Các truyện ngắn của Trần Anh Tuấn mang nặng dấu ấn của thể ký sự - người thật việc thật, phần hư cấu có chăng chỉ là điểm xuyết, thoảng qua. Khi đọc truyện "Ký ức Vị Xuyên - Hà Giang’’, tôi bị ám ảnh bởi sự chịu đựng hy sinh gian khổ của bộ đội ta để bám trụ, giữ vững từng tấc đất của Tổ quốc trước cuộc chiến không cân sức.
Những thanh niên trẻ vừa rời ghế nhà trường với biết bao mộng mơ phía trước, sau vài tháng khoác áo lính, họ đã có mặt ở Vị Xuyên và rồi nhiều người trong số đó hy sinh hoặc mất đi một phần thân thể. Hang Dơi và các đồi đá vôi ở Hà Giang đã phải chịu hàng triệu quả pháo, cối cày xới, được cánh lính trẻ đặt tên là Lò vôi thế kỷ.
Nếu ai đã đến viếng nghĩa trang Vị Xuyên, nơi yên nghỉ của hàng vạn liệt sĩ thì mới cảm nhận được sự khốc liệt của cuộc chiến và sự chịu đựng gian khổ, hy sinh của bộ đội ta mà Trần Anh Tuấn đã khắc họa trong "Ký ức Vị Xuyên – Hà Giang’’.
Tình yêu đôi lứa trong bối cảnh chiến tranh ở truyện ngắn "Đi tìm nhau" thật là đẹp. Thư, cô thôn nữ xung phong đi dân công hỏa tuyến chỉ vì muốn được gặp người yêu đang cầm súng ở chiến trường. Thư thật hồn nhiên và ngây thơ khi nghĩ rằng, cứ vào chiến trường thì thế nào cũng sẽ gặp được người yêu.
Hay "Đêm chia muỗi" kể về một anh lính đi nhỡ đường, vào xin nghỉ nhờ qua đêm trong một nhà dân xóm vắng, oái oăm thay, chủ nhà là một cô gái sống một mình và cái cách mà họ xử sự cũng thật bình dị và cảm động.
Truyện "hạnh phúc muộn mằn" kể về mối tình của Sướng và Lụa. Anh là sĩ quan quân quản ở thành phố mới giải phóng, đóng quân trong một gia đình có cô con gái đang tuổi xuân thì. Tình yêu giữa họ nảy nở nhưng kỷ luật sắt của quân đội vào thời điểm đó không cho phép họ đính hôn. Thế rồi, sau nhiều năm tìm kiếm, họ đã đoàn tụ được với nhau khi tóc đã sang màu muối tiêu. Đứa con trai, kết quả của mối tình "vụng trộm" đã là một chàng trai tuấn tú. Truyện khơi gợi cho người đọc những tình cảm đẹp về lòng dũng cảm, sự thủy chung son sắt trong tình yêu đôi lứa.
Nhìn chung, các truyện viết về chiến tranh và người lính của Trần Anh Tuấn khá sống động với lối viết mộc mạc, không đao to búa lớn. Các truyện viết về cuộc sống ở hậu phương và tình yêu đôi lứa cũng thấm đẫm tình người. Anh là người đi nhiều, từng trải và có vốn sống phong phú nên một số nhân vật trong các truyện ngắn có "hình bóng" của tác giả.
Trong tập truyện, tôi cũng nhặt ra được dăm hạt sạn, tỷ như: "...từng đoàn xe Zin – 157 kéo những cỗ pháo 57 mm nặng hàng trăm tấn..." Thực ra, pháo cao xạ 37, 57 li của ta dùng trong chiến tranh chống Mỹ có xuất xứ từ Liên Xô, mỗi khẩu nặng không quá 4 tấn, có thể tháo rời và xếp gọn lên xe tải. Lính cao xạ (và các cựu chiến binh nữa) mà nghe nói những cỗ pháo 57 mm nặng hàng trăm tấn chắc chưa đúng với hiện thực.
Mong rằng tác giả Trần Anh Tuấn sẽ thực hiện được những đam mê của mình trên cánh đồng chữ nghĩa.../.