạnh. Nhiều tên tuổi đã dần vắng bóng như Máy tính thương hiệu Việt, nhiều doanh nghiệp trước đây mạnh thì nay đang yếu dần... Do vậy, môi trường chính sách quản lý nhà nước trong lĩnh vực CNTT-TT cũng phải nỗ lực hơn góp phần chấn hưng, thúc đẩy ngành CNTT-TT để có tốc độ phát triển nhanh, cao như trong các năm trước đây.
Điểm sáng trong 5 năm qua là chúng ta đã ban hành các văn bản tạo môi trường chính sách khích lệ cho phát triển như: Đề án sớm đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT, Chương trình Đào tạo nguồn lực CNTT, Nghị quyết 13 của Ban chấp hành Trung ương Đảng coi CNTT là hạ tầng, là nền tảng của phương thức phát triển mới. Tuy nhiên, điểm lại cho thấy còn nhiều bất cập không đồng hành với phát triển ngành. Đã vài năm, chưa có chương trình nào đồng hành với Đề án nước mạnh; chương trình phát triển nguồn nhân lực CNTT không triển khai được; việc xây dựng và quản lý các cơ sở dữ liệu quốc gia vẫn còn nhiều tranh cãi,... Nhìn chung, chính sách vẫn đang ở mức "khẩu hiệu", chưa thực sự đi vào thực tế quản lý và phát triển ngành. Trong năm 2012-2013, chúng ta còn "nợ" nhiều văn bản môi trường chính sách quan trọng cần đột phá, thúc đẩy ứng dụng và phát triển CNTT như: sửa đổi, bổ sung Nghị định 102/2009/NĐ-CP về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; sớm xác định vai trò của công nghiệp dịch vụ CNTT thông qua Nghị định về dịch vụ CNTT; thúc đẩy việc thực thi luật CNTT với mục chi CNTT trong mục lục Ngân sách nhà nước...
Hội Tin học Việt Nam với vai trò tư vấn, phản biện, đại diện cho cộng đồng và doanh nghiệp CNTT mong muốn trong năm 2014, môi trường chính sách Nhà nước với CNTT-TT cần: Tập trung rà soát, bổ sung các văn bản quản lý điều hành với mục tiêu "cởi trói", thúc đẩy sự phát triển và ứng dụng CNTT. CNTT với vai trò là hạ tầng, là nền tảng cho phát triển phải được nhìn nhận đúng, thay vì với tư duy quản lý "ngay từ đầu" cần phải chuyển thành môi trường thúc đẩy ứng dụng và phát triển CNTT. Công nghiệp CNTT (nội lực) của chúng ta đang đi chậm, xu thế hội nhập sẽ chuyển dịch sang các đầu tư FDI. Vì vậy, cần định hướng đẩy mạnh các dịch vụ CNTT làm nền tảng cho sự phát triển của công nghiệp và dịch vụ CNTT trong nước và vươn ra quốc tế. Nhà nước cần tập trung nhân lực và nguồn lực cho công tác tạo môi trường quản lý thúc đẩy CNTT hơn là làm thay việc của các tổ chức xã hội nghề nghiệp ngành. Cần mạnh dạn nhìn nhận và chấp nhận vai trò tư vấn phản biện của các tổ chức nghề nghiệp, các Hội, Hiệp hội ngành CNTT trong xu thế Việt Nam sẽ hội nhập quốc tế sâu và toàn diện trong các năm tới.
Tạp chí CNTT-TT. Xin ông chia sẻ định hướng hoạt động chính của Hội Tin học Việt Nam trong năm 2014 và các năm tiếp theo?
Ông Nguyễn Long. Ngày 21/2/2014, VAIP sẽ tổ chức "Gặp gỡ ICT đầu Xuân“ Giáp Ngọ và kỷ niệm 25 năm thành lập Hội. Nhân dịp này, Hội sẽ chủ trì tọa đàm với các lão thành, chuyên gia hàng đầu CNTT về hiện trạng và định hướng phát triển CNTT- TT Việt Nam trong các năm tới. Tiếp đó, Hội sẽ đồng hành cùng Bộ Thông tin và Truyền thông qua Ngày hội Máy tính cho cuộc sống (Festival PC's for life) đến với cộng đồng và người dân tỉnh Thái Nguyên nhằm mang lại những thành quả thiết thực của CNTT tới người dân.
Năm 2014, VAIP mong muốn tiếp tục khẳng định vai trò tư vấn phản biện của mình thông qua việc đóng góp các ý kiến cho các văn bản môi trường chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển và ứng dụng CNTT của đất nước mà tới đây sẽ được tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn thông qua Uỷ ban Quốc gia về CNTT. Hội tiếp tục duy trì các hoạt động thường niên như: xây dựng và công bố Báo cáo Vietnam ICT Index 2014, tổ chức Hội thảo hợp tác phát triển CNTT-TT Việt Nam năm 2014 tại tỉnh Quảng Ninh vào tháng 8/2014. Tích cực tham gia tổ chức và đồng tổ chức các hoạt động và sự kiện CNTT trong nước cũng như các chương trình xúc tiến thương mại trong lĩnh vực CNTT. Ngoài ra, sẽ tập trung mở rộng công tác nghiên cứu phát triển thông qua các dự án nghiên cứu, tiếp tục duy trì và phát triển của cộng đồng Phần mềm nguồn mở Việt Nam...
Về đào tạo nguồn lực CNTT, VAIP sẽ thông qua Viện Tin học Nhân dân sớm hình thành các mô hình mới đào tạo công dân điện tử, công chức điện tử, thực hiện trách nhiệm của tổ chức nghề nghiệp với việc thúc đẩy và tạo điều kiện cho người dân, cộng đồng tiếp cận với xu thế công nghệ trong thời kỳ mới. Tiếp tục duy trì tổ chức Olympic Tin học cho sinh viên Việt Nam (10/2014) và duy trì sự hiện diện của sinh viên Việt Nam trong Kỳ thi Lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC nhằm khẳng định vị thế và năng lực của tuổi trẻ Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực CNTT. Ngoài ra, VAIP vẫn duy trì tham gia chuyên môn trong các giải thưởng lớn về CNTT như: Nhân tài đất Việt, Tin học trẻ, Quả cầu vàng, Sáng tạo Phần mềm nguồn mở, Sáng tạo Ứng dụng di động...
Hy vọng rằng, với sự nỗ lực của các hội viên đông đảo trên cả nước, Hội Tin học Việt Nam cùng các Hội thành viên, các Chi hội, các Doanh nghiệp hội viên cùng cộng đồng tuổi trẻ CNTT Việt Nam sẽ có nhiều đóng góp hiệu quả hơn, thiết thực hơn cho sự nghiệp phát triển CNTT-TT Việt Nam.
Tạp chí CNTT-TT. Cảm ơn ông đã dành thời gian trả lời phỏng vấn. Nhân dịp năm mới, chúc Hội Tin học Việt Nam có nhiều thành công giúp sức cho CNTT-TT Việt Nam ngày càng phát triển.
Duy Tiến
(TCTTTT Kỳ 2/1/2014)