Phát triển các thành phố bền vững trong một xã hội kết nối (phần 1)

03/11/2015 21:39
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo Báo cáo mới nhất của Liên Hợp Quốc, đến năm 2050, hơn 70% dân số thế giới sẽ sống ở các thành phố lớn và khu vực lân cận. Các thành phố là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội, nhưng cũng chính là nhân tố quyết định ảnh hưởng biến đổi khí hậu và khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

GIỚI THIỆU

 Dự kiến năm 2015 – 2016 sẽ có khoảng 5 tỉ người truy cập băng rộng di động, tức là tăng gấp 5 lần hiện tại. Xa hơn nữa, Ericsson dự báo tới năm 2020 toàn thế giới sẽ có 50 tỉ thiết bị được kết nối qua Internet, tạo nên một “Xã hội kết nối” (Networked Society) thực sự. Cùng với đó là xu hướng di chuyển từ các vùng nông thôn sang các khu vực đô thị. Điều này dẫn đến hai vấn đề chính, tồn tại song song trong xã hội đó là sự tăng trưởng bùng nổ của các thành phố và sự cất cánh nhanh chóng của băng rộng và ICT. Thế giới sẽ phải đối mặt với các thách thức lớn về kinh tế, môi trường và xã hội để đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

 Trong xã hội kết nối, con người, tri thức, thiết bị và thông tin được kết nối với nhau nhằm mang lại sự tiến bộ cho con người và xã hội. Những thiết bị này khi đó sẽ không chỉ bao gồm máy tính hay điện thoại mà còn các phương tiện giao thông, đồ gia dụng, thiết bị doanh nghiệp, máy móc công nghiệp. Do đó, phương pháp tiếp cận mới, toàn diện sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và mang lại một trải nghiệm phong phú hơn. Nói cách khác biến đổi này sẽ diễn ra liên tục, được hỗ trợ bởi sự hợp tác và sáng tạo. Các thành phố đóng vai trò quan trọng trong sự đổi mới và cung cấp các giải pháp giúp cho thế giới phát triển bền vững hơn. Các giải pháp từ chăm sóc sức khỏe từ xa, hội nghị truyền hình đến các ứng dụng di động có thể hỗ trợ công dân lựa chọn một lối sống bền vững. Những cách tiếp cận này góp phần giải quyết các tiêu cực trong xã hội hiện nay như biến đổi khí hậu, sự bất công bằng xã hội... Tuy nhiên, việc triển khai sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, một phần bởi các chính sách hiện có và thói quen sử dụng các mô hình làm việc truyền thống, không bền vững.

 Những vấn đề nêu trên cần được giải quyết một cách hợp lý nhằm xây dựng các thành phố bền vững, tạo nền tảng cho một xã hội kết nối. Bài viết giới thiệu cơ sở và nền tảng hạ tầng trong xã hội kết nối. Đây là chìa khóa để giải quyết các thách thức mà hiện các thành phố trên toàn thế giới đang phải đối mặt, trong đó ICT có một vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển một nền kinh tế có phát xạ carbon thấp.

XÃ HỘI KẾT NỐI – CHÌA KHÓA XÂY DỰNG CÁC THÀNH PHỐ BỀN VỮNG

 Phát triển bền vững được coi là “phát triển đáp ứng các nhu cầu của hiện tại mà không ảnh hưởng tới khả năng của các thế hệ trong tương lai để đáp ứng nhu cầu riêng của họ” [1]. Phát triển bền vững liên quan đến việc theo đuổi đồng thời 3 mục tiêu: phát triển kinh tế thịnh vượng, hiệu năng môi trường và công bằng xã hội. Đây là một quá trình phát triển liên tục mà “đích đến” là một tập các đặc tính của một hệ thống tương lai. Những đặc tính này bao gồm tỷ lệ việc làm, đầu tư kinh doanh, đổi mới, lượng khí thải CO2/người, khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế và giáo dục, nước sạch và không khí, tiếp cận thực phẩm an toàn, sử dụng nguyên liệu, tái chế chất thải, công bằng xã hội, mức độ tội phạm...

 Thành phố bền vững, hay thành phố sinh thái là thành phố được thiết kế và xây dựng với sự cân nhắc đến tác động môi trường và chất lượng sống của người dân nhằm giảm thiểu lượng năng lượng, nước và thực phẩm cần thiết cũng như lượng phát thải khí đốt, ô nhiễm không khí và ô nhiễm nước. Sự bền vững được hình thành dựa trên các yếu tố chính là tính cạnh tranh, môi trường, trình độ quản lý và chất lượng cuộc sống.

 Sự tăng trưởng nhanh chóng của các thành phố khiến các khu vực đô thị hiện đang phải đối mặt với một loạt các vấn đề về môi trường, từ ô nhiễm không khí đến quản lý nước thải và sự suy thoái không gian xanh. Phát triển đô thị bền vững thúc đẩy việc sử dụng nhiều hơn các nguồn năng lượng thay thế cùng các công nghệ tòa nhà và phương tiện giao thông vận tải tiết kiệm năng luợng. Đồng thời nó áp dụng các biện pháp giao thông thông minh để giảm ùn tắc, sử dụng công nghệ tái chế chất thải thông minh.

 Trong xã hội kết nối, phần lớn dân số sẽ sống trong một môi trường mở, minh bạch, chia sẻ, cộng tác ngang hàng và tự tổ chức toàn cầu. Điều này về cơ bản sẽ thay đổi cách sắp xếp và bố trí các nguồn lực trong xã hội nhằm thúc đẩy sự đổi mới và cộng tác, để tạo ra hàng hóa và dịch vụ cần thiết cho xã hội. ICT có tiềm năng hội tụ thành một “mạng các sáng tạo” đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển bền vững của thành phố trong một xã hội kết nối.

THÀNH PHỐ - TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN CÁC GIẢI PHÁP BỀN VỮNG

 Các thành phố đã được coi là động cơ thúc đẩy sự phát triển trong tất cả các ngành công nghiệp. Theo thống kê hiện nay, mỗi ngày trên toàn thế giới có khoảng 50.000 người dân di chuyển từ các vùng nông thôn ra các khu vực đô thị [2]. Xu hướng đô thị hóa toàn cầu làm cho các thành phố trở thành tâm điểm cho các khoản đầu tư tương lai. Theo dự báo có hơn 350 nghìn tỷ USD sẽ được đầu tư để xây dựng hạ tầng cơ bản trong 30 năm tiếp theo [3]. Do đó các thành phố có nhiều cơ hội tăng tốc độ đầu tư vào các dự án trọng điểm để khai thác tiềm năng chuyển đổi của ICT trong việc xây dựng các thành phố kinh tế hơn, thân thiện với môi trường và có tính xã hội cao hơn [4]. Điều này yêu cầu một chiến lược và tầm nhìn táo bạo, đây cũng là sự khác biệt chính giữa một bước tiến nhảy vọt và một bước tiến nhỏ về phía trước.

 Cho đến nay hầu hết các thành phố trên thế giới đã thực hiện theo chiến lược bước tiến nhỏ. Thông thường, khi nhu cầu kết nối gia tăng sẽ đẩy nhanh các xu hướng không bền vững và chỉ cải thiện không đáng kể các hệ thống hiện có, mà không làm thay đổi hoàn toàn phương thức vận hành và cuộc sống của một thành phố.

PHÁT TRIỂN GIẢI PHÁP CARBON THẤP TẠI CÁC THÀNH PHỐ

 Hiện nay, vấn đề biến đổi khí hậu đang thu hút sự quan tâm của thế giới cùng với mục tiêu tới năm 2050 giảm 50% - 80% lượng khí thải CO2. Trong nhiều năm qua, các chuyên gia trong các doanh nghiệp, cơ quan và các tổ chức phi chính phủ đã thực hiện nhiều nghiên cứu, và kết quả đã chứng minh tiềm năng to lớn của các giải pháp ICT trong việc giảm phát xạ CO2. Theo nghiên cứu của SMART2020, có thể giảm 15% tổng lượng khí thải do các ngành công nghiệp khác tạo ra bằng các giải pháp ICT carbon thấp. Và thậm chí mức cắt giảm còn có thể lớn hơn rất nhiều nếu triển khai các chương trình cải tiến, tập trung vào các giải pháp mang tính biến đổi [4].

 Do đó, một trong những thách thức lớn để phát triển các thành phố bền vững là cắt giảm carbon, việc triển khai thực tế dựa trên công nghệ ICT tập trung vào hai vấn đề chính:

- Sử dụng các giải pháp ICT để cắt giảm lượng CO2

- Xây dựng hạ tầng thế kỷ 21 để phân phối nhiều giải pháp carbon thấp

 Nhiều giải pháp ICT không chỉ giúp thay thế phương thức cung cấp dịch vụ cũ mà còn giúp tạo ra và là một phần quan trọng của một cơ sở hạ tầng carbon thấp thế kỷ 21. Hiện nay, các mạng băng rộng đang được triển khai rộng khắp trên thế giới. Tuy nhiên, những tác động và tiềm năng mà nó mang lại cho xã hội vẫn chưa được nhận biết đầy đủ. Các mạng này không chỉ thúc đẩy sự cải tiến và đổi mới trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội mà còn có thể dẫn triển khai các giải pháp cung cấp dịch vụ hoàn toàn mới. Đối với các thị trường mới nổi, vấn đề này cần được đặc biệt quan tâm do tiềm năng mang lại nhiều cơ hội, giúp đi tắt đón đầu và tiến tới một nền kinh tế carbon thấp nhanh hơn.

(còn nữa)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phát triển các thành phố bền vững trong một xã hội kết nối (phần 1)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO