Truyền thông

Nỗ lực lấy trẻ em làm trung tâm trong công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

TQ 06/02/2024 14:13

“Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ giúp trẻ em dễ dàng tiếp cận với các kiến thức xã hội, nhưng đồng thời cũng gia tăng nguy cơ trẻ em tiếp xúc với những nội dung độc hại và những rủi ro bị xâm hại bạo lực nếu không có các biện pháp phòng vệ hiệu quả.”

Đây là chia sẻ của ông Rafiq Ahmed Mangi, Phó Giám đốc Dự án án “Phòng chống các hình thức lao động trẻ em nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, bao gồm bóc lột tình dục trẻ em trên môi trường mạng, và vi phạm các điều kiện lao động tối thiểu” (Dự án ACE) của tổ chức World Vision International tại Việt Nam, tại hội thảo “Phòng chống thông tin độc hại và lừa đảo trẻ em trên mạng” cuối năm 2023 vừa qua. Hội thảo do Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng (VCSC), Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) phối hợp với Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Cục An Toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức.

anh-1.jpg
Đại diện cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức liên quan đã chia sẻ thông tin và đề xuất kiến nghị để bảo vệ trẻ em tốt hơn trên môi trường mạng.

Con số thực tế có thể vượt xa số liệu báo cáo

Tại hội thảo, một em học sinh chia sẻ: “Nếu có người lạ kết bạn, em sẽ vẫn nói chuyện và xem có đẹp trai không, nếu đẹp trai thì em sẽ nói chuyện tiếp.” Việc trẻ em có xu hướng kết bạn với người lạ với những tiêu chí rất đơn giản như ngoại hình đẹp là rất phổ biến. Thói quen này có thể dẫn đến nguy cơ trẻ em tiếp nhận thông tin không phù hợp, bị dụ dỗ, lừa đảo, xâm hại, bóc lột cả trên môi trường mạng và trong đời thực.

Theo Báo cáo Ngăn chặn hành vi gây tổn hại tại Việt Nam của UNICEF (2022), tình trạng bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em Việt Nam trong lứa tuổi 12-17 qua mạng đang diễn ra khó lường, trong đó 5% trẻ em chia sẻ được gửi những hình ảnh nhạy cảm mà các em không muốn, 2% trẻ em đã bị yêu cầu trò chuyện về tình dục khi bản thân không muốn.

Trong 8 tháng đầu năm 2023, Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em (111) đã xử lý 251 trường hợp có nội dung liên quan đến xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

Mạng lưới ứng cứu và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (VN-COP) cũng ghi nhận nhiều báo cáo có liên quan đến việc xâm phạm đời sống riêng tư của trẻ em, đặc biệt sử dụng hình ảnh và chia sẻ thông tin của trẻ em mà không có sự đồng thuận.

Tôi tin rằng con số thực tế liên quan đến các vấn đề mà trẻ em gặp phải trên môi trường mạng chắc chắn phải lớn hơn rất nhiều”, bà Đinh Như Hoa, Trưởng phòng Kiểm định, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC), Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.

Bảo vệ trẻ em trên mạng là nhiệm vụ của tất cả các bên

Là đơn vị hoạt động tích cực trong công tác bảo vệ trẻ em, World Vision International tại Việt Nam đã đưa bảo vệ trẻ em trở thành mục tiêu chiến lược của tổ chức, đồng thời thúc đẩy nhiều sáng kiến, dự án, chương trình nhằm Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

anh-2.jpg
Một số tranh vẽ, video tham gia thử thách “Tiếng nói trẻ em về bạo lực trên môi trường mạng và an toàn thông tin”.

“Bảo vệ trẻ em và Thúc đẩy sự tham gia của trẻ em là một trong ba chương trình chiến lược của World Vision International tại Việt Nam. Chúng tôi cam kết bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức xâm hại, bạo lực, bóc lột... đồng thời thúc đẩy sự tham gia của trẻ vào quá trình ra quyết định. Trong đó, bảo vệ trẻ em trên môi trường trực tuyến là một trong những ưu tiên hàng đầu trong các can thiệp của World Vision” - Bà Phan Thị Kim Liên, Quản lý Chương trình Bảo vệ Trẻ em & Thúc đẩy sự tham gia của trẻ em, World Vision International tại Việt Nam cho biết.

anh-3.jpg
Bà Phan Thị Kim Liên, Quản lý Chương trình Bảo vệ Trẻ em & Thúc đẩy sự tham gia của trẻ em, World Vision International tại Việt Nam.

Từ năm 2018-2021, World Vision cũng triển khai Dự án Bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên khỏi nguy cơ bị xâm hại tình dục trên môi trường mạng (TOCSE) tại thành phố Đà Nẵng. Dự án đã hỗ trợ trang bị kỹ năng cho hơn 15.600 học sinh và 11.100 cha mẹ, giáo viên và cán bộ địa phương về bảo vệ trẻ em khỏi bị bóc lột, xâm hại tình dục trên mạng.

Ghi nhận vai trò của các tổ chức phi chính phủ trong công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá cao bộ tài liệu truyền thông mà các tổ chức đã phát triển. “Nếu có thể kết nối các đơn vị để chia sẻ và thẩm định tài liệu, từ đó ban hành để sử dụng rộng rãi cho hoạt động truyền thông, nâng cao năng lực, đây sẽ là tín hiệu tích cực trong công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng tại Việt Nam” - Bà Nga đề xuất tại hội thảo.

Trẻ em - Nhân tố tạo nên sự thay đổi

Bên cạnh vai trò của chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội, chính trẻ em cũng là chủ thể quan trọng góp phần tạo nên môi trường mạng an toàn, lành mạnh, chính các em là “tác giả” của nhiều sáng kiến tuyệt vời nhằm giải quyết những vấn đề các em đang phải đối mặt.

Đồng tình với nỗ lực thúc đẩy tiếng nói của trẻ em, cô Phan Thị Phước Hòa, Trường THCS Lê Hồng Phong (Đà Nẵng) đề xuất nhân rộng mô hình các nhóm trẻ, giúp trẻ trở thành nhân tố tích cực trong công tác tuyên truyền tại cộng đồng. Cô Hoà chia sẻ: “Dự án TOCSE đã giúp tôi tin tưởng hơn vào việc tạo điều kiện cho các em sáng tạo ý tưởng và đưa ra sáng kiến. Chính các em sẽ biết như thế nào là tốt, từ đó có thể khuyến khích bạn bè xung quanh cùng làm theo.

anh-4.jpg
Các em học sinh tại Đà Nẵng cùng đưa ra sáng kiến để chấm dứt bóc lột, xâm hại tình dục trên mạng thông qua Dự án TOCSE.

World Vision International tại Việt Nam đang triển khai hơn 1.000 câu lạc bộ trẻ em trên cả nước, tạo sân chơi để các em vừa học hỏi lẫn nhau, vừa cùng lên tiếng chia sẻ ý kiến, đề xuất của mình, cũng như chủ động thực hiện các sáng kiến và trở thành thủ lĩnh tại cộng đồng, tại nhà trường trong công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Chính vì vậy, việc lắng nghe tiếng nói của các em, phát huy vai trò làm chủ của trẻ em sẽ là nền tảng quan trọng trong việc xây dựng, thực hiện, giám sát và đánh giá các chương trình, dự án, các quy trình, chính sách có liên quan đến trẻ em.

Sự quan tâm thích đáng của các cơ quan, ban ngành, tổ chức liên quan và nhà trường trong việc thúc đẩy vai trò của trẻ em sẽ giúp thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng” - Bà Phan Thị Kim Liên nhấn mạnh.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực lấy trẻ em làm trung tâm trong công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO