Nữ bưu tá tận tụy của huyện đảo Lý Sơn

Hương Nhung| 10/09/2019 15:09
Theo dõi ICTVietnam trên

Mỗi ngày 2 lần, chị Phạm Thị Vân, nhân viên bưu tá của Bưu điện huyện Lý Sơn lại ngóng đợi chuyến hàng từ cảng Sa Kỳ ra đảo để lên đường đi phát, bởi hơn ai hết, chị hiểu người dân nơi đây mong chờ những món đồ được gửi ra từ đất liền như thế nào.

10 năm qua tận tụy với nghề, nữ bưu tá Phạm Thị Vân thông thuộc từng con ngõ nhỏ trên huyện đảo Lý Sơn

Những đợt mưa bão, biển động, tàu biển không ra đảo được, hàng hóa, bưu phẩm ùn ứ nhiều ngày liền, những ngày sau đó khi tuyến vận tải hoạt động lại, chị Vân phải ngày đêm đi phát mới kịp chuyển công văn, giấy tờ, thư báo, bưu phẩm đến các cơ quan ở huyện và người dân trên đảo.

4 giờ chiều một ngày nắng liên lạc với chị, giọng chị hồ hởi, rành rọt trong điện thoại: “Chị đang trên đường đi phát em ạ. Hôm nay nhiều bưu phẩm, hàng hóa quá. Chắc tối muộn chị mới nói chuyện với em được”.

Gọi điện lại cho chị vào lúc tối muộn, nghe chị Vân trải lòng về công việc và cuộc sống của mình trên huyện đảo có vai trò là một trong những địa bàn quan trọng về mặt quốc phòng, chốt tiền tiêu thuộc vành đai bảo vệ phía Đông của tổ quốc.

Chừng 10 năm trước, được tin Bưu điện huyện tuyển nhân viên bưu tá tại Lý Sơn, chị Vân mạnh dạn ứng tuyển bởi trước đó vốn thường xuyên làm công việc buôn bán lặt vặt trên đảo nên chị thông thạo đường sá đi lại ở đây. Mỗi ngày, chị phụ trách việc đi phát công văn, giấy tờ, thư báo, bưu phẩm cho khoảng 15 cơ quan trên địa bàn huyện đảo và giao hàng thu tiền (CoD) cho khách.

Những ngày đầu chưa biết hết các cơ quan, đơn vị ở đây, chú Thơ làm bên bộ phận khai thác đã nhiệt tình dẫn tôi đi từng địa chỉ để làm quen. Nhờ vậy mà sau đó tôi đã nhanh chóng bắt kịp với công việc”, chị Vân chia sẻ.

Nhiều năm trước, giao thông ở Lý Sơn còn chưa thuận lợi bởi đặc thù ở đây có rất nhiều con hẻm dẫn đến nhà dân nhưng vào thời điểm đó phần lớn chưa được bê tông hóa. Các con hẻm có chiều ngang nhỏ hẹp, lại là đường đất nhiều ổ gà, hầm hố thách thức tay lái của chị Vân.

Có những hôm vận chuyển những hàng cồng kềnh đến cho khách như đệm, xe đạp… khó đi vào ngõ hẹp, tôi phải gọi chủ nhà ra để hỗ trợ cùng đưa hàng vàoChưa kể những ngày mưa bão, việc vận chuyển lại khó khăn gấp bội”, chị Vân chia sẻ.

Một trong trong những tiêu chí mà Lý Sơn gặp khó khi xây dựng nông thôn mới đó là đường giao thông. Bởi theo quy định về tiêu chí giao thông, đường phải đủ tiêu chuẩn từ 3 - 3,5m, nhưng do mật độ dân số đông, nhà cửa san sát, nhiều nhà nằm sát đường. Nếu muốn mở rộng đường thì phải giải phóng mặt bằng, di rời dân, tuy nhiên, điều này rất khó vì nhà cửa xây dựng kiên cố, trong khi địa phương không còn quỹ đất để tái định cư.

Chuyển phát giấy tờ, bưu gửi kịp thời đến tận tay khách hàng là niềm hạnh phúc của chị

Hiện nay, người dân tích cực chung tay cùng nhà nước hưởng ứng xây dựng hệ thống giao thông nông thôn để góp phần thuận tiện cho việc đi lại nên phần lớn các con hẻm ở Lý Sơn đã được bê tông hóa, giúp cho những bưu tá như chị Vân đi lại đỡ vất vả.

Ở Lý Sơn, mỗi ngày có 2 chuyến tàu vận chuyển hàng ra đảo, buổi sáng trong khoảng 10 - 12 giờ còn buổi chiều từ 3 - 5 giờ. Từ chiều hôm trước, khi tàu thủy cập bến và hàng được chuyển về Bưu điện huyện, sau khi khai thác xong ngay lập tức chị Vân lên đường đi phát. Hôm sau, từ 7 giờ sáng, chị đi phát các bưu phẩm còn lại của chuyến chiều hôm trước rồi nhận hàng hóa, bưu phẩm từ chuyến tàu biển buổi sáng để đi tiếp. Những hôm hàng nhiều, chị phải đi phát xuyên trưa thì mới kịp hoàn thành trong ngày. Thường đến 7 giờ tối chị Vân mới phát xong, có những hôm 9 giờ tối chị mới về đến nhà do hôm đó tàu biển ra đảo muộn.

Gắn bó với công việc này đã hơn 10 năm nên như những người khác, chị Vân cũng có những buồn vui trong nghề. Có những lúc phải đi cả một quãng đường dài để phát hàng cho khách nhưng đến nơi khách từ chối nhận và nói là mình không đặt món hàng đó, chị Vân lại lặng lẽ quay trở về.

Dần dần chị quen với những trường hợp đó và không còn cảm thấy chạnh lòng nữa bởi luôn xác định mình làm nghề phục vụ, dù khách hàng có thế nào thì trước tiên phải luôn nhẫn nại. Làm bạn với chiếc xe máy mỗi ngày nên hễ hôm nào có việc riêng phải nghỉ, chị Vân lại cảm thấy thiếu vắng bởi với nữ bưu tá tận tụy này, được lên đường mỗi ngày phục vụ cộng đồng chính là niềm hạnh phúc.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Nữ bưu tá tận tụy của huyện đảo Lý Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO