Nông nghiệp Thủ đô bắt nhịp chuyển đổi số

Thành Nam| 16/01/2022 20:37
Theo dõi ICTVietnam trên

Cùng với xu thế chuyển đổi số, hướng tới thành phố thông minh đang diễn ra mạnh mẽ tại Hà Nội, ngành nông nghiệp Thủ đô hiện đang xây dựng kế hoạch chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử.

HTX Rau quả sạch Chúc Sơn (Hà Nội) là một trong những mô hình tiêu biểu thực hiện sản xuất nông nghiệp thông minh và chuyển đổi số trong nông nghiệp bằng các giải pháp đồng bộ như: Nhật ký điện tử, hệ thống quản lý sản xuất bằng điện thoại thông minh, hệ thống camera giám sát đồng ruộng, tem truy xuất nguồn gốc QR code gắn với bộ nhận diện nhãn hiệu.

HTX còn đẩy mạnh bán hàng qua các trang mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử nên dù dịch COVID-19 tác động, chuỗi sản xuất - tiêu thụ của HTX Rau quả sạch Chúc Sơn vẫn duy trì, phát triển ổn định, doanh thu năm 2021 ước đạt 14 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2020.

Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất đang được nông dân sử dụng để giải bài toán năng suất, chất lượng và giá trị. Theo Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp là yếu tố then chốt giúp nông dân, trang trại, HTX, doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tối ưu hóa hoạt động sản xuất, giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận; khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và hình thành chuỗi giá trị, liên kết sản xuất hiệu quả trong nông nghiệp…

“Tính đến tháng 11/2021, có hơn 2 triệu hộ sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh, thành phố được đào tạo kỹ năng số, gần 50.000 sản phẩm nông nghiệp được đưa vào các sàn thương mại điện tử…”, ông Lương Quốc Đoàn cho biết thêm.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP. Hà Nội Dương Thị Hằng cho biết đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, hằng năm, Hội Nông dân Thành phố đều tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao công nghệ, trong đó có công nghệ số. Giai đoạn 2015-2020, đã có 3.200 hộ nông dân tại Hà Nội đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi nhờ ứng dụng khoa học và công nghệ.

Chuyện nông dân tiếp cận công nghệ số không mới, số lượng nông dân đã và đang ứng dụng công nghệ số trong sản xuất ngày một tăng, tuy nhiên số đó vẫn còn rất nhỏ so với 9,1 triệu nông dân cả nước. Hạn chế này do nhiều nguyên nhân: Trình độ công nghệ chung thấp; số doanh nghiệp tiếp cận công nghệ số chưa nhiều, chưa mang tính phổ biến; đầu tư cho nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ chưa hiệu quả; đào tạo nguồn nhân lực cũng đang là vấn đề…

Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trong nông nghiệp

Để thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp, TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) đề xuất Nhà nước cần xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về nông nghiệp; xác định các công nghệ số ưu tiên và các lĩnh vực ưu tiên phát triển trong ngắn hạn, trung hạn, dài hạn.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Dương Thị Hằng cho biết, Hội Nông dân Thành phố sẽ tiếp tục đóng vai trò cầu nối để người sản xuất nông nghiệp tiếp cận với công nghệ hiện đại.

Từ thực tế sản xuất, ông Phạm Văn Hoạch, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ứng Hòa mong muốn Nhà nước cần có chính sách đào tạo nông dân tiếp cận công nghệ số, xây dựng chương trình và mục tiêu để các địa phương phấn đấu thực hiện.

Nhiều chuyên gia nông nghiệp cũng cho rằng nông nghiệp không thể đứng “một mình” trong tiến trình chuyển đổi số. Muốn thành công, tất cả phải cùng làm và chuyển đổi số trong nông nghiệp phải bắt đầu từ người nông dân.

Do vậy, các cơ quan chức năng cần cung cấp thông tin, trang bị cho người nông dân kiến thức cần thiết về chuyển đổi số để họ tự thay đổi nhận thức, đổi mới tư duy, qua đó tự nguyện tham gia tiến trình chuyển đổi số với phương thức phù hợp, mang lại hiệu quả cao nhất. Nói cách khác, nông dân số là yếu tố cốt lõi của chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.

Cùng với đó là các chính sách, cơ chế khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã tích cực nhập cuộc trong chuyển đổi số. Các chủ thể này cần khẳng định vai trò tiên phong và là đầu tàu, chủ động trong việc thiết lập các ứng dụng số cho chuỗi liên kết, hợp tác; tạo lập các hợp đồng kinh tế thông minh, bền vững với người nông dân; dẫn dắt người nông dân tham gia tiến trình chuyển đổi số…

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nông nghiệp Thủ đô bắt nhịp chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO