Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc, Tổng biên tập NXB Phụ nữ trả lời phỏng vấn về những hoạt động của NXB gắn với hành trình phát triển văn hóa đọc tại Việt Nam.
Hàng triệu bản in và hàng triệu bạn đọc được tiếp cận với sách
PV:Thưa bà, NXB đã đỡ đầu những bộ tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng của các tác giả Việt Nam, cũng như cho ra mắt nhiều đầu sách xuất sắc của văn học thế giới. Điểm lại một vài thành tựu chính của NXB, bà có thể nhắc đến những điều gì?
Bà Khúc Thị Hoa Phượng: Trong 65 năm qua, NXB Phụ nữ Việt Nam đã xuất bản trên 20 000 đầu sách với số lượng hàng triệu bản in, xây dựng được các Tủ sách được bạn đọc yêu thích và cũng là Các tủ sách chính của Nhà xuất bản: Chính trị - Công tác Hội; Lịch sử - Văn hóa; Văn học Việt Nam; Văn học Nước ngoài; Tâm lý - Kỹ năng; Nữ công gia chánh; Chăm sóc sức khỏe; Mang thai - Sinh nở; Nuôi dạy con - Giáo dục gia đình; Giáo dục giới tính; Teen; Thiếu nhi; Khoa học - bổ trợ kiến thức; Ngoại ngữ - Du học; Kinh tế - Khởi nghiệp; Phụ nữ tùng thư (Giới và Phát triển).
Các ấn phẩm của NXB nhận được nhiều giải thưởng uy tín như: Giải thưởng Sách Quốc gia, Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam… và nhiều giải thưởng sách khác. Đặc biệt, với những đóng góp tích cực cho văn hóa đọc Việt Nam, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam được Giải thưởng Phát triển Văn hóa đọc năm 2021.
Nói đến phát triển văn hóa đọc, bà có thể cho biết một số hoạt động phát triển văn hóa đọc, góp phần nâng cao dân trí của NXB Phụ nữ Việt Nam?
- NXB Phụ nữ đã có rất nhiều nỗ lực trong những hoạt động này. Chúng tôi làm thực sự với tâm huyết sâu sắc. Để phát triển văn hóa đọc ở những vùng còn khó khăn, nhà xuất bản Phụ nữ đã ưu tiên mang sách trực tiếp tới độc giả thông qua Chương trình Khuyến đọc và Quỹ Sách của Nhà xuất bản.
Xuất phát từ thực trạng văn hóa đọc hiện nay ở Việt Nam còn chưa thực sự phát triển (trung bình một người đọc chưa đến 2 cuốn sách/năm), NXB Phụ nữ Việt Nam thường xuyên tổ chức các chương trình hướng dẫn đọc sách trong gia đình- nhà trường-cộng đồng/xã hội. Những chương trình này chia sẻ với cha mẹ trẻ dạy trẻ em có thói quen đọc sách ngay từ nhỏ, chia sẻ thầy cô giáo dạy trẻ em cách đọc sách trong nhà trường, đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi để trẻ có thể tiếp cận với sách ngoài cộng đồng, nơi mình sinh sống.
Chương trình Khuyến đọc của NXB Phụ nữ Việt Nam ưu tiên tặng sách cho các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; các Không gian đọc cộng đồng do người khuyết tật quản lý, các Nhà văn hóa cấp thôn, xã chưa có điều kiện để trang bị sách cho người dân, các Điểm đọc nhỏ lẻ,… giúp người dân dễ tiếp cận nhất với sách.
Sau 5 năm (2017- 2022), Chương trình Khuyến đọc và Quỹ sách của Nhà xuất bản đã tặng 13.850.000 cuốn, tương đương với số tiền là: 1.188.200.000 đ. Hàng triệu bạn đọc đã được tiếp cận với sách và nâng cao nhận thức về sách và văn hóa liên quan đến sách. Những người dân, phụ nữ, trẻ em, học sinh, các gia đình ở những vùng khó khăn, dân tộc, miền núi được tiếp cận với sách một cách dễ dàng và được hướng dẫn sử dụng sách.
Những hoạt động này thông qua nhiều hình thức phong phú, như chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương, các mô hình Không gian đọc, Điểm đọc, các hoạt động tôn vinh sách trong Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam,…; đưa sách đến các trường học, Trại giam; tổ chức các chương trình đấu giá sách bản đặc biệt để mua thêm được nhiều sách tặng,…). Đây là hoạt động góp phần phát triển văn hóa đọc của Nhà xuất bản nhưng cũng đồng thời là cách làm mới trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội, trong công tác xã hội, từ thiện.
Phụ nữ tùng thư, chú trọng sách về giới
PV: Được biết NXB còn phát triển văn hóa đọc trong thanh niên thông qua việc đẩy mạnh truyền thông về giới và bình đẳng giới, góp phần nâng cao dân trí?
Bà Khúc Thị Hoa Phượng: Phát huy các thế mạnh của truyền thông thời đại kỹ thuật số, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam đã đẩy mạnh các hình thức truyền thông giới thiệu Tủ sách Phụ nữ tùng thư trên kênh fanpage của Nhà xuất bản và đã đạt được các thành công bước đầu đáng trân trọng. Mỗi buổi giới thiệu các ấn phẩm mới của Tủ sách đều được khá đông bạn đọc quan tâm, trong đó phần lớn là các bạn trẻ.
Chẳng hạn sự kiện giới thiệu sách Nữ quyền cho tất cả mọi người - một cái nhìn đa chiều về bình đẳng giới: lượt người tham gia qua zoom là 268 người, livestream fb tiếp cận 5,5 nghìn lượt; 2,6 nghìn lượt xem; sự kiện Yêu sách của Antigon và cuộc đối thoại của Nữ quyền: lượt người tham gia qua zoom là 42 người, livestream fb tiếp cận 5,2 nghìn lượt, 2,6 nghìn lượt xem; sự kiện Bí ẩn nữ tính - Bản tuyên ngôn của làn sóng nữ quyền thứ 2 trong thế kỷ XX: lượt người tham gia qua zoom là 58 người, livestream fb tiếp cận 6,3 nghìn lượt, 3,2 nghìn lượt xem; sự kiện Cơ thể, diễn ngôn và hình ảnh: một đối thoại từ "Lịch sử vú": lượt người tham gia qua zoom là 64 người, livestream fb tiếp cận 3,7 nghìn lượt,1,9 nghìn lượt xem.
Các buổi giới thiệu sách diễn ra sôi nổi, nhiều bạn trẻ chủ động giao lưu đặt câu hỏi chuyên sâu và các câu hỏi phản biện, cùng với đó và một số nội dung tranh luận giàu tính học thuật. Sau mỗi buổi giới thiệu sách, Nhà xuất bản nhận được nhiều phản hồi tích cực: có bạn trẻ là nam giới nhắn tin chia sẻ: "…sau này em sẽ nuôi dạy con gái em theo tinh thần nữ quyền"; có giảng viên trẻ chia sẻ: "từ khi tôi đọc các sách của Judith Butler xong, tôi không còn nghĩ mình là nữ hay nam, giới tính không còn là quan trọng mà quan trọng là sự tôn trọng sự khác biệt".
Tủ sách Phụ nữ tùng thư thực sự đã tác động sâu sắc tới nhận thức của thanh niên, thu hút các bạn trẻ tìm đọc các sách về nữ quyền, triết học về Giới (một lĩnh vực mới mẻ hiện nay trên thế giới). Tủ sách có đóng góp nhất định cho công tác nghiên cứu và phổ biến các kiến thức về giới/bình đẳng giới ở Việt Nam đồng thời cũng là căn cứ tham khảo quan trọng trong quá trình tác động chính sách liên quan đến các vấn đề về giới.
Xin trân trọng cảm ơn bà./.