Quản lý chất thải điện tử từ góc nhìn công nghệ

TH| 25/06/2018 11:36
Theo dõi ICTVietnam trên

Chất thải điện tử ẩn chứa nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng sức khỏe con người. Tuy vậy, đến nay, việc thu gom, xử lý chúng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Bạn có biết chỉ riêng trong năm 2016 đã có 45 triệu tấn chất thải điện tử (e-waste) được tạo ra trên toàn thế giới? Con số đó tương đương với 9 kim tự tháp Giza hay 1,2 triệu chiếc xe tải 18 bánh có trọng tải 40 tấn được xếp hàng từ New York đến Bangkok và ngược lại. 

Theo báo cáo hàng năm của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), Đại học Liên hợp quốc (UNU) và Hiệp hội Xử lý chất thải rắn quốc tế, lượng chất thải điện tử trên toàn cầu vẫn đang tiếp tục gia tăng mỗi năm.

Chất thải điện tử bao gồm các thiết bị công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) như máy tính, điện thoại di động, màn hình và tất cả các loại thiết bị điện/điện tử hay các thành phần của nó đã bị thải bỏ mà không có ý định tái sử dụng. Chất thải điện tử ẩn chứa nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng sức khỏe con người.

Hiện nay, hầu hết mỗi người tại các nước phát triển đều sở hữu nhiều hơn một thiết bị ICT và chu kỳ thay thế điện thoại di động, máy tính cũng như các thiết bị khác đang trở nên ngắn hơn. Do đó, chất thải điện tử đang được coi là dòng chất thải phát triển nhanh nhất, việc xử lý nó đã trở thành một mối quan tâm lớn ở tất cả các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển. Vậy chúng ta có thể làm gì để giải quyết vấn đề này?

Tái sử dụng

Là giải pháp đơn giản để giảm lượng chất thải điện tử, bạn có thể chọn mua các thiết bị đã qua sử dụng hoặc thiết bị cũ đã được nâng cấp thay vì mua mới.

Tái chế

Khi bạn đã sẵn sàng vứt bỏ thiết bị, hãy chắc chắn rằng nó được đưa đến các trung tâm tái chế thích hợp. Hiện có rất nhiều chương trình thu gom hoặc “mua lại” điện thoại cũ để gây quỹ cho các tổ chức từ thiện.

Cắt giảm nhu cầu thiết bị mới và sửa chữa thiết bị cũ

Theo ước tính của Hiệp hội Công nghệ người tiêu dùng, tuổi thọ trung bình của một chiếc điện thoại di động là khoảng 5 năm, tuy nhiên nhiều trong số chúng bị thải bỏ chỉ sau hai năm. Bạn có thể lựa chọn tiếp tục sử dụng thiết bị cũ của mình ngay cả khi phiên bản mới hơn đã được phát hành. Khi đó bạn đừng quên sửa chữa màn hình bị hỏng hoặc thay thế pin trước khi bạn tái chế thiết bị của mình.

Dữ liệu về chất thải điện tử giúp quản lý chúng tốt hơn

Cho tới nay, dữ liệu tổng hợp về chất thải điện tử toàn cầu khó tập hợp, và nhiều nước định nghĩa chất điện tử rất khác nhau. Theo ITU, hiện chỉ có 41 quốc gia có số liệu thống kê chính thức về chất thải điện tử. Đối với 16 quốc gia khác, khối lượng chất thải điện tử chỉ được thu thập từ nghiên cứu và được ước tính. Còn số phận của phần lớn chất thải điện tử (34,1 triệu tấn) hiện vẫn chưa rõ ràng.

Tại các nước chưa có quy định pháp lý về chất thải điện tử quốc gia, chất thải điện tử có thể được coi là chất thải khác hoặc chất thải chung. Đây có thể là chất được chôn dưới đất hoặc tái chế, cùng với chất thải kim loại hoặc nhựa khác. Chúng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, hoặc được xử lý và tái chế bởi một khu vực phi chính thức mà không bảo vệ người lao động theo đúng cách, trong khi chúng có khả năng phát xạ ra các độc tố gây hại.

Dữ liệu tổng hợp về chất thải điện tử đầy đủ sẽ góp phần vào việc đạt được 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs), đặc biệt là mục tiêu SDG12 “đảm bảo tiêu dùng và sản xuất bền vững”.

Mặt khác, các thiết bị ICT thường chứa nhiều nguyên liệu có giá trị như đồng, niken, bạc, vàng, bạch kim, tantali, indium, palladium,… Quản lý chất thải điện tử tốt hơn sẽ giúp bảo vệ môi trường, tạo ra nhiều việc làm cho những người tái chế và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, khi các nguyên liệu thô này có thể được khai thác kinh tế hơn từ chất thải điện tử thay vì lòng đất.

ITU hỗ trợ quản lý chất thải điện tử bền vững như thế nào?

Chất thải điện tử là một thách thức toàn cầu. Nó là vấn đề xuyên biên giới và các nước đang phát triển hiện chịu gánh nặng rác thải điện tử lớn nhất.

ITU hỗ trợ việc chia sẻ các số liệu thống kê chất thải điện tử trên toàn cầu, đồng thời hỗ trợ các nước trong việc xây dựng chính sách và năng lực pháp lý để xử lý chất thải điện tử.

ITU cũng phát triển các tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan tới chất thải điện tử. Các tiêu chuẩn này đưa ra các hướng dẫn về quản lý chất thải điện tử bền vững (ví dụ: ITU L.1021 và L.1030). Chúng chỉ rõ các bộ sạc phổ dụng cho các thiết bị ICT giúp giảm thiểu mức tiêu thụ năng lượng và chất thải điện tử (ITU L.1000 series). Đồng thời chúng cũng đưa ra các quy trình tái chế đối với các thành phần kim loại quý trong các thiết bị ICT (ITU L.1100 series).

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Quản lý chất thải điện tử từ góc nhìn công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO