Khoảng 3 tháng nay, trên facebook cá nhân của chị Thảo thường xuyên có topic rao bán rau sắn muối chua – một đặc sản Phú Thọ quê chị.
Dân công sở kiếm tiền từ nghề tay trái trong "cơn bão" Covid-19: Bán hàng online thế nào để "vượt bão" thành công!Đọc ngay
Vì loại rau này rất lạ miệng, lại có thể nấu canh cá, canh xương, kho thịt, kho cá, xào với lạc, xào lòng… đều rất ngon nên được rất nhiều bà nội trợ Hà Nội đặt hàng.
Chị Thảo cho biết, quê Phú Thọ nhà chị hầu như nhà ai cũng có món rau sắn muối chua trong bữa ăn hàng ngày.
Món ăn được lấy từ ngọn rau sắn (khoai mì) để chế biến thành các món ăn lạ miệng và rất đưa cơm. Bản thân chị cũng rất thích ăn. Bởi thế, dù ở dưới Hà Nội, chị Thảo vẫn bảo người nhà thỉnh thoảng gửi rau sắn cho.
"Mình nấu nhiều món ăn từ rau sắn rồi up lên facebook khoe món ăn lạ miệng. Nào ngờ, những món ăn từ rau sắn được rất nhiều bạn bè và hàng xóm mình thích. Họ nhờ mình đặt hộ rau sắn từ Phú Thọ về ăn. Do thấy nhu cầu ăn món dân dã lạ miệng này nhiều nên mình bán rau sắn của nhà và thu mua rau sắn của các hộ gần nhà mình để muối chua và bán cho khách sỉ, lẻ", chị Thảo cho biết.
Cũng theo bà mẹ bỉm sữa 35 tuổi này, rau sắn nhà chị bao non và chua ngon. Giá rau sắn chỉ 45 ngàn đồng/kg.
Nếu mua 3kg trở lên thì có giá 130 ngàn đồng/3kg. Khách mua về chỉ việc chế biến nấu hay xào luôn cùng các thực phẩm khác mà không phải nhặt bỏ đi chút nào:
"Mình đóng túi một cân một túi và chỉ đóng nguyên rau sắn chứ chưa tính nước. Vì thế 1kg rau sắn được khá nhiều. Thông thường khách phải nấu 2 bữa mới hết. Nếu nấu không hết thì khách hàng có thể tiếp tục bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh thoải mái và được cả tháng".
Hàng ngày, dù bận con nhỏ, chị Thảo cũng cố gắng đăng bài bán hàng. Có ngày chị bán được 30kg rau sắn. Có ngày thì chị chỉ bán được gần chục kg tùy theo nhu cầu của khách order nhiều hay ít: "Bán hàng cũng tùy hôm. Có hôm bận con nhỏ mình cũng không đăng được bài để rao bán. Có hôm thì bán được 30 kg. Còn có ngày ít nhất cũng được gần chục kg".
Theo chị Thảo cho biết, khách mua rau sắn cũng khá đa dạng. Ngoài phần lớn là các chị em công sở, còn có các mẹ bỉm sữa và các bác lớn tuổi… Đây là những đối tượng thích ăn các món ăn dân dã vì lạ miệng và đưa cơm.
Cũng theo mẹ bỉm sữa bán rau sắn tự muối này, muốn rau sắn muối chua ngon, thì phải chuẩn là rau sắn Phú Thọ mới thực sự ngon: "Cá nhân mình đã ăn thử rau sắn ở nhiều nơi khác rồi nhưng không hiểu sao mình thấy rau sắn và cả độ chua của chúng không ngon và có mùi thơm như rau sắn Phú Thọ quê mình. Ngoài ra phải chọn hái những ngọn rau sắn nếp (hay còn gọi là sắn ta) có lá màu xanh, củ dùng để luộc ăn".
Ngoài ra, muốn rau sắn muối dưa chua thơm ngon, ngoài nhặt rau xong, phải vò rau thật kỹ cho ra hết nhựa cho tới khi nào nước không còn đục mới để rau ráo nước tự nhiên rồi cho vào chum, vại muối với nước đun sôi để nguội: "Khi muối, cho bao nhiêu muối vào nước, độ mặn của nước thế nào cũng là một kinh nghiệm phải muối nhiều mẻ mới đúc rút được. Bởi thực tế nếu ít muối thì rau sẽ bị hỏng, nhiều muối thì rau mặn, chế biến không ngon. Đặc biệt, khi chế biến, muốn canh rau sắn ngon cần đun nhỏ lửa để hầm càng nhừ càng tốt".