Diễn đàn

Quản lý dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet theo phương thức “quản lý mềm”

Hoàng Linh 24/11/2023 15:04

Luật Viễn thông sửa đổi đã được Quốc hội thông qua sáng ngày 24/11 gồm 10 chương, 73 điều.

thong-qua-luat-vt-4.jpeg
Quốc hội thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi) sáng ngày 24/11 với tỷ lệ 94,74%

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) của Quốc hội Lê Quang Huy đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), trong đó cho biết về quản lý dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (khoản 8 Điều 3 và Điều 28).

Theo Chủ nhiệm Lê Quang Huy, đã có ý kiến đề nghị làm rõ dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet có phải là một loại hình dịch vụ viễn thông hay không; nếu đúng thì phải đáp ứng tất cả các nghĩa vụ của các dịch vụ viễn thông truyền thống; nếu không phải thì cần định nghĩa lại để tránh sự nhầm lẫn trong cách hiểu, áp dụng và thực thi pháp luật.

Về vấn đề này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo như sau: Nội dung này cũng đã được UBTVQH báo cáo trước Quốc hội tại phiên họp ngày 25/10/2023. Dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet cung cấp các tính năng tương đương với dịch vụ viễn thông cơ bản (tin nhắn, thoại, hội nghị truyền hình), cung cấp tính năng chính là gửi, truyền, nhận thông tin giữa hai hoặc một nhóm người sử dụng dịch vụ viễn thông trên Internet. Các dịch vụ giống nhau cần được điều chỉnh bởi cùng một Luật, bảo đảm sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống.

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã quy định dịch vụ này là dịch vụ viễn thông và được quản lý theo pháp luật về viễn thông.

Do đó, dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet là một loại dịch vụ viễn thông, được điều chỉnh trong Luật Viễn thông. Tuy nhiên, dịch vụ này có đặc điểm là doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ không sở hữu hạ tầng mạng, không được phân bổ tài nguyên viễn thông nên dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng quy định theo phương thức “quản lý mềm” (light touch regulation), chỉ phải tuân thủ một số quy định về nghĩa vụ như tại khoản 2 Điều 28 dự thảo Luật.

Với phân tích nêu trên, UBTVQH thấy rằng tên gọi “dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet” đã thể hiện được các đặc tính của dịch vụ này. Do vậy, xin giữ tên gọi này như trong dự thảo Luật.

Trước đó, trung tuần tháng 11/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp để cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình các dự án luật, dự thảo nghị quyết được xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6, trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đối với các dự thảo luật Luật Viễn thông (sửa đổi).

Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết: Ngày 25/10/2023, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), đã có 11 lượt đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu ý kiến và 01 ĐBQH gửi ý kiến bằng văn bản.

Trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, Thường trực Ủy ban KHCN&MT đã chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) (Cơ quan chủ trì soạn thảo dự thoả Luật Viễn thông sửa đổi), Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, rà soát tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật.

Về cung cấp và sử dụng dịch vụ trung tâm dữ liệu (TTDL), dịch vụ điện toán đám mây (ĐTĐM) (Điều 29), nghiên cứu tiếp thu ý kiến Đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban KHCN&MT đã chỉnh lý khoản 3 Điều 29 theo hướng làm rõ nghĩa vụ thực hiện công bố về sự phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chỉ áp dụng đối với các TTDL sử dụng để kinh doanh dịch vụ TTDL, ĐTĐM cho công cộng; đồng thời, chỉnh lý khoản 4 Điều 29 theo hướng chỉ điều chỉnh đối với việc sử dụng dịch vụ TTDL, dịch vụ ĐTĐM của DN. Do đó, các TTDL phục vụ cho hoạt động quốc phòng, an ninh, trong đó có cơ yếu không thuộc đối tượng điều chỉnh của các quy định này.

Điều 28. Cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet

1. DN cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet có các quyền sau đây: a) Đầu tư kinh doanh dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet không giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp hoặc tỷ lệ đóng góp của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh; b) Các quyền quy định tại các điểm a, b, đ, e và g khoản 1 Điều 13, khoản 3 Điều 40, khoản 2 Điều 62 của Luật này.

2. DN cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet có các nghĩa vụ sau đây: a) Thực hiện việc đăng ký, thông báo cung cấp dịch vụ viễn thông theo quy định tại Điều 41 của Luật này; b) Thực hiện quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 6 Điều 5, Điều 6, Điều 9, các điểm b, c, d, g, l và n khoản 2 Điều 13, các khoản 1, 3 và 4 Điều 20, Điều 22, khoản 1 và khoản 3 Điều 23, khoản 2 Điều 40 của Luật này;

c) Thực hiện quy định tại Điều 58, khoản 3 Điều 59, Điều 60, khoản 1 và khoản 3 Điều 62 của Luật này trong trường hợp cung cấp dịch vụ có thu tiền của người sử dụng; d) Thực hiện việc lưu trữ, quản lý thông tin người sử dụng dịch vụ đã cung cấp khi giao kết hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông theo quy định của Chính phủ;

đ) Trường hợp cần thực hiện truy cập vào các tính năng trên thiết bị đầu cuối của người sử dụng để phục vụ việc cung cấp dịch vụ, DN cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet có trách nhiệm thông báo cho người sử dụng về sự cần thiết và phải được người sử dụng đồng ý trước khi thực hiện truy cập;

e) Công bố chất lượng dịch vụ do mình cung cấp nếu có sở hữu hạ tầng mạng hoặc có thỏa thuận với doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng mạng; công bố chất lượng dịch vụ do mình cung cấp phụ thuộc vào chất lượng mạng viễn thông, dịch vụ viễn thông do các doanh nghiệp viễn thông khác quản lý, cung cấp nếu không sở hữu hạ tầng mạng, không có thỏa thuận với DN viễn thông có hạ tầng mạng.

3. Chính phủ quy định chi tiết về quyền và nghĩa vụ của tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin và cam kết chung trong các điều ước quốc tế.

Điều 29. Cung cấp và sử dụng dịch vụ TTDL, dịch vụ ĐTĐM

1. DN cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ ĐTĐM có các quyền sau đây: a) Đầu tư kinh doanh dịch vụ TTDL, dịch vụ ĐTĐM không giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp hoặc tỷ lệ đóng góp của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh; b) Các quyền quy định tại các điểm a, b, đ, e và g khoản 1 Điều 13, khoản 3 Điều 40, khoản 2 Điều 62, khoản 2 Điều 64 của Luật này; c) Không phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin của người sử dụng dịch vụ trong quá trình xử lý, lưu trữ và truy xuất thông tin, trừ trường hợp luật khác có quy định.

2. DN cung cấp dịch vụ TTDL, dịch vụ ĐTĐM có các nghĩa vụ sau đây: a) Thực hiện việc đăng ký, thông báo cung cấp dịch vụ viễn thông theo quy định tại Điều 41 của Luật này; b) Tuân thủ pháp luật về an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân và quy định khác của pháp luật có liên quan; c) Thực hiện quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 6 Điều 5, Điều 6, khoản 3 Điều 8, Điều 9, các điểm b, c, d và n khoản 2 Điều 13, các khoản 1, 3 và 4 Điều 20, Điều 22, khoản 1 và khoản 3 Điều 23, khoản 2 Điều 40, khoản 3 Điều 55, Điều 58, khoản 3 Điều 59, Điều 60, khoản 1 và khoản 3 Điều 62 của Luật này.

d) Bảo đảm các DN viễn thông có thể kết nối và cung cấp dịch vụ cho người sử dụng dịch vụ TTDL; đ) Không được truy nhập, khai thác, sử dụng dữ liệu của người sử dụng dịch vụ được xử lý, lưu trữ và truy xuất qua dịch vụ của DN nếu chưa được người sử dụng đồng ý; e) Tiến hành kịp thời các biện pháp cần thiết để ngăn chặn việc truy nhập thông tin theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

g) Không được theo dõi, giám sát thông tin của người sử dụng dịch vụ, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; h) Thực hiện việc lưu trữ, quản lý thông tin người sử dụng dịch vụ đã cung cấp khi giao kết hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông theo quy định của Chính phủ; i) Công bố chất lượng dịch vụ do mình cung cấp.

3. DN trước khi đưa TTDL vào sử dụng để kinh doanh dịch vụ TTDL, dịch vụ ĐTĐM cho công cộng phải thực hiện công bố về sự phù hợp của TTDL với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ TT&TT.

4. Việc sử dụng dịch vụ TTDL, dịch vụ ĐTĐM của DN trong hoạt động của các ngành, lĩnh vực phải tuân theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

5. Chính phủ quy định chi tiết các nội dung sau đây: a) Quyền và nghĩa vụ của tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ TTDL, dịch vụ ĐTĐM qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin và cam kết chung trong các điều ước quốc tế; b) Việc cung cấp và sử dụng dịch vụ TTDL, dịch vụ ĐTĐM trong hoạt động của cơ quan nhà nước./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Khai thác sách điện tử trên ứng dụng bán ebook bản quyền
    Ngày 16/11, Công ty cổ phần sách Alpha (Alpha Books) và hệ thống phân phối máy đọc sách số Akishop đã chính thức ký kết, hợp tác khai thác sách điện tử trên ứng dụng bán ebook bản quyền dành riêng cho người dùng máy đọc sách.
  • PGS,TS Lê Thanh Bình: Người thầy thắp lửa và truyền lửa cho ngành truyền thông quốc tế và ngoại giao văn hóa
    Từ người lính radar của Quân chủng Phòng không-Không quân, sau đó được cử đi học tập ở Liên Xô và trở về phục vụ đất nước, trong mấy chục năm qua, PGS,TS Lê Thanh Bình đã dành nhiều công sức, tâm huyết cho công tác ngoại giao văn hóa. Thầy đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực truyền thông và văn hóa đối ngoại cho Học viện Ngoại giao và đất nước.
  • Trí tuệ nhân tạo và bình đẳng giới
    Sự quan tâm đến các công cụ AI tạo sinh đang bùng nổ trên toàn thế giới - nhưng nhân viên nữ đang tụt hậu so với đồng nghiệp nam trong việc sử dụng công nghệ. Điều đó có thể có ý nghĩa lớn không chỉ đối với lộ trình nghề nghiệp của cá nhân mà còn đối với các công ty đang tạo ra và lấp đầy các công việc trong tương lai.
  • Vĩnh Long khai trương tuyến phố đi bộ tại dự án của T&T Group
    UBND tỉnh Vĩnh Long đã chính thức khai trương và đưa vào hoạt động tuyến phố đi bộ thành phố Vĩnh Long tại dự án Khu dân cư Phước Thọ (do Công ty T&T Land Phước Thọ, thành viên của Tập đoàn T&T Group phát triển) để phục vụ Festival Gạch gốm đỏ - Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần 1 năm 2024.
  • Lấy người dân làm trung tâm của quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh
    Sáng 16/11 theo giờ địa phương tại thành phố Lima, Peru, Chủ tịch nước Lương Cường đã dự và phát biểu tại Hội nghị các nhà lãnh đạo các nền kinh tế Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 31.
Đừng bỏ lỡ
Quản lý dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet theo phương thức “quản lý mềm”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO