Triển lãm Motor Quốc tế Geneva diễn ra vào tháng 3 năm ngoái là một trong những sự kiện hoành tráng và xa xỉ bậc nhất của giới yêu xe trên thế giới. Chỉ những vị khách may mắn có giấy mời mới được xuất hiện trong buổi họp báo. Tại đây, họ có cơ hội nhìn tận mắt siêu xe La Voiture Noir của Bugatti - chiếc xe đắt nhất từng được sản xuất trị giá 15 triệu USD - từ khoảng cách 0,5m.
Khách mời còn được trải nghiệm Rolls-Royce Cullinan hay Portofino của Ferrari, thậm chí còn được chiêm ngưỡng chiếc xe mui trần 911 mới toanh của Porsche.
Trong nhiều thập kỷ qua, show diễn này đã là một trải nghiệm được mong chờ bậc nhất thế giới, với sự hiện diện của nhiều siêu xe cùng những cơ hội kết nối hiếm có. Vào buổi tối, khách mời được tham dự lễ ra mắt siêu xe Pininfarina Battista chạy hoàn toàn bằng điện trị giá 2 triệu USD trong khách sạn cao cấp President Wilson.
Siêu xe La Voiture Noire của Bugatti được ra mắt trong Triển lãm Motor Quốc tế Geneva lần thứ 89 vào năm 2019. (Ảnh: Reuters)
Công nghệ số đưa trải nghiệm xa xỉ đến gần hơn với công chúng phổ thông
Tuy nhiên đến năm 2020, mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn: Sự bùng phát của dịch Covid-19 đã buộc các nhà tổ chức phải hủy hàng loạt show vào phút chót. Các nhà sản xuất xe hơi như Koenigsegg, Bentley và McLaren ngay lập tức đã có ý tưởng táo bạo: tổ chức sự kiện ra mắt qua livestream. Giờ đây, thay vì là một trải nghiệm chỉ giới thượng lưu mới tham gia, nền tảng livestream đã giúp cho hàng triệu người trên thế giới có cơ hội được tiếp cận trải nghiệm đẳng cấp này.
Đối với nhiều thương hiệu, hình thức này không chỉ là cơ hội cho khán giả chứng kiến khoảnh khắc siêu xe lần đầu xuất hiện. Thay vào đó, họ còn giới thiệu được cách chiếc xe vận hành trong thực tế, sử dụng công nghệ để cung cấp một cái nhìn trực quan và kết nối chặt chẽ hơn với khán giả đang ngồi trước màn hình. Họ đã biến thách thức thành lợi thế.
Thông qua hình thức kỹ thuật số, show diễn đã nâng tầm trải nghiệm xa xỉ. Thay vì chỉ tiếp cận một nhóm khách hàng thuộc phân khúc cao cấp, các trải nghiệm xa xỉ giờ đã được mở rộng cho cả đối tượng bình thường. Nó tạo ra giá trị cho hàng triệu người đang thưởng thức show diễn ngay trong chính phòng khách nhà mình, như thể họ đang ngồi ở hàng ghế đầu danh giá.
Siêu xe Rolls-Royce Cullinan (Ảnh: Bloomberg)
Cuộc cách mạng trong giới xa xỉ: Thật xa mà cũng thật gần
Tương tự, ngành thời trang cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Hàng loạt show diễn phải hủy bỏ hoặc lùi lịch, chẳng hạn như Tuần lễ Thời trang Nam tại Paris (Pháp), London (Anh) và Milan (Ý).
Thế nhưng tại Thượng Hải (Trung Quốc), một phương án khác đã được ra. Thay vì hủy hoàn toàn show diễn, họ lại tổ chức dưới dạng kỹ thuật số, tận dụng xu hướng mua sắm xã hội tại đất nước tỷ dân này.
Toàn bộ show diễn thời trang được livestream qua nền tảng T-Mall và được quảng bá bởi các influencer trên mạng. Đây là một trải nghiệm hết sức gần gũi và trực tiếp. Giống như tại livestream của Triển lãm Xe hơi Geneva, những người chưa từng đặt chân đến show diễn giờ có thể ngồi chính giữa màn hình và theo dõi trực tiếp bộ sưu tập từ các nhà thiết kế yêu thích.
Tuần lễ Thời trang Thượng Hải trên T-Mall
Việc Tuần lễ Thời Trang Thượng Hải được livestream đã tạo nên một cuộc cách mạng về mua sắm xã hội. Nó mang xu hướng vốn đang rất nổi tại Trung Quốc này lên một tầm cao mới, bằng cách cho phép khách hàng mua sắm trực tiếp. Đây là tuần lễ thời trang đầu tiên mà người tiêu dùng có thể mua các thiết kế trong bộ sưu tập theo thời gian thực ngay khi chúng được trình diễn, dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các bình luận viên yêu thích.
Tất nhiên, những show diễn được tổ chức theo kiểu truyền thống sẽ không biến mất. Bởi lẽ, việc trở thành số ít người được chọn lựa để sánh vai bên cạnh ngôi sao thế giới trên hàng ghế đầu của các show thời trang, show giới thiệu xe, buổi bán đấu giá, show thưởng thức nghệ thuật… là một trải nghiệm thần kỳ không thể sánh nổi.
Dù vậy, Tuần lễ Thời trang Thượng Hải đã mở ra một kỷ nguyên mới - nơi đám đông hòa lẫn với số ít, nơi khách hàng mua các thiết kế theo thời gian thực, nơi bất cứ ai trên thế giới cũng có thể tiếp cận trải nghiệm cao cấp. Các show diễn khác cũng sẽ chạy theo trào lưu này, chẳng hạn như các buổi giới thiệu siêu xe, các buổi triển lãm nghệ thuật và nhiều sự kiện xa xỉ khác. Điều quan trọng là các nhãn hàng phải đổi mới không ngừng thay vì chỉ học hỏi cách làm này. Bởi lẽ, những người tiêu dùng trẻ tuổi luôn mong chờ sáng tạo và cải tiến bất ngờ đến từ các thương hiệu và sự kiện cao cấp.
Trong khi nhiều nhà quản lý coi đại dịch Covid-19 là một mối nguy hiểm và chọn cách tạm dừng hoạt động, những người khác đã quyết định thay đổi để tồn tại. Trong khủng hoảng luôn tồn tại cơ hội cho những người biết hành động. Nó tạo cảm hứng cho sự đổi mới bằng cách buộc con người phải nhìn nhận lại thế giới đã biết và tạo ra những thực tại mới. Công nghệ kỹ thuật số đã làm gián đoạn các ngành hàng xa xỉ trong nhiều năm, và giờ đây, nó lại phá vỡ mọi chuẩn mực thông thường trong cách khách hàng tiếp cận, trải nghiệm và mua sắm sản phẩm từ các thương hiệu yêu thích tại các sự kiện yêu thích. Dịch bệnh lần này chính là cách cửa để con người hướng tới sự đổi mới trong tương lai.
(Theo SCMP)