Nền kinh tế số là động lực của sự phát triển
Khái niệm về “Kinh tế số” (Digital Economy) được nhắc đến lần đầu tiên trong một quyển sách của Bộ Thương mại Mỹ có tên là “Các nền kinh tế số mới nổi (Emerging digital economy). Tại thời điểm cuốn sách được xuất bản, nó chủ yếu liên quan tới lĩnh vực thương mại điện tử, sau đó được mở rộng ra bao gồm những nội hàm mới của nền kinh tế số.
Tại Hội thảo Khung pháp lý về nền kinh tế số giữa Việt Nam và Hàn Quốc do Bộ Thông tin & Truyền thông (TTTT) cùng Viện Xã hội thông tin Quốc gia Hàn Quốc (KISDI) tổ chức, đại diện Hàn Quốc cho biết khái niệm về kinh tế số không cố định mà sẽ điều chỉnh, thay đổi, cho phù hợp với biến động thực tế. Đặc tính của nền kinh tế số nói chung không đơn thuần chỉ nói đến ICT, thương mại điện tử mà rộng hơn rất nhiều. Ở thời điểm những năm 90, trọng tâm của nền kinh tế số tập trung vào khía cạnh sản xuất thiết bị CNTT - TT, tuy nhiên theo thời gian và sự phát triển của công nghệ, định nghĩa về kinh tế số hướng nhiều hơn việc sử dụng các sản phẩm, dịch vụ CNTT - TT. Ngày nay, khi nói đến kinh tế số nó hàm ý ứng dụng CNTT - TT để nâng cao nâng suất làm việc trong mọi ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Nó có sự kết hợp giữa các công nghệ mới và các mô hình kinh doanh mới.
Theo đó, tùy bối cảnh mỗi quốc gia nó có sự phân loại xem công nghệ nào có tầm ưu tiên hơn. Với Hàn Quốc, các công nghệ quan trọng hiện tại là dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, IoT. Trong khi đối với các quốc gia, công nghệ ưu tiên có thể là in 3D và công nghệ sinh học,…
Chuyên gia Hàn Quốc chia sẻ tại Hội thảo
Nền kinh tế chia sẻ (Uber, Grab,…) chính là một mô hình kinh doanh mới. Rõ ràng, nền kinh tế số luôn gắn kèm với các mô hình kinh doanh mới, sự tích hợp giữa công nghệ và mô hình kinh doanh. Mục tiêu cuối cùng là nâng cao năng suất hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo ra công ăn việc làm cho xã hội. Đây cũng là lý do mà rất nhiều quốc gia quan tâm tới nền kinh tế số.
Một số thách thức trong xây dựng khung pháp lý về kinh tế số tại Việt Nam
Trong xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số đang ngày càng trở nên quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu và chuyển đổi nền kinh tế số là yếu tố hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng và phát triển của mỗi quốc gia. Để quản lý và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số nhiều quốc gia hiện đang rà soát lại tổng thể các chính sách, đặc biệt là các chính sách về CNTT, cũng là các chính sách nền tảng cho sự phát triển của kinh tế số.
Ông Hoàng Anh Tú, Vụ phó Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ TTTT, cho biết hiện nay Bộ TTTT được chính phủ giao một số nhiệm vụ liên quan đến CMCN 4.0 và nền kinh tế số như xây dựng khung tiêu chuẩn về thành phố thông minh, phối hợp xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đặc biệt Bộ TTTT đang trong quá trình đánh giá tổng kết lại Luật CNTT để đề xuất những thay đổi phù hợp với thời kỳ mới, đặc biệt là thời kỳ của cách mạng công nghiệp 4.0 và kinh tế số.
Chia sẻ tại Hội thảo, đại diện Vụ CNTT, Bộ TTTT cho biết vấn đề nghiên cứu chấp thuận các quy tắc trong nền kinh tế số quốc tế là cần thiết để bảo đảm kinh tế Việt Nam là một thành phần của kinh tế số toàn cầu. Các nhà nghiên cứu chính sách sẽ cần nghiên cứu các vấn đề mới như trong kinh tế số như vấn đề về dòng dữ liệu tự do. Khái niệm kinh tế số là một khái niệm bao trùm nhiều lĩnh vực với vai trò trung tâm là CNTT -TT, đặt ra yêu cầu thay đổi pháp lý trên một số luật, bộ luật có liên quan như Luật CNTT, Luật Viễn thông, Luật Giao dịch điện tử, Luật Cạnh tranh, và đề xuất bổ sung một số Luật mới cho phù hợp.
Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo
Mặt khác, vấn đề ứng xử với các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mang tính đột phá cũng cần được xem xét, có nên ngăn cản hay để cho các công nghệ, mô hình kinh doanh mới tự do phát triển theo đúng với quy luật cung cầu của thị trường hay tạo ra một policy sandbox để vừa phát triển vừa quản lý các công nghệ và mô hình kinh doanh đó.
Bên cạnh đó là việc giải quyết các tranh chấp về cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, đặc biệt giữa các doanh nghiệp truyền thống và các doanh nghiệp số khi mà các doanh nghiệp số có nhiều lợi thế hơn về công nghệ cũng như có ít rằng buộc quản lý hơn các doanh nghiệp truyền thống. Và cuối cùng là vấn đề về bản quyền trên môi trường số và bảo vệ khách hàng trực tuyến khi mà các hoạt động đều diễn ra trên môi trường số.
Khung pháp lý nền kinh tế số Hàn Quốc và bài học với Việt Nam
Với tiềm năng của nền kinh tế số hiện nay, việc ra đời của khung pháp lý cho nền kinh tế này càng cần thiết. Khung pháp lý là một thành tố quan trọng của nền kinh tế số. Nếu có khung pháp lý phù hợp, hiệu quả sẽ đẩy nhanh tiến độ quá trình chuyển đổi nền kinh tế hiện nay sang nền kinh tế số.
Đại diện Hàn Quốc cho biết, đối với kinh tế số cần khung pháp lý bao trùm. Cụ thể, theo chia sẻ của các chuyên gia, giáo sư, luật sư đến từ KISDI, để có thể phát triển nền kinh tế số, Hàn Quốc đã tạo ra chính sách điều chỉnh an sinh xã hội và đào tạo nguồn nhân lực nhằm hướng tới mục tiêu của mình. Trong quá trình đó, Hàn Quốc đã đưa ra nhiều đạo luật để quản lý từng lĩnh vực nhỏ trong ngành nội dung số. Ví dụ để hỗ trợ giao dịch điện tử, Hàn Quốc đã có luật văn bản điện tử, luật giao dịch điện tử và luật chữ ký số để hỗ trợ giao dịch điện tử. Những luật này hỗ trợ cho tầm nhìn về phát triển thương mại điện tử của chính phủ Hàn Quốc. Bên cạnh đó, cần tiến tới việc thay đổi nhận thức để công nhận văn bản điện tử cũng có giá trị như trên giấy tờ.
Ngoài ra cũng cần phải có một khung pháp lý để cùng hợp tác, thúc đẩy sự phát triển của cả thị trường trong nước và quốc tế, bởi rất khó để áp đặt được các chính sách quản lý đối với những tập đoàn xuyên biên giới như Alibaba, Uber hay Google. Do đó, nếu có khung pháp lý phù hợp, việc điều tiết hoạt động giữa thị trường trong nước và quốc tế sẽ đơn giản hơn.
Một điều quan trọng khác theo các chuyên gia Hàn Quốc là cần chú trọng đảm bảo tính trung lập về công nghệ. Ví dụ như trong lĩnh vực chữ ký điện tử, Hàn Quốc từng ra quy định bắt buộc dùng công nghệ mã hoá RSA. Điều này vô tình tạo ra giới hạn công nghệ, ngăn cản sự sáng tạo và phát triển của các doanh nghiệp chữ ký số.
Ngoài ra, từ kinh nghiệm của Hàn Quốc, việc khuyến khích cung cấp dịch vụ công thông qua nền tảng cổng thông tin điện tử portal có vai trò rất quan trọng. Bởi khi mọi người thấy hiệu quả sử dụng, nó sẽ đem đến sự thuận lợi trong các chính sách, nhằm phát triển chính phủ điện tử tại Việt Nam.