Đồng hành cùng cuộc sống nhân dân
Những hoạt động của các trạm truyền thanh cơ sở ở được bà con nhân dân A Lưới hưởng ứng rất cao. Những nội dung thông tin từ loa phát thanh được bà con lắng nghe theo dõi sát sao. Nhờ đó, những cơ chế chính sách, kiến thức khoa học và đời sống được phổ biến nhanh nhạy và rộng rãi. Có thể nói đây là kênh truyền thông hiệu quả cho người dân ở một huyện vùng núi như A Lưới.
Bà Hồ Thị Sử ở xã Quảng Nhâm là một trong những người dân chăm theo dõi các bản tin truyền thanh của xã. Bà thường xuyên nghe đài để nắm bắt các thông tin, các thông báo của Nhà nước cũng như của tỉnh và huyện để biết và thực hiện. Đặc biệt, một trong những thông tin hết sức quan trọng đó là cập nhật chính xác và kịp thời các chương trình khuyến nông. Từ đó giúp bà chủ động được các phương án nuôi trồng cây con giống mới.
Công tác truyền thanh cơ sở tại A Lưới nhận được nhiều sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền địa phương. Từ đây công tác tuyên truyền được bám sát thực tế với tình hình nhiệm vụ của từng địa phương, phát huy hiệu quả của trạm truyền thanh cơ sở.
Những cán bộ phụ trách trực trạm loa truyền thanh nơi đây tuy chưa qua đào tạo chuyên sâu, nhưng đa số đã nắm bắt cơ bản về công tác khai thác vận hành, qua đó bảo đảm được khâu khai thác vận hành đúng quy trình.
Được sự quan tâm của UBND-HĐND huyện trong việc hỗ trợ kinh phí cho công tác bảo trì bảo dưỡng. Các trạm truyền thanh cơ sở đã sử dụng rất tốt nguồn vốn này nhằm bảo đảm công tác bảo trì bảo dưỡng, bảo đảm công tác tuyên truyền hoạt động thường xuyên liên tục. Các trạm truyền thanh cơ sở được trang bị các trang thiết bị kỹ thuật tương đối đồng bộ, khá đầy đủ đảm bảo cho hoạt động tuyên truyền được thông suốt, hiệu quả.
Vươn lên từ những khó khăn
A Lưới là huyện miền núi phía tây Tỉnh Thừa Thiên Huế, đa số địa hình tại các xã còn có nhiều vùng lõm, sự ảnh hưởng của núi đồi làm cho việc thu tiếp sóng còn gặp trở ngại. Bên cạnh đó, với đặc trưng thời tiết như sương mù, giông sét, ảnh hưởng đến độ bền của thiết bị truyền thanh và chất lượng kỹ thuật phát sóng.
Không những thế, khả năng khai thác vận hành của cán bộ trực trạm còn có phần hạn chế chưa đáp ứng được hết yêu cầu chuyên môn như xử lý sự cố kỹ thuật, khắc phục sữa chửa trang thiết bị máy móc. Thậm chí tại một số địa phương còn thiếu nguồn điện cung cấp cho các cụm thu.
Tuy thế, hằng năm, huyện A Lưới cũng chú trọng đầu tư các cơ sở vật chất cho các trạm truyền thanh như lắp đặt mới 15 cụm thu và 30 loa. Được biết, huyện cũng đang làm hồ sơ cấp mới giấy phép tần số hoạt động cho 6 trạm truyền thanh cơ sở
Các trạm truyền thanh cơ sở điều phát sóng ngày 2 lần vào buổi sáng vả buổi chiều:
Sáng từ 5h30 đến 6h45 buổi chiều từ 17h00 đến 18h 45. Tổng thời gian phát bình quân của 1 trạm trong 6 tháng đầu năm lên đến 500 giờ
Tổng số cụm thu của toàn bộ các trạm là 152 cụm trong đó có 110 cụm đang còn hoạt động tốt, 42 cụm thu còn lại đã cần khắc phục sữa chữa.
Hiện tại, để phục vụ tốt cho công tác tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh, các thiết bị khác như máy phát, đầu thu tín hiệu FM, bàn mixer đều được nâng cấp và đầu tư để hoạt động tốt.
Tại A Lưới, hiện có 3 trạm phát thanh là Hương Nguyên, Hồng Hạ, Hương Lâm có phát thêm chương trình tiếng Ko Tu, nội dung chương trình do Đài tiếng nói Việt Nam tại Đà Nẵng cung cấp .
Ngoài ra, trạm truyền thanh trung tâm tại A Lưới bao gồm: Máy phát sóng FM 2KW do Đài Tiếng nói Việt Nam trang bị dùng để tiếp sóng hệ VOV1 của Đài Tiếng nói Việt Nam hằng ngày từ 4h45' đến 23h45' hằng ngày. Máy phát FM 500W dùng để tiếp sóng Đài Tiếng nói Việt Nam buổi sáng từ 4h45' đến 7h00' buổi chiều từ 17h00' đến 18h45'và phát sóng chương trình phát thanh của địa phương 5 chương trình/tuần, một chương trình có thời lượng từ 20 đến 30 phút.
Có thể nói, trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, người dân có nhiều nguồn để cập nhật các thông tin như qua mạng Internet, mạng xã hội facebook, zalo,…. nhưng để đảm bảo được nguồn thông tin chính thống và kịp thời nhất đến đồng bào dân tộc miền núi thì vai trò của hệ thống truyền thanh là vô cùng quan trọng. Giúp cho người dân, đặc biệt là người dân các xã vùng biển, vùng sâu, vùng xa được nâng cao trình độ, dân trí, cập nhật kiến thức trong phát triển kinh tế - xã hội. Sự tồn tại và phát triển của kênh thông tin này hiện nay là rất cần thiết trong lộ trình xây dựng nông thôn mới của mỗi địa phương./.