Theo Mendix, một công ty con của Siemens và là công ty toàn cầu về phát triển ứng dụng doanh nghiệp (DN) hiện đại, các xu hướng hậu đại dịch và những tiến bộ trong công nghệ đang định hình lại cơ bản việc phân phối, cung cấp và tiếp cận các dịch vụ CPĐT và các dịch vụ kỹ thuật số ưu tiên cho khu vực công. Mặc dù khái niệm về công nghệ "thành phố thông minh" dựa trên dữ liệu đã có từ lâu, song các chính sách liên quan đến đại dịch đòi hỏi khu vực công phải phát minh lại các kênh phân phối số, sao cho thật sự an toàn và cho phép các công dân có thể truy cập dễ dàng.
Những phát hiện gần đây của Hiệp hội các Giám đốc thông tin quốc gia (National Association of State CIOs) có trụ sở tại Mỹ, đã mô tả những thay đổi mạnh mẽ trong tốc độ số hóa của các cơ quan nhà nước và địa phương, giống như “công trình 10 năm nhưng triển khai trong 8 tháng”. Các dịch vụ CPĐT được triển khai và áp dụng thành công đã khiến công chúng tăng kỳ vọng về những phản ứng nhanh nhạy và kịp thời của các nhà chức trách, nhà hoạch định chính sách và các cơ quan quản lý.
Nghiên cứu cho thấy mức độ triển khai các dịch vụ CPĐT đang tăng nhanh - phần lớn do nhu cầu và tốc độ ứng dụng công nghệ tăng cao đối với điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, IoT (Internet of Things), kết nối 5G - để các cơ quan liên bang, tiểu bang và địa phương số hóa các dịch vụ và quy trình lập kế hoạch của họ. Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng cho rằng các vấn đề nổi cộm trong khu vực công như giám sát, lập ngân sách và mua sắm vẫn là một điểm nghẽn tiềm ẩn cản trở sự chuyển đổi nhanh chóng.
Nền tảng phát triển phần mềm low-code là gì?
Theo Mendix, nền tảng phát triển phần mềm low-code với hệ sinh thái mạnh mẽ là một hệ thống hữu ích giúp tái tạo chính phủ số trong kỷ nguyên mới. Mark Smitham, người đứng đầu khu vực công cộng EMEA tại Mendix cho biết: “Trong thời gian đại dịch xảy ra, các khách hàng của Mendix đã phát triển các giải pháp kỹ thuật số sáng tạo, có khả năng mở rộng được nhiều nhà hoạch định chính sách và cơ quan nhà nước chấp nhận. Các cơ quan công quyền kỳ vọng sẽ có thể ra quyết định nhanh chóng và mang lại giá trị trong thời gian thực. Khu vực công muốn tận dụng công nghệ để hợp tác trên nhiều khu vực pháp lý và tương tác thành công với các thành phần".
Cách tiếp cận theo phương pháp phần mềm low-code giúp người dùng có ít hoặc không có kinh nghiệm viết mã - những người này được gọi là các nhà phát triển công dân - có thể tạo ứng dụng. Điều này làm tăng đáng kể tốc độ xây dựng các ứng dụng và làm cho quy trình trở nên dân chủ hơn. Các nền tảng low-code hoạt động theo một nguyên tắc đơn giản: chúng sử dụng giao diện người dùng đồ họa và cung cấp các thành phần được tạo sẵn với chức năng chung.
Mặc dù bắt buộc phải có các kỹ năng CNTT cơ bản, nhưng các công cụ có tính trực quan cao thể hiện quy trình phát triển sẽ dễ hiểu hơn các đoạn mã và bạn có thể tập trung vào điều quan trọng nhất: chức năng của ứng dụng đang thiết kế. Những nền tảng low-code cơ bản sẽ có các thành phần (component) đã được tạo sẵn giống như là những mảnh ghép lego, người dùng chỉ cần chọn mảnh ghép lego mà mình muốn và dùng tính năng kéo-và-thả (drag-and-drop), sau đó thiết lập lại các thông số và nối các thành phần này lại với nhau để hoàn thành một giải pháp cụ thể.
Phát triển phần mềm low-code có thể mang lại lợi ích cho bất kỳ ngành nào từ dịch vụ tài chính đến bán lẻ đến chăm sóc sức khỏe, và khu vực chính phủ cũng không ngoại lệ. Ngoài việc tăng tốc và dân chủ hóa quá trình phát triển, các nền tảng low-code cung cấp rất nhiều lợi ích khác.
Giả sử một phòng ban có thể xây dựng một số ứng dụng sau khi mua một nền tảng low-code, họ sẽ không cần phải thực hiện nhiều quy trình mua sắm lớn và tốn kém. Số lượng nhân sự cần thiết cho việc phát triển và quản lý ứng dụng cũng có thể được giảm bớt. Điều này đặc biệt hữu ích khi các cơ quan chính phủ thiếu nhân lực CNTT. Bởi vì, thiếu hụt nhân lực CNTT thường khiến các nhà phát triển có kỹ năng phải làm việc quá sức và họ phải vật lộn để đối phó với nhu cầu ngày càng tăng về các giải pháp phần mềm.
Bằng cách cho phép các nhà phát triển công dân xây dựng phần mềm của riêng họ, các nền tảng low-code cũng giảm bớt gánh nặng cho bộ phận nhân sự CNTT. Trên thực tế, công ty tư vấn và nghiên cứu hàng đầu Gartner dự đoán, vào cuối năm 2025, một nửa số khách hàng low-code mới sẽ không phải là các tổ chức CNTT. Một lợi thế của các nền tảng low-code là chúng tích hợp với các hệ thống hiện có và do đó đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa kế thừa.
Các chính sách và luật pháp của chính phủ thường thay đổi, nghĩa là phần mềm cũng phải thay đổi. Các cơ quan phải cập nhật thông tin và điều chỉnh các quy trình, việc này mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, nhờ tính linh hoạt và nhanh nhẹn, nền tảng tự động hóa low-code giúp thích ứng với các quy định thay đổi một cách nhanh chóng và trơn tru. Tương tự như vậy, nó có thể ngăn ngừa các sai sót của con người như điền sai tài liệu và do đó xóa hoặc ít nhất giảm thiểu tình trạng quan liêu.
Hiện đại hóa các hệ thống lâu đời để phục vụ nhu cầu mới
Theo Gartner, 60% các cơ quan chính phủ trên toàn thế giới dự kiến sẽ tăng gấp ba lần các dịch vụ số phục vụ công dân của họ vào năm 2023. Ở cấp độ quốc gia, các chính phủ đang kêu gọi hiện đại hóa những ứng dụng cũ quan trọng để đáp ứng nhanh hơn mọi vấn đề. Các nền tảng phần mềm low-code được định vị giúp khu vực công tối đa hóa phân bổ các nguồn lực trong khi triển khai các giải pháp sáng tạo.
Xu hướng số hóa khu vực công đang thúc đẩy quá trình hiện đại hóa những dịch vụ lâu đời. Các cơ quan chính quyền địa phương và khu vực đang lập biểu đồ tác động của các thiết bị IoT, AI và kết nối 5G để đạt hiệu quả hoạt động trên nhiều loại dịch vụ, bao gồm giám sát lưu lượng giao thông và vận tải, sử dụng năng lượng và chiếu sáng, giám sát chất thải, nước và không khí, công trình công cộng và các dịch vụ khẩn cấp, lập kế hoạch và phân bổ nguồn lực.
Công nghệ luôn là một thành phần thiết yếu cho một loạt các dịch vụ địa phương. Tuy nhiên, giai đoạn tiếp theo sẽ đến từ cơ sở hạ tầng công cộng siêu kết nối. Độ trễ cực thấp của kết nối 5G được hứa hẹn từ lâu sẽ tạo ra các kết nối khổng lồ, nhiều kết nối cảm biến IoT sẽ là nền tảng giúp việc ra quyết định theo thời gian thực trên quy mô lớn trở thành hiện thực đối với khu vực công.
Ông Mark Smitham cho biết: “Đây sẽ là một nhân tố thay đổi cuộc chơi, cho phép lời hứa về các thành phố thông minh trở thành hiện thực trên diện rộng”. Tuy nhiên, ông cảnh báo việc tích hợp dữ liệu trong hệ sinh thái số tốt hay không sẽ quyết định tiến độ của các dịch vụ công.
Tính bảo mật được nhúng vào hệ thống ngay từ đầu
Trong môi trường có nhiều mối đe dọa hiện nay, an ninh mạng luôn được chú trọng để bảo vệ dữ liệu và tương tác đáng tin cậy trong hệ sinh thái kỹ thuật số của CPĐT. Đó là điều quan tâm hàng đầu của các nhà quản lý khu vực công. Ngay cả các giao dịch nhỏ của chính phủ cũng có thể dẫn đến tổn thất về tài chính và danh tiếng nếu không được bảo vệ thích hợp.
Điều đó có nghĩa là tính bảo mật phải được giải quyết ngay từ đầu, chứ không phải là một thành phần có thể được bổ sung sau.
Khu vực công phải kiểm tra các nền tảng phần mềm tiềm năng để quản trị, kiểm soát và giám sát hoạt động trên toàn bộ ứng dụng. Họ nên tìm kiếm các nhà cung cấp nền tảng có cấp chứng chỉ và công nhận của bên thứ ba cao nhất, chẳng hạn như ISO, tiêu chuẩn đánh giá tuân thủ toàn cầu về bảo mật thông tin.
Phát triển hệ thống ID số
Thách thức tiếp theo của các hệ thống CPĐT là phải có “danh tính số” để mở ra toàn bộ tiềm năng của các dịch vụ CPĐT, mở rộng khả năng tiếp cận đồng thời giảm chi phí. Tuy nhiên, có hai thách thức mà các chính phủ phải đối mặt. Thứ nhất, công chúng phải tin tưởng vào cách các cơ quan thu thập, lưu trữ, bảo vệ dữ liệu và kiểm soát quyền truy cập vào các thông tin nhạy cảm, chẳng hạn như hồ sơ thuế và sức khỏe, thanh toán phúc lợi, chứng nhận, cấp phép, v.v. Đồng thời, các dịch vụ của chính phủ phải có khả năng chia sẻ và xác thực thông tin đăng nhập ID, tạo ra cái mà các nhà nghiên cứu gọi là "hệ sinh thái nhận dạng kỹ thuật số".
Ba quốc gia châu Âu là Bỉ, Hà Lan và Estonia đã đi tiên phong về dịch vụ đăng ký danh tính số duy nhất và xác thực. Nhưng đối với hầu hết các quốc gia, bao gồm cả Mỹ và Vương quốc Anh, các hệ thống kết hợp nhận dạng dựa trên giấy tờ - hộ chiếu, giấy phép lái xe, thẻ an sinh xã hội, thẻ bảo hiểm và quét sinh trắc học dấu vân tay - vẫn là phương pháp tiêu chuẩn.
Kết nối an toàn với các hệ thống và bộ dữ liệu một cách dễ dàng là động lực cơ bản để áp dụng nền tảng phát triển phần mềm. Đây là tương lai của các dịch vụ công kỹ thuật số.
Các dịch vụ CPĐT trong kỷ nguyên mới có tiềm năng thúc đẩy tính bền vững, sự tham gia của người dân và thúc đẩy sự thịnh vượng kinh tế. Johan den Haan, giám đốc công nghệ của Mendix cho biết: “Việc phát triển phần mềm low-code và tích hợp nền tảng sẽ thúc đẩy khu vực công hướng tới mục tiêu này, loại bỏ những khó khăn do các quy trình nguyên khối, hệ thống kế thừa và kiến trúc độc quyền gây ra. Các giải pháp kỹ thuật số trao quyền cho cả người dùng cuối và chính quyền địa phương đồng thời tận dụng tính linh hoạt của công nghệ, công cụ và dịch vụ ngày nay, mở rộng đáng kể phạm vi công cho mọi công dân thế kỷ 21".
Sử dụng các nền tảng low-code, chính quyền Bavaria (Đức) đã có thể tạo ra một quy trình số hóa hoàn toàn chỉ trong năm ngày. Ứng dụng này đã tạo ra một cuộc cách mạng trong cách chính phủ quản lý các yêu cầu hỗ trợ tài chính liên quan đến dịch COVID-19, đảm bảo hơn 300.000 người nộp đơn có thể nhận được khoản hỗ trợ tài chính lên tới 2,2 tỷ euro trong vòng vài tuần trong thời điểm các công dân vô cùng cần thiết được chính phủ hỗ trợ.
Đây được xem là giải pháp giúp các cơ quan chính phủ cung cấp trải nghiệm công dân hiện đại và liền mạch./.