Nhận thức được những khó khăn đó, quốc gia này đang tận dụng tối đa các lợi thế của công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) để giảm thiểu rủi ro do thiên tai gây ra.
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (DOST) Philippines Fortunato de la Peña, khoa học, công nghệ và đổi mới (STI) đóng một vai trò quan trọng trong việc khai thác khả năng chống chịu với thiên tai của quốc gia này.
"STI là cốt lõi của việc giảm thiểu rủi ro thiên tai - từ việc hiểu khái niệm rủi ro đến xây dựng khả năng phục hồi tốt hơn. Sự tiến bộ mạnh mẽ của STI đã cho phép chúng tôi áp dụng các chiến lược và phát triển các chính sách để giảm thiểu rủi ro và xây dựng khả năng phục hồi", ông De la Peña chia sẻ tại Hội nghị Khoa học và Công nghệ châu Á - Thái Bình Dương về giảm thiểu rủi ro thiên tai được tổ chức mới đây.
Ông De la Peña cho biết, công nghệ nên là một phần quan trọng đối với khả năng phục hồi của Philippines. Khả năng phục hồi của người Philippines không chỉ được biết đến là khả năng sinh tồn đơn thuần mà còn là khả năng thích nghi và biến đổi.
"Dữ liệu do DOST thu thập từ các công nghệ là xương sống trong cách tiếp cận của chúng tôi trong việc ứng phó với tác động của thảm họa thiên tai. Chúng tôi đảm bảo rằng với cảnh báo sớm, chúng tôi sẽ có hành động sớm", ông khẳng định.
Theo đó, DOST đã thực hiện những đổi mới nhằm ngăn ngừa và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, cũng như hỗ trợ các nỗ lực phục hồi. Cụ thể, về phòng ngừa và giảm thiểu, quốc gia này đã và đang sử dụng dữ liệu từ các vệ tinh nhân tạo do Philippines sản xuất. Dữ liệu vệ tinh và cảm biến có vai trò quan trọng trong việc lập bản đồ nguy cơ, đánh giá tình trạng và điều kiện môi trường trên mặt đất.
Một nền tảng kỹ thuật số có tên GeoRisk Philippines để nhận biết các mối nguy hiểm và rủi ro cũng đã được phát triển thông qua một sáng kiến đa cơ quan do Viện nghiên cứu núi lửa và địa chấn Philippines (Phivolcs) chủ trì với sự tài trợ của DOST. Nền tảng này giúp đánh giá các rủi ro và nguy cơ nhanh chóng, đồng thời cung cấp dữ liệu khoa học cho công chúng.
Đối với việc chuẩn bị và đối phó với thiên tai, DOST đã phát triển một Hệ thống đánh giá thiệt hại nhanh do động đất (Rapid Earthquake Damage Assessment System). Hệ thống này mô phỏng các nguy cơ động đất như rung chuyển mặt đất, hóa lỏng, sạt lở đất và sóng thần, và có thể tính toán các tác động của động đất về thiệt hại vật chất, thương vong và thiệt hại kinh tế.
Trong khi đó, với các nỗ lực phục hồi, Trung tâm Quan sát tài nguyên dữ liệu trái đất (Philippine Earth Data Resource and Observation - PEDRO) sẽ giám sát việc khôi phục một số dự án cơ sở hạ tầng thông qua các trạm thu mặt đất được trang bị ăng-ten theo dõi vệ tinh quan sát trái đất để nhận, xử lý và phân phối hình ảnh và các dữ liệu khác trong không gian.
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số đã và đang tạo ra những bước đột phá mới trong việc phòng ngừa và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Với các công nghệ hiện đại, các thảm họa có thể được ngăn chặn và hạn chế một cách hiệu quả.
"STI đã chứng tỏ rằng chúng ta có thể giảm thiểu hoặc ngăn chặn tác động của thiên tai. DOST cam kết dẫn đầu các xu hướng khoa học - công nghệ và lập kế hoạch có tầm nhìn xa cho nghiên cứu và ứng dụng, đặc biệt là trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai", ông De la Peña khẳng định./.