Philippines củng cố các nền tảng số đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng COVID-19

AD| 11/07/2021 09:53
Theo dõi ICTVietnam trên

Cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu COVID-19 đã tạo ra những thay đổi đáng kể trong hệ thống chăm sóc sức khỏe (CSSK) trên toàn thế giới. Một trong những tác động quan trọng nhất chính là tạo động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số (CĐS) toàn cầu về CSSK.

Bằng cách cung cấp các công cụ để lập kế hoạch và quản lý các chương trình tiêm chủng, công nghệ số có thể đóng một vai trò quan trọng trong chiến dịch tiêm chủng hàng loạt.

Các công cụ kỹ thuật số, chẳng hạn như các ứng dụng theo dõi liên hệ và giám sát tự cách ly, các giao dịch không tiếp xúc đã cho thấy vai trò trong việc kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong cuộc chiến chống lại COVID-19. Trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu lớn (Big data) hỗ trợ việc ra quyết định và nhắm mục tiêu đến các hộ gia đình dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch.

Trong khi sự phát triển nhanh chóng của vắc-xin ngừa COVID-19 là đáng chú ý, thì việc tiêm chủng thành công cho dân số toàn cầu đang đặt ra nhiều thách thức, từ sản xuất đến phân phối, triển khai và quan trọng nhất là sự chấp nhận của người dân.

Niềm tin vào vắc-xin của người dân là rất quan trọng và nó phụ thuộc rất nhiều vào khả năng của chính phủ các quốc gia trong việc tuyên truyền lợi ích, vai trò của việc tiêm chủng và cung cấp vắc-xin một cách an toàn, hiệu quả.

Theo OpenGov Asia, để giải quyết vấn đề này, công ty giải pháp phần mềm hàng đầu của Philippines đã ra mắt phần bổ sung mới nhất cho 24 nền tảng kỹ thuật số hiện có của mình. Công ty hy vọng sẽ cung cấp một công cụ số đầu cuối cho phép người sử dụng lao động quản lý và giám sát chương trình tiêm chủng tương ứng của họ tại nơi làm việc - từ chuỗi cung ứng, kiểm kê đến việc quản lý vắc-xin với sự hướng dẫn và chuyên môn của Metro Pacific Hospital Holdings Inc. (MPHHI) trong quá trình phát triển nền tảng.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành MPHHI cho biết: "CSSK là rất quan trọng để giữ cho đất nước hoạt động và đảm bảo an toàn công cộng. Cuộc khủng hoảng sức khỏe COVID-19 đã hạn chế chúng ta theo nhiều cách. Trước mọi khó khăn, ngành công nghiệp phải thích ứng và đảm bảo rằng hệ thống chăm sóc sức khỏe vẫn được duy trì ổn định và dễ tiếp cận".

"Tại MPHHI, chúng tôi nhận ra tầm quan trọng của các công cụ kỹ thuật số để tăng tốc độ cung cấp các dịch vụ tiêm chủng. Điều quan trọng là đưa đất nước chúng ta trở lại trạng thái bình thường. Đó là lý do tại sao chúng ta hợp tác chặt chẽ để cùng phát triển một nền tảng tiêm chủng tuyệt vời", Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành MPHHI nhấn mạnh.

Một nền tảng CNTT mạnh mẽ để quản lý chương trình tiêm chủng tích hợp tất cả các bên tham gia vào quá trình này, từ nhà sản xuất dược phẩm, trung tâm tiêm chủng cho đến những công dân được tiêm chủng một cách tổng thể. Điều này đảm bảo rằng toàn bộ quy trình tiêm chủng diễn ra suôn sẻ, cũng như mức độ minh bạch thông tin cao.

Nền tảng tiêm chủng được cung cấp bởi phân tích phụ trợ toàn diện cho phép các công ty giám sát và theo dõi các sáng kiến tiêm chủng trên toàn công ty của họ. Hơn nữa, nền tảng này cũng đã sẵn sàng cho việc tích hợp hệ thống của bên thứ ba.

Các giải pháp triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin trên nền tảng kỹ thuật số phải an toàn, có thể mở rộng, tùy chỉnh và thích ứng với các thay đổi.

Với tính cấp thiết của tình hình, các tổ chức, doanh nghiệp cần cân nhắc bắt đầu với một hệ thống có chức năng cơ bản, sử dụng các ứng dụng di động và dựa trên web, cho phép phân tích, báo cáo thời gian thực về tình trạng tồn kho vắc-xin và các thông tin quan trọng khác để đưa ra quyết định kịp thời và đầy đủ. Mặt khác, các chế độ quản lý vắc-xin ngoại tuyến có thể được yêu cầu ở những vùng sâu vùng xa với kết nối Internet kém. Đặc biệt, việc thu thập, sử dụng và xử lý dữ liệu phải tuân theo các nguyên tắc về quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu.

Tháng trước, OpenGov Asia cũng cho biết Cơ quan Kinh tế và Phát triển quốc gia Philippines (NEDA) đã khuyến cáo chính phủ nước này cần đẩy nhanh việc triển khai chương trình tiêm chủng sau quyết định của Lực lượng đặc nhiệm liên cơ quan (IATF) về việc mở rộng nhóm ưu tiên tiêm chủng bao gồm tất cả công nhân làm việc bên ngoài nhà của họ, gồm cả nhân viên chính phủ. Việc bổ sung các biện pháp bảo vệ nhằm chống lại COVID-19 sẽ giúp người lao động tự tin hơn để ra ngoài kiếm sống đồng thời giảm sự lây lan vi-rút cho gia đình của họ.

Để quản lý lượng bệnh nhân nhiễm bệnh tăng đột biến, nhiều hệ thống hoạt động cũng đã được triển khai như hệ thống quản lý xếp hàng, hệ thống dựa trên cơ sở đã được thiết lập nhằm hỗ trợ kiểm soát đám đông và thực thi các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế hiệu quả sự lây lan của vi-rút./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Philippines củng cố các nền tảng số đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO