Chủ sở hữu điện thoại thông minh đang ngày càng lo lắng về bảo mật dữ liệu và sẽ xóa các ứng dụng mà họ không tin tưởng. Chỉ một phần tư cảm thấy họ kiểm soát được dữ liệu cá nhân của mình.
Nghiên cứu do Diễn đàn Hệ sinh thái Di động (Mobile Ecosystem Forum-MEF) thực hiện cho thấy người dân châu Âu nằm trong số những người dùng điện thoại di động thận trọng nhất, với Quy định Bảo vệ Dữ liệu Chung (General Data Protection Regulation-GDPR) gần đây thúc đẩy chương trình bảo vệ sự riêng tư. Nhưng các mối quan tâm về quyền riêng tư đang gia tăng trên toàn cầu, theo nghiên cứu được công bố vào tuần trước.
Theo cuộc khảo sát 6.500 người, 76% người dùng điện thoại thông minh “đang tích cực dành thời gian và nỗ lực để cố gắng bảo mật thông tin của mình”. Hơn một nửa – 57% - cảm thấy họ đang gặp nguy hiểm thông qua dữ liệu được thu thập trên thiết bị của họ.
Hai phần ba đã từ bỏ việc mua một ứng dụng vì lo ngại về quyền riêng tư và 69% đã quyết định không tải xuống một ứng dụng do "yêu cầu cấp phép quá mức".
Nghiên cứu Niềm tin người tiêu dùng toàn cầu của MEF cho thấy chỉ có một thiểu số, 27% người dùng điện thoại thông minh cảm thấy họ có quyền kiểm soát dữ liệu của mình. Một phần ba cảm thấy rằng họ phải chấp nhận các điều khoản và các điều kiện của nhà cung cấp ứng dụng, ngay cả khi ứng dụng yêu cầu các dữ liệu cá nhân mà họ không muốn chia sẻ.
Tại châu Âu, 62% người dùng điện thoại thông minh cho biết họ đã thấy những thay đổi về quyền riêng tư từ nhà cung cấp ứng dụng và nhà cung cấp dịch vụ kể từ khi GDPR có hiệu lực. Tuy nhiên, tổ chức cho biết điều này vẫn chưa chuyển thành niềm tin của người tiêu dùng.
“Có hai vấn đề chính trong hệ sinh thái di động về dữ liệu cá nhân: dữ liệu 'tấn công' và dữ liệu 'lạm dụng'. Lạm dụng dữ liệu phổ biến hơn nhiều so với 'tấn công'; tuy nhiên, chúng cũng có thể có những tác động lớn”, Dario Betti, tác giả của báo cáo, nói.
MEF đã phỏng vấn người dùng điện thoại thông minh tại 10 quốc gia trên toàn thế giới. Có tới 66% trong số người tham gia khảo sát cho biết họ đã phải chịu thiệt hại về dữ liệu: 11% bị đánh cắp nhận dạng, 22% bị hack tài khoản, 14% có thẻ tín dụng bị hack, và 12% gian lận tài chính.
"Hoa Kỳ là thị trường có số người chịu tổn thất về dữ liệu lớn thứ hai, sau Pháp," Betti nói. "Hơn 70% người dùng điện thoại thông minh báo cáo họ đã phải chịu các tổn hại đến bản thân, bạn bè và gia đình." MEF tin rằng những trường hợp lạm dụng dữ liệu gần đây đã làm xói mòn lòng tin và khiến người dùng điện thoại di động yêu cầu quyền kiểm soát nhiều hơn đối với thông tin của họ. "Những vụ bê bối gần đây đã làm hoen ố niềm tin của người dùng trong các dịch vụ di động: 41% người dùng báo cáo rằng tin tức về lạm dụng dữ liệu đã khiến họ mất lòng tin", Betti nói.
Trừ khi ngành công nghiệp cung cấp cho người dùng sự minh bạch hơn về lý do dữ liệu được thu thập và cho người dùng kiểm soát nhiều hơn cách dữ liệu được sử dụng, nếu không, ngành công nghiệp sẽ phải đối mặt với sự mất niềm tin và các quy định chặt chẽ hơn.
"Mối đe dọa lớn nhất đối với ngành là sự can thiệp của các quy định nặng nề," Betti nói. “GDPR và các luật tương tự khác được thiết kế như một phương pháp tiếp cận mềm. Các nhà làm luật hiện đang xem xét một bộ công cụ khắc nghiệt hơn nhiều. ”
MEF kêu gọi ngành công nghiệp di động và mạng di động tăng cường tự điều chỉnh cũng như tăng cường mức độ kiểm soát của người đăng ký đối với dữ liệu cá nhân của họ để loại bỏ mối đe dọa từ các quy định khó khăn hơn.