Trung tâm Công nghệ thông tin CDIT được thành lập năm 1999 trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Phần mềm STC (thuộc Viện KHKT Bưu điện) và Trung tâm Đào tạo Phát triển Phần mềm STDC (thuộc Trung tâm Đào tạo BCVT1). CDIT có nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học và đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực Viễn thông và Công nghệ thông tin (CNTT). Cùng với sự phát triển của ngành CNTT trong xu hướng hội nhập với Truyền thông, CDIT đã đổi tên thành Viện CNTT và Truyền thông CDIT từ 01/01/2012. Trải qua 15 năm phát triển, CDIT đã đóng góp vào sự phát triển của ngành ICT Việt Nam qua các công trình nghiên cứu khoa học công nghệ và các sản phẩm dịch vụ ICT được ứng dụng rộng rãi, có hiệu quả trên mạng lưới Bưu chính Viễn thông.
Trong suốt 15 năm phát triển của mình, CDIT luôn thể hiện tinh thần đam mê, chủ động làm chủ công nghệ ở mức độ sâu, tạo ra các sản phẩm có hàm lượng tri thức cao, đóng góp thiết thực cho sự phát triển của ngành công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) Việt Nam.
NHỮNG NĂM ĐẦU TIÊN 1999-2004
Được hình thành từ các đơn vị có năng lực kỹ thuật điện tử viễn thông và CNTT, lại hoạt động trong mạng lưới rộng lớn của Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) nên ngay từ khi mới thành lập, CDIT là đơn vị tiên phong trong việc tự sản xuất chế tạo tổng đài nhỏ từ 128 đến 512 số và đã triển khai tại nhiều tỉnh trên mạng lưới của VNPT, mở rộng vùng phủ của các dịch vụ viễn thông xuống các huyện, xã vùng xa đang là "vùng trắng" về viễn thông. Các hệ thống viễn thông dung lượng vừa và lớn thường yêu cầu độ ổn định rất cao trong khi khả năng sản xuất công nghiệp của Việt Nam còn hạn chế, do vậy, CDIT đã định hướng sử dụng phần cứng của nước ngoài và tự xây dựng phần mềm điều khiển nhằm nhanh chóng rút ngắn khoảng cách công nghệ với các nước phát triển. Năm 2000, CDIT đã cho ra đời các tổng đài dung lượng 2.000 đến 2.500 số. Phương pháp tiếp cận mới này đã giúp đội ngũ CDIT tiếp cận công nghệ tổng đài số dung lượng trung bình ở mức sâu hơn, chuẩn bị cho các bước đi tiếp theo.
Trong lĩnh vực di động, các thiết bị mạng thường là độc quyền của các hãng lớn và có giá thành cao. Năm 2002, CDIT đã tự thiết kế chế tạo được hệ thống nhắn tin ngắn SMSC cho mạng di động và triển khai cung cấp cho nhà khai thác Mobifone, Vinaphone và Viettel. Sản phẩm này đã giúp đội ngũ khai thác làm chủ công nghệ, giảm chi phí nhập ngoại và quan trọng hơn giúp chúng ta tự tin khi làm việc với nhà cung cấp nước ngoài. Ngay sau đó, CDIT cũng phát triển thành công hệ thống nhắn tin đa phương tiện MMSC cung cấp dịch vụ cho thuê bao 2,5G của mạng di động Vinaphone. Đây là hệ thống MMSC đầu tiên được triển khai trên mạng viễn thông của Việt Nam và hoàn toàn do Việt Nam phát triển. Đặc biệt, sản phẩm này ra đời đồng thời với các sản phẩm MMSC của nước ngoài đã minh chứng cho khả năng tiếp cận các công nghệ mới. Về công nghiệp sản xuất phần cứng, CDIT cũng phát triển được các thiết bị như modem ADSL, máy đo giám sát báo hiệu số 7 hỗ trợ phân tích chất lượng báo hiệu liên mạng giữa các tổng đài.
Thời kỳ này, các dịch vụ trên mạng viễn thông ở Việt Nam còn rất nghèo nàn. Từ khả năng tiếp cận, nắm bắt thông tin xu hướng phát triển viễn thông của các nước phát triển, CDIT đã đi đầu tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ mới có tiếng vang với xã hội như dịch vụ nhắn tin SMS, MMS, thanh toán cước phí điện thoại qua hệ thống ATM, dịch vụ bầu chọn trực tuyến 1900 1570, dịch vụ Thông tin tuyển sinh, dịch vụ Thông tin Giáo dục, dịch vụ gia tăng trên di động, Internet... Nhiều dịch vụ do CDIT tạo ra có tính tiên phong và thực sự mang lại sắc diện mới cho đời sống tinh thần của xã hội Việt Nam khi đó.
GIAI ĐOẠN 2005 ĐẾN 2009
Thời kỳ 2005-2009, công nghệ viễn thông thay đổi rất nhanh. Ở Việt Nam, đây cũng là thời kỳ các nhà khai thác, cung cấp dịch vụ chuyển đổi công nghệ sang thế hệ Mạng viễn thông thế hệ mới (NGN) với rất nhiều kỹ thuật mới khác biệt so với các mạng viễn thông thế hệ trước.
Với vai trò là đơn vị nghiên cứu trong Tập đoàn VNPT, CDIT đã chủ động nghiên cứu đón đầu các công nghệ về mạng viễn thông mới. Năm 2004, CDIT đã đăng ký và thực hiện thành công đề tài cấp Nhà nước KC.01.22 chế tạo hệ thống tổng đài Softswitch - thành phần điều khiển quan trọng nhất trên mạng NGN. Bên cạnh đó, CDIT cũng đã phát triển thành công các thành phần khác trong nút mạng NGN như Media Gateway, Media Server, SIP Server và hệ thống điều khiển đa phương tiện IMS sau này. Với kinh nghiệm từ nghiên cứu, phát triển các hệ thống này, CDIT đã góp phần quan trọng với VNPT trong xây dựng hạ tầng ICT băng rộng cùng các dịch vụ tiên tiến nhất ở Việt Nam hiện nay.
Trong lĩnh vực phát triển các phần mềm, CDIT đã cung cấp nhiều sản phẩm phần mềm lớn phục vụ thiết thực cho công tác quản lý, khai thác, điều hành của Tập đoàn VNPT và Tổng công ty Bưu chính trên địa bàn cả nước như: Hệ thống cung cấp dịch vụ Thư thoại Thư thông tin cho 49 Bưu điện tỉnh thành; Phần mềm Quản lý mạng ngoại vi và điều hành sửa chữa 119 tại 40 Bưu điện tỉnh thành; Phần mềm phân tích số liệu kinh doanh cung cấp thông tin hàng ngày cho Lãnh đạo Tập đoàn và các Ban chức năng và các VNPT tỉnh thành; Cổng thông tin điện tử của VNPT; Phần mềm cung cấp dịch vụ chuyển tiền nhanh cho Tổng công ty Bưu chính.
GIAI ĐOẠN 2010 ĐẾN 2014
Trong những năm gần đây, sự hội tụ giữa Viễn thông, CNTT và Media đang diễn ra mạnh mẽ. Các kỹ thuật truy nhập di động băng rộng, dịch vụ đa phương tiện là các điểm nhấn công nghệ hiện nay. Hạ tầng ICT băng rộng hội tụ trở thành nền tảng chung cung cấp đa dịch vụ thay thế mạng viễn thông trước đây. Vấn đề Chất lượng dịch vụ (QoS) và An toàn thông tin (ATTT) trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhà cung cấp dịch vụ cũng như người sử dụng.
Năm 2012, CDIT đã được giao thực hiện đề tài cấp Nhà nước KC.01.09/11-15 chế tạo thử nghiệm thiết bị Serving Gateway cho mạng truy nhập băng rộng thế hệ 4G - LTE. Với đề tài này, đội ngũ làm về viễn thông của CDIT đã hoàn toàn làm chủ công nghệ mới và đã tham gia đề xuất nhiều giải pháp dịch vụ mới trên thế hệ mạng 4G cho VNPT để sẵn sàng cho triển khai chính thức trong tương lai gần.
Từ kinh nghiệm phát triển hệ thống báo hiệu số 7 cùng với sự hiểu biết sâu sắc về hạ tầng ICT băng rộng, CDIT đã nghiên cứu và xây dựng giải pháp giám sát chất lượng mạng băng rộng cho VNPT, hệ thống đo các thông số chất lượng như trễ, biến động trễ và mất gói với các lớp QoS khác nhau, kích thước gói khác nhau giữa 2 điểm bất kỳ trên mạng, giúp VNPT luôn giám sát được chất lượng các dịch vụ băng rộng và chủ động tiến đến cung cấp các dịch vụ khách hàng có cam kết SLA. Giải pháp hiện đang được triển khai trên 10 tỉnh và sẽ được mở rộng trên toàn mạng VNPT thời gian tới.
Trong lĩnh vực ATTT, CDIT đã chủ động nghiên cứu các công nghệ và giải pháp cho hạ tầng viễn thông mới song song với việc thiết kế và tổ chức mạng của VNPT. Hiện nay, CDIT được giao trách nhiệm đảm bảo an toàn thông tin cho mạng băng rộng của Tập đoàn. Viện cũng đã xây dựng hệ thống xác thực mật khẩu một lần (One Time Password) và đưa vào triển khai cho VNPT, VMS và Văn phòng Quốc hội.
Từ các kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình nghiên cứu lâu dài, với vai trò một Viện nghiên cứu trong một trường đại học, CDIT đã chuyển giao kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực ICT vào hoạt động đào tạo. CDIT đã xây dựng và chuyển giao các hệ thống phòng thí nghiệm, bài thực hành Viễn thông và An toàn thông tin cho Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, cùng Học viện đào tạo được cho ngành ICT lực lượng lao động chất lượng cao với các kiến thức tiên tiến, cập nhật nhất.
TS. Nguyễn Trung Kiên
(còn nữa)
(TCTTTT Kỳ 2/5/2014)