Những “thị trường ngách” của phần mềm nguồn mở

Lâm Thảo| 07/12/2017 09:34
Theo dõi ICTVietnam trên

Mặc dù được Thủ tướng Chính phủ tạo hành lang ứng dụng và phát triển từ năm 2004, nhưng đến nay, phần mềm nguồn mở (PMNM) phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Ngày 5-12, bên lề Hội thảo Phần mềm nguồn mở 2017, TS Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có cuộc trao đổi về vai trò của PMNM trong chuyển đổi số và những “khoảng trống” PMNM có thể phát triển, bởi đã có những giải pháp trên nền nguồn đóng thì chắc chắn có những giải pháp trên nền nguồn mở.

- Thưa ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, xin ông đánh giá về tiềm năng phát triển PMNM tại Việt Nam trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số?

- Chúng tôi đánh giá tiềm năng PMNM cho chuyển đổi số là rất lớn. Từ năm 2004 khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 235 về dự án tổng thể Ứng dụng và phát triển PMNM ở Việt Nam đến nay đã có những kết quả nhất định như việc sử dụng các phần mềm văn phòng Libre Office, Open Office đến các phần mềm chuyên dụng như các hệ quản trị cơ sở dữ liệu, cổng thông tin điện tử...Tuy vậy, sự phát triển của PMNM chưa tương xứng với tiềm năng.

Lý do thứ nhất là cộng đồng doanh nghiệp làm PMNM vẫn còn tương đối yếu, khả năng hỗ trợ kỹ thuật chưa cao và tức thời, tạo sự tin tưởng cho người dùng. Thứ hai, tâm lý của người dùng hiện nay vẫn thích phần mềm thương mại, tức phần mềm nguồn đóng do tính tiện lợi cũng như thói quen dùng đã lâu. Thứ ba, cạnh tranh giữa hãng cung cấp giải pháp thương mại với PMNM cũng rất khác biệt. Vì thế, PMNM cần phát triển mạnh hơn trong thời gian tới để các đơn vị, tổ chức và người dân sử dụng.

- Trước thực trạng đó, Bộ Thông tin và Truyền thông có chính sách gì để thúc đẩy cộng đồng phát triển ứng dụng PMNM?

- Sau Quyết định 235 của Thủ tướng Chính phủ năm 2004, Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành nhiều quy định nhằm thúc đẩy ứng dụng PMNM trong các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp. Quyết định 169 và 223 của Thủ tướng Chính phủ về việc dầu tư, mua sắm các sản phẩm CNTT của các cơ quan, tổ chức sử dụng vốn ngân sách nhà nước đều ưu tiên PMNT. Hay Quyết định số 50 năm 2009 của Thủ tướng ban hành Quy chế quản lý Chương trình Công nghiệp phần mềm và nội dung số đã tạo ra sự thay đổi lớn cho PMNM. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành Chỉ thị 07 để đẩy mạnh ứng dụng PMNM trong cơ quan Nhà nước và Thông tư về 20 danh mục PMNM đáp ứng yêu cầu trong cơ quan Nhà nước…

Có thể nói, hiện nay, tại Việt Nam PMNM đang được dùng khá nhiều trong cơ quan nhà nước. Điển hình như TP Hồ Chí Minh đã triển khai sử dụng PMNM tại 2.068 lượt đơn vị, con số này tại Hà Nội là 1.331, Tiền Giang 1.117, Đà Nẵng 883 đơn vị. Khối các bộ, ngành cũng khá mạnh mẽ, Bộ Giao thông vận tải là 779 lượt đơn vị, Bộ Giáo dục và Đào tạo là 37 sở, 162 phòng giáo dục…

- Vậy theo ông, đâu là thế mạnh của PMNM trong sự phát triển công nghệ như vũ bão hiện nay?

- Một trong những định hướng để phát triển PMNM trong thời đại hiện nay là người dùng điện thoại thông minh rất lớn, trong đó số người sử dụng điện thoại có PMNM Android chiếm tỷ lệ vô cùng lớn. Theo thống kê năm 2016, hệ điều hành Android trong điện thoại thông minh ở Việt Nam đã đạt con số 36 triệu thuê bao trên tổng số 129 triệu thuê bao. Xu thế điện toán di động trên nền nguồn mở chính là cơ hội để các nhà cung cấp dịch vụ xây dựng các ứng dụng trên nền nguồn mở Android.

Tuy nhiên, hiện nay giới công nghệ Việt Nam đang quan tâm nhiều đến việc xây dựng các ứng dụng cho nước ngoài, trong khi thị trường trong nước có 90 triệu người, trong đó có 1/3 số người sử dụng điện thoại thông minh chính là thị trường rất mạnh vẫn còn chưa được quan tâm thỏa đáng. Ngày nay, chúng ta có thể cung cấp nhiều giải pháp trên nền nguồn mở cho điện thoại thông minh từ ví điện tử đến những giải pháp tìm đường, thông tin thời tiết, giải trí và rất nhiều nhu cầu thông tin khác cho cả cá nhân cũng như tổ chức.

Chúng ta cũng nên phát triển các ứng dụng văn phòng, quản lý doanh nghiệp trên nền tảng mở để phục vụ tốt công việc mà không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ về phần mềm.

Đã có những giải pháp trên nền nguồn đóng thì chắc chắn có những giải pháp trên nền nguồn mở. Tôi cho rằng tiềm năng này là “thị trường ngách” cho các doanh nghiệp tận dụng cơ hội.

- Sắp tới, Bộ Thông tin và Truyền thông có hướng phát triển như thế nào với PMNM, thưa ông?

- Thứ nhất, là hoạt động phối hợp với Câu lạc bộ Phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam VFOSSA cũng như cộng đồng doanh nghiệp nguồn mở tìm kiếm các giải pháp cũng như các tổ chức hội thảo trao đổi về vấn đề này. Nghiên cứu chính sách định hướng trên thế giới về phát triển PMNM đưa ra, đặc biệt hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi số.

Hiện nay, chúng tôi đang nghiên cứu xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật triển khai áp dụng PMNM trong các cơ quan Nhà nước. Dự kiến bộ định mức này sẽ được hoàn thành trong năm 2017 và ban hành năm 2018. Bộ định mức này bao gồm trên 70 định mức triển khai của gần 20 loại sản phẩm PMNM ban hành theo Thông tư 20/2014/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ngoài ra, chúng tôi sẽ nghiên cứu thêm các chính sách, quy định quốc tế về nguồn mở, chuẩn mở, dữ liệu mở, chính phủ mở để đưa ra khung hướng dẫn, hành lang pháp lý trong thời gian tới. Đồng thời, sẽ phối hợp với các doanh nghiệp đưa ra định hướng PMNM cho các thiết bị thông minh, điện thoại thông minh vì công nghệ thông minh và chuyển đổi số vốn là những xu hướng chủ đạo cho cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

- Xin cảm ơn ông!

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Những “thị trường ngách” của phần mềm nguồn mở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO