Quan tâm mặt trái, an ninh thông tin, thông tin độc hại, những tác động tiêu cực về văn hóa xã hội

HA.NV| 29/11/2017 16:34
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong khuôn khổ Diễn đàn Internet Việt Nam 2017 (VIF17), ngày 28/11, các đại biểu đã tập trung trao đổi về Chính phủ điện tử, Dữ liệu Mở cho đến các vấn đề như thành phố thông minh hay truyền thông mạng xã hội.

Theo đó, mở rộng quyền truy cập vào Internet vẫn luôn được đề cao như một phần không thể thiếu góp phần thực hiện thành công Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Chương trình đưa ra một mục tiêu đầy tham vọng, nhằm "Tăng cao khả năng tiếp cận với công nghệ thông tin và truyền thông. Phấn đấu để phổ cập hóa và cung cấp kết nối Internet giá rẻ ở các nước kém phát triển nhất vào năm 2020". Chương trình cũng đã thiết lập một tiêu chuẩn mới mang tính toàn cầu cho sự phát triển nhằm đảm bảo không một người dân nào phải chịu thiệt thòi do không được cung cấp hay trang bị Internet.

Phó giám đốc quốc gia của UNDP tại Việt Nam Akiko Fujii đã khẳng định: “Các công ty công nghệ và kỹ thuật số đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy quyền tự do bày tỏ ý kiến, tạo điều kiện cho việc trao đổi ý kiến trên mạng đồng thời thúc đẩy bình đẳng và tiếp cận trong xã hội, thông qua những sáng kiến đổi mới giúp cho người nghèo, người dễ bị tổn thương được hưởng lợi từ những tiến bộ đột phá về khoa học và công nghệ”.

Phó giám đốc quốc gia của UNDP tại Việt Nam Akiko Fujii (khăn đỏ) trao đổi ý kiến  (Ảnh: HNV)

Đồng thời, cũng trong hoạt động của Diễn đàn, Ban tổ chức đã vinh danh người chiến thắng của cuộc thi #InnovationForGood (Sáng tạo vì mục tiêu phát triển. Trong đó, Giải thưởng cuộc thi bao gồm 1.000 USD tiền mặt và một chuyến tham quan tới Thụy Điển để trải nghiệm những sáng tạo của quốc gia phát triển này - những sáng tạo đã góp phần thay đổi thế giới.

Tại Diễn đàn, ông Mans Svensson, Giám đốc Nghiên cứu của Viện Internet, Đại học Lund chia sẻ "Đại học Lund đã có truyền thống trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và công nghệ phục vụ phát triển xã hội. Được là một đối tác của sự kiện và được trao giải InnovationForGood là một cơ hội tuyệt vời cho chúng tôi tìm hiểu về những sáng kiến của Việt Nam về đổi mới sáng tạo".

Bên cạnh đó, Đại sứ quán Thụy Điển đồng hành cùng Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam (Save the Children) sẽ cho ra mắt cuốn cẩm nang #NetSmart (Sử dụng Internet thông minh) - cuốn sổ tay dành cho các bậc phụ huynh về nâng cao kĩ năng bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ xâm hại tình dục trên môi trường mạng. Cuốn cẩm nang này hứa hẹn sẽ giúp bậc phụ huynh hiểu rõ hơn các mối nguy hại từ môi trường mạng đối với trẻ ở từng lứa tuổi: từ mầm non cho đến trẻ vị thành niên. Cha mẹ được khuyến khích trò chuyện về những khó khăn và xây dựng mối quan hệ thân thiết với con cái để những vấn đề của con trẻ được chia sẻ dễ dàng và cởi mở hơn.

Trước đó, phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Phạm Hồng Hải nhấn mạnh, những năm qua, với sự phát triển vượt bậc của CNTT-TT nói chung và Internet nói riêng, hàng tỷ người trên toàn thế giới đã cùng nhau biến Internet thành một nền tảng gắn kết mọi người, mọi nguồn lực tại các quốc gia. Internet đã và đang đóng vai trò quan trọng trong mọi mặt của cuộc sống, từ cuộc sống hàng ngày của người dân, hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp đến hoạt động của cơ quan Nhà nước, Chính phủ. Sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của Internet, Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), các thiết bị di động thông minh đã thúc đẩy quá trình kết nối, chia sẻ thông tin, tri thức và liên kết hàng tỷ người trên khắp thế giới lại với nhau.

Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cũng cảnh báo, bên cạnh những lợi ích, những thay đổi to lớn, mạnh mẽ do internet mang lại, hiện nay, các nước trên thế giới đều quan tâm và lưu ý hơn về mặt trái, về các thách thức như an ninh thông tin, thông tin độc hại, những tác động tiêu cực về văn hóa xã hội. Hiện nay, lượng thông tin xấu, độc trên Internet và mạng xã hội ngày càng nhiều, vấn nạn tấn công mạng, mất an toàn thông tin như thư rác, mã độc tống tiền đang nhằm vào nhiều cơ quan, tổ chức doanh nghiệp tại Việt Nam, hiện đang gia tăng cả về số lượng và quy mô. Các nước châu Âu cũng đã và đang có nhiều quy định liên quan đến việc sử dụng Internet nhằm hạn chế những tác động tiêu cực, bảo vệ quyền riêng tư và ngăn chặn việc sử dụng Internet cho các mục đích phá hoại, khủng bố… Đối với các nhà cung cấp dịch vụ mạng viễn thông và mạng xã hội, EU cũng ban hành các biện pháp ngăn chặn được việc lợi dụng mạng xã hội để phát tán tin tức giả mạo và phá hoại./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Quan tâm mặt trái, an ninh thông tin, thông tin độc hại, những tác động tiêu cực về văn hóa xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO