Những "công trình cá nhân" làm ta thay đổi tính cách
Điều truyền cảm hứng nhất trong quan điểm của Little nằm gọn trong 4 chữ: tiềm năng thay đổi. TS Brian Little cho rằng, các công trình cá nhân này có thể là nguồn động lực mạnh đến mức thúc đẩy một người thực hiện những hành động không hề giống với tính cách thường ngày của mình. "Như thể chúng đã định hình lại toàn bộ tính cách của chúng ta vậy", ông nói trong "Bạn thật sự là ai?".
Cụ thể, nếu chỉ nhìn nhận tính cách của bản thân từ góc độ di truyền hay ảnh hưởng xã hội, là ta mặc định mình thụ động như một quân cờ, bị điều khiển bởi bộ gien di truyền và hoàn cảnh sống. "Tôi chỉ phù hợp với loại công việc này"; "Tôi không có khiếu làm quản lý"; "Tôi khó gắn kết người khác vì từ nhỏ đã bị bỏ rơi"... Hẳn bạn đã nghe những phát biểu kiểu này rất nhiều lần, và có lẽ chính bạn cũng từng nói những điều tương tự.
Trong khi đó, những công trình cá nhân lại tạo nên một bản tính thứ ba cho bạn - bản tính tự do - những gì thuộc về tương lai, những gì bạn có thể định đoạt.
Dùng công trình cá nhân để thiết kế phiên bản tương lai
Dù trở nên phổ biến từ một bài nói chuyện trên TED Talks năm 2016 (đến nay đã vượt 16 triệu lượt xem), quan điểm của Little không đơn thuần chỉ là những lời phát biểu. Ý tưởng này đã ra đời sau khi ông tìm ra những lỗ hổng của học thuyết về mô hình nhận thức cá nhân (personal constructs) của nhà tâm lý học nổi danh George Kelly. Sau đó là hơn 50 năm Little dành ra để nghiên cứu, phát triển, và cho đến nay, nhóm của ông đã tiến hành nghiên cứu các công trình cá nhân của hàng ngàn người.
Sau khi mô tả kỹ càng về công trình cá nhân, trong phần còn lại của "Bạn thật sự là ai?", Brian Little tập trung vào cách đánh giá, quản lý và thiết kế các công trình này. Đặc biệt, ông nhấn mạnh ảnh hưởng của hai bản tính còn lại - bản tính sinh học và bản tính xã hội - trong việc lựa chọn công trình cá nhân để tạo ra bản tính thứ ba. Dường như bạn cần có một "điệu nhảy tinh tế" để có thể cân bằng giữa con người bạn muốn trở thành và những bản tính ổn định đã có.
Chẳng hạn, Little cho rằng bạn có thể xây dựng nên những khía cạnh mới của bản thân nếu chọn theo đuổi các công trình cá nhân đi ngược lại với bản tính sinh học. Tuy nhiên, ông cũng không "tô hồng" sức mạnh của công trình cá nhân khi lưu ý rằng, việc hành động ngược lại với bản tính bẩm sinh có thể khiến bạn nhanh kiệt sức hơn bình thường.
Tương tự, với ảnh hưởng từ xã hội, tác giả khuyến khích bạn đọc uốn nắn các bối cảnh xung quanh để chúng hỗ trợ tốt hơn cho các công trình cá nhân - chẳng hạn như thay đổi công ty, nơi ở, cộng đồng. Đồng thời, điều ngược lại cũng đúng: Các nỗ lực của bạn có thể tác động ngược lên môi trường xung quanh bạn, như làm biến đổi văn hoá, quy tắc, các chuẩn mực chung… của nó.
Brian Little vô cùng tin tưởng việc ai đó có đa chân tính - tức chuyển đổi qua nhiều tính cách khác nhau tùy theo tình huống và hoàn cảnh - là hoàn toàn bình thường. "Tôi nghĩ một số độc giả có thể đồng ý rằng quan điểm ‘luôn là chính mình’ đang kìm kẹp và hạn chế khả năng phát triển của chúng ta", ông viết, "Khi tự hạn chế bản thân trong chỉ một khuôn mẫu, bạn đang chặn đứng khả năng đưa bản thân trở thành một điều gì đó to lớn hơn". Little khuyến khích độc giả cởi mở hơn với những trải nghiệm mới mẻ thay vì khư khư trung thành với những phẩm chất và cách hành xử ổn định.
Càng về cuối cuốn sách, Brian Little dần hướng người đọc đến một sứ mệnh lớn lao của những công trình cá nhân: khả năng một cá nhân làm chủ đường đời lẫn hạnh phúc. "Bằng cách xem xét các công trình cốt lõi của bạn và cách duy trì chúng, bạn sẽ được gia tăng sức mạnh để thay đổi quỹ đạo đời mình", tác giả viết.
Little trao cho bạn đọc niềm tin rằng hạnh phúc nằm trong bàn tay định đoạt của chính ta, chứ không chỉ bởi các đặc điểm sinh học, hoàn cảnh sống hay ảnh hưởng của quá khứ./.