Tại phiên họp, đại diện Cục Tin học hoá (Bộ TT&TT) - cơ quan thường trực của Bộ TT&TT đã trình bày Báo cáo kết quả thực hiện quý I/2016 Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN giai đoạn 2016-2020. Cụ thể, Bộ TT&TT đã có văn bản đôn đốc các Bộ, ngành triển khai Quyết định 1819/QĐ-TTg. Bộ đã tiến hành thẩm định kế hoạch ứng dụng CNTT của 19/30 Bộ, ngành, 38/63 kế hoạch của các địa phương, trong đó 05 Bộ, ngành và 14 tỉnh thành đã phê duyệt Kế hoạch ứng dụng CNTT đã được Bộ TT&TT thẩm định.
Tuy nhiên, theo đại diện Cục Tin học hoá, đã nảy sinh hiện tượng một số Bộ ngành, địa phương xây dựng và phê duyệt Kế hoạch ứng dụng CNTT giai đoạn 2016-2020 mà không xin ý kiến thẩm định của Bộ, quy định tại Nghị định số 64/2007/NĐ-CP.
Cũng trong quý I/2016, Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư 10/2016/TT-BTTTT, quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cấu trúc mã định danh và định dạng dữ liệu gói tin phục vụ kết nối các hệ thống quản lý văn bản và điều hành. Đây là cơ sở để các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, sử dụng, khai thác và cung cấp giải pháp quản lý văn bản và điều hành đảm bảo khả năng kết nối, trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước.
Liên quan đến tình hình triển khai các Hệ thống thông tin có quy mô từ Trung ương đến địa phương, Cục Tin học hoá chỉ ra tình trạng trùng lặp, chồng chéo trong đầu tư hệ thống thông tin giữa Bộ, ngành và địa phương. Cục Tin học hoá nhận định, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do chủ trương triển khai các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin nằm ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau như: Luật, Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ… Kinh phí triển khai cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin không được bố trí kịp thời, không cấp đủ để triển khai theo tiến độ. Việc triển khai các hệ thống thông tin không đồng bộ về kế hoạch triển khai, không có sự phối hợp giữa Bộ ngành và địa phương.
Đối với dịch vụ công trực tuyến, theo báo cáo của Cục Tin học hoá, tính đến năm 2015, sau hơn 4 năm triển khai, đã có 16/21 Bộ ngành (trừ Văn phòng Chính phủ) và 46/63 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Tuy nhiên, Cục Tin học hoá cũng cho biết vẫn tồn tại một số hạn chế trong triển khai dịch vụ công trực tuyến, cụ thể: các dịch vụ công trực tuyến hiện nay vẫn chưa kết nối, tích hợp được; Số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được người dân, doanh nghiệp sử dụng hiệu quả còn hạn chế.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đánh giá cao công tác chuẩn bị phiên họp, với chương trình làm việc phong phú của Cục Tin học hoá trong vai trò cơ quan thường trực của Ban điều hành ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Thứ trưởng chỉ đạo: Đối với các Kế hoạch ứng dụng CNTT của các Bộ ngành, địa phương không xin ý kiến thẩm định của Bộ TT&TT, Cục Tin học hoá cần soạn thảo văn bản gửi các đơn vị này yêu cầu gửi các kế hoạch cho Bộ TT&TT thẩm định và nêu rõ thời hạn thực hiện.
Về dịch vụ công trực tuyến, Thứ trưởng chỉ đạo thống kê đầy đủ số lượng dịch vụ công trực tuyến, đồng thời xác định tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và đó là những dịch vụ gì. Thứ trưởng yêu cầu cần phải quản lý việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến dưới cả 3 hình thức: Báo cáo của các Bộ ngành, địa phương; Kiểm tra trực tiếp; Xây dựng công cụ đo lường, đánh giá dịch vụ công trực tuyến trực tuyến. Đồng thời, Thứ trưởng cũng yêu cầu Cục Tin học hoá gửi văn bản cho các Bộ, địa phương yêu cầu lắp đặt, giám sát nhưng cũng nêu rõ việc lắp đặt không ảnh hưởng đến hoạt động liên tục của dịch vụ công trực tuyến và đảm bảo về an toàn thông tin.
Liên quan đến việc tổ chức các đoàn kiểm tra tình hình ứng dụng CNTT của các Bộ ngành, địa phương, Thứ trưởng nhất trí với ý kiến của đại biểu tham dự phiên họp là sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra toàn diện tình hình ứng dụng CNTT thay vì tổ chức các đoàn theo chuyên đề. Đặc biệt chỉ tổ chức đoàn đi kiểm tra các địa phương điển hình, hoặc các địa phương khó khăn, yếu kém về CNTT, phân bổ đều ở Bắc Trung Nam, miền xuôi, miền ngược. Các đợt kiểm tra sẽ bắt đầu từ tháng 6/2016./.