An toàn thông tin

Những kết quả nổi bật của lĩnh vực ATTT năm 2022

Hoàng Linh 29/12/2022 08:39

Trong năm 2022, lĩnh vực an toàn thông tin (ATTT) đã có nhiều hoạt động, sự kiện nổi bật.

Về thể chế, ngày 10/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 964/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030.

Tiếp đó, ngày 13/10/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg về đẩy mạnh triển khai các hoạt động ứng cứu sự cố ATTT mạng Việt Nam.

Trong năm 2022, Bộ TT&TT cũng đã ban hành 02 Thông tư (Thông tư số 10/2022/TT-BTTTT và Thông tư số 12/2022/TT-BTTTT).

Trong lĩnh vực này, Bộ TT&TT chủ trì tổ chức triển khai nhiệm vụ soạn thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi, thay thế Luật Giao dịch điện tử năm 2015) để tạo hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực nhằm chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Một hoạt động nổi bật khác có thể kể đến là đội tuyển Việt Nam giành giải nhất cuộc thi Cyber SEA Game 2022. Đây là lần thứ 2 Việt Nam vô địch cuộc thi này trong 8 lần cuộc thi được tổ chức từ năm 2015. Trong 8 lần tổ chức, Việt Nam 2 lần vô địch, 3 lần đạt giải Nhì, 2 lần giải Ba.

Bộ TT&TT đã hỗ trợ xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành ATTT mạng (SOC) của Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào.

Về diễn tập ATTT, đã có 02 sự kiện thường niên lớn về ATTT đã được tổ chức thành công: Hội thảo và Triển lãm quốc tế về an toàn không gian mạng (Vietnam Security Summit 2022) với chủ đề “ATTT cho nền tảng số quốc gia: Kiến tạo tương lai số bền vững” và Hội thảo - Triển lãm quốc tế ngày ATTT Việt Nam 2022 với chủ đề “Chung tay bảo vệ người dân và doanh nghiệp chuyển đổi số an toàn”.

Đáng chú ý, lĩnh vực đã tích hợp thành công tính năng ký số vào các cổng dịch vụ công cấp tỉnh để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện các dịch vụ công mức toàn trình. Từ đó nâng cao hiệu quả công việc, tăng tính công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành, tăng tính tiện ích và cải thiện lòng tin của người dân khi tham gia vào các dịch vụ công.

Sở TT&TT một số địa phương như Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, TP. Đà Nẵng… và các đơn vị liên quan đã được hướng dẫn cấp chữ ký số công cộng cho công nhân phục vụ thủ tục hành chính công trực tuyến.

lien-minh-tuyen-truyen-attt-2.jpg
Liên minh Tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo đảm ATTT cho người dân trên không gian mạng ra mắt

Trong năm, Liên minh Tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo đảm ATTT cho người dân trên không gian mạng đã được thành lập với sự tham gia của Cục ATTT, Hiệp hội ATTT Việt Nam, Viettel, VNPT, MobiFone, CMC, Bkav, VNG, Cốc Cốc, Tiktok Việt Nam.

Ngăn chặn website/blog lừa đảo, vi phạm pháp luật

Trong năm 2022, đội phản ứng nhanh ứng cứu sự cố với nòng cốt là các chuyên gia trong lĩnh vực, sẵn sàng hỗ trợ các đơn vị trong Mạng lưới ứng cứu sự cố ATTT mạng quốc gia đã được thành lập.  Theo đó, đã có 03 cuộc diễn tập thực chiến quy mô quốc gia và 03 cuộc diễn tập quốc tế với gần 1.000 lượt cán bộ kỹ thuật tham dự.

Khoảng 3.620 lượt cán bộ của các bộ, ngành, địa phương, trong đó có 445 lượt cán bộ kỹ thuật, 1.675 người dùng cuối, gần 1.500 lượt cán bộ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ, giám sát thông tin trên không gian mạng, ứng cứu, xử lý sự cố… được tổ chức đào tạo, tập huấn về ATTT.

Chiến dịch làm sạch mã độc trên không gian mạng năm 2022 được triển khai, đã xử lý 76 website phát tán mã độc, chặn kết nối đến 915 địa chỉ máy chủ điều khiển các mạng botnet tại Việt Nam. Số lượng địa chỉ IP botnet trung bình tháng 11/2022 giảm còn 479.115 địa chỉ, giảm 45% so với năm 2021.

Đến nay, đã ngăn chặn 5.078 website/blog lừa đảo, vi phạm pháp luật. Trong 11 tháng đầu năm 2022, đã ngăn chặn 2.328 website lừa đảo, vi phạm pháp luật; trong đó có 1.342 trang website lừa đảo trực tuyến, 986 trang web/blog vi phạm pháp luật.

Doanh thu tăng trưởng 26,15%

Doanh thu lĩnh vực ATTT mạng năm 2022 ước đạt 4.853,4 tỷ đồng, tăng trưởng 26,15% so với năm 2021, đạt kế hoạch đề ra năm 2022.

Tỷ lệ các chủng loại sản phẩm, giải pháp ATTT mạng do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất năm 2022 đạt 95,5%, đạt mục tiêu đề ra năm 2022.

Số lượng chứng thư số công cộng đang hoạt động (phân tổ theo tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân) năm 2022 ước đạt 1.854.018 tỷ đồng, tăng 13,7% so với năm 2021.

09 giấy phép kinh doanh sản phẩm dịch vụ ATTT mạng được cấp mới. 09 giấy phép được sửa đổi. Giải pháp cloud đáp ứng tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật và ATTT cho 03 doanh nghiệp được đánh giá, chứng nhận.

05 tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATTT được ban hành gồm: TCVN 13467:2022; TCVN 13464:2022; TCVN 13465:2022; TCVN 13466:2022; TCVN 13468:2022. 05 bộ tiêu chí kỹ thuật đối với các sản phẩm phòng, chống mã độc; phần mềm nội bộ; sản phẩm phát hiện và phản ứng sự cố ATTT trên thiết bị đầu cuối; sản phẩm phòng, chống tấn công từ chối dịch vụ; sản phẩm phân tích và phát hiện hành vi bất thường của người dùng trên mạng được công bố ./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Những kết quả nổi bật của lĩnh vực ATTT năm 2022
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO