Nỗ lực tiến tới nền hải quan thông minh sẽ mang lại nhiều lợi ích cho DN
Các quy trình hải quan được cải cách để đẩy nhanh tiến độ thông quan và giảm bớt thời gian và chi phí cho doanh nghiệp (DN).
Trên bước đường trở thành một quốc gia với nền kinh tế mở và phát triển nhanh chóng, cơ quan hải quan đã tập trung vào việc phát triển hệ thống hải quan thông minh để tăng cường quản lý, kiểm soát và an ninh lưu thông hàng hóa.
Với sự kết hợp giữa công nghệ tiên tiến và nỗ lực cải thiện quy trình hải quan, hải quan thông minh Việt Nam đang góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) hải quan
Tổng cục Hải quan đang phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn thành hải quan số, phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành hải quan thông minh. Những nỗ lực để tiến tới một nền hải quan thông minh sẽ mang lại nhiều lợi ích, thuận lợi cho DN, cho nền kinh tế đất nước.
Các quy trình hải quan đã được cải cách để đẩy nhanh tiến độ thông quan và giảm bớt thời gian và chi phí cho DN. Cụ thể, các phương thức quản lý thủ công truyền thống đã được cơ quan hải quan chuyển đổi một cách toàn diện, sang hình thức sử dụng hệ thống thủ tục hải quan điện tử.
Tháng 8 vừa qua, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định số 2108/QĐ-TCHQ về Kế hoạch hành động nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp DVCTT năm 2023, thúc đẩy quá trình CĐS của ngành Hải quan.
Theo đó, Tổng cục Hải quan sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp DVCTT của ngành Hải quan trên cả 2 phương diện, vừa tăng tỷ lệ cung cấp DVCTT vừa tăng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến thực tế phát sinh.
Hải quan sẽ tiếp tục rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu, loại bỏ các quy định không cần thiết, không còn phù hợp, đảm bảo đến năm 2025, cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Kế hoạch cũng đặt ra yêu cầu 100% thủ tục hành chính (TTHC) đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức DVCTT toàn trình; 100% DVCTT mức toàn trình đủ điều kiện kết nối được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử Bộ Tài chính; 100% DVCTT mức toàn trình đủ điều kiện kết nối, liên quan tới nhiều người dân, DN được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia;
Tối thiểu 80% hồ sơ TTHC được xử lý hoàn toàn trực tuyến; Các hệ thống thông tin của ngành Hải quan có liên quan đến người dân, DN đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; Thông tin của người dân, DN được số hóa và lưu trữ tại các CSDL quốc gia không phải cung cấp lại.
Áp dụng công nghệ thông tin, cơ quan hải quan đã triển khai hệ thống khai báo hàng hóa điện tử (VNACCS/VCIS) và hệ thống thông tin liên lạc điện tử giữa các cơ quan chức năng. Hệ thống VNACCS/VCIS là Hệ thống thông quan tự động và cơ chế một cửa quốc gia gồm 02 hệ thống nhỏ: Hệ thống thông quan tự động (gọi tắt là Hệ thống VNACCS); và hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin nghiệp vụ (gọi tắt là Hệ thống VCIS).
Với hệ thống này, cơ quan hải quan đã thực hiện khai báo thông tin trước đối với hàng hóa; khai báo về dữ liệu thông tin để phục vụ thông quan hoàn toàn trên tờ khai điện tử.
Ngoài ra, cơ chế một cửa quốc gia và kết nối cơ chế một cửa ASEAN được thực hiện. DN có thể thanh toán tất cả các khoản phí và lệ phí, thuế trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan thông qua hình thức điện tử. Những nỗ lực này đã giúp tối ưu hóa quy trình hải quan, giảm thiểu thủ tục giấy tờ và tăng cường sự minh bạch và hiệu quả trong quản lý hàng hóa.
Hội nghị và triển lãm công nghệ năm 2023: Ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới ngành hải quan
Hợp tác quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Việt Nam phát triển hệ thống hải quan thông minh. Vì vậy, cơ quan hải quan đã nỗ lực tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hải quan thông minh.
Qua việc tham gia các tổ chức và Hiệp định thương mại quốc tế, cơ quan hải quan đã chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi từ các quốc gia khác về quản lý hải quan thông minh cũng như phối hợp với các cơ quan chức năng của các nước khác để đối phó với tội phạm buôn lậu và làm việc chung trong việc cải thiện quy trình hải quan.
Ngày 10 - 12/10 tới, Hội nghị và Triển lãm công nghệ năm 2023 với chủ đề “Đón đầu kỷ nguyên số: Ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới và nuôi dưỡng thế hệ hải quan kế cận chuyên nghiệp” sẽ diễn ra tại Hà Nội. Đây là Hội nghị quốc tế thường niên lớn nhất của Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO).
Hội nghị sẽ bao gồm các phiên toàn thể và các phiên hội thảo chuyên đề về các chiến lược công nghệ và ứng dụng để giải quyết các thách thức của thương mại toàn cầu, xây dựng hệ thống hải quan có khả năng thích ứng như an ninh mạng, phục hồi sau thảm họa và đảm bảo tính liên tục của hoạt động hải quan trong kỷ nguyên số.
Hội nghị cũng sẽ chia sẻ kinh nghiệm sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), khai thác dữ liệu lớn để nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý rủi ro và tạo thuận lợi thương mại, ứng dụng công nghệ chuỗi khối hỗ trợ hoạt động hải quan, các công nghệ mới trong soi chiếu hàng hóa nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát hải quan…
Sự kiện là dịp để Việt Nam thể hiện quyết tâm CĐS, ứng dụng công nghệ hiện đại hướng tới chính phủ điện tử, chính phủ số. Với vai trò là thành viên tích cực tại tổ chức đa phương, việc Hải quan Việt Nam đăng cai tổ chức sự kiện sẽ khẳng định sự tiên phong và trách nhiệm của Hải quan Việt Nam trong khuôn khổ WCO.
Thông qua các gian triển lãm và các phiên thảo luận, trao đổi kinh nghiệm tại Hội nghị, đại biểu tham dự Hội nghị sẽ có cơ hội tìm hiểu, tiếp cận, cập nhật xu hướng phát triển trong lĩnh vực công nghệ, các giải pháp quản lý hải quan hỗ trợ bởi công nghệ một cách sinh động và trực tiếp.
Hội nghị sẽ hỗ trợ, tạo thuận lợi cho cơ quan Hải quan trong việc tìm kiếm các giải pháp ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, góp phần nâng cao năng lực và hiện đại hóa cơ quan hải quan./.