Quảng Ngãi: Từng bước đưa hoạt động của cơ quan hành chính lên môi trường mạng
Nhằm phát triển chính quyền điện tử (CQĐT) hướng tới chính quyền số (CQS), tỉnh Quảng Ngãi đang từng bước đưa hoạt động của cơ quan hành chính lên môi trường mạng, thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ dựa trên công nghệ số và dữ liệu.
Cung cấp DVCTT dựa trên nhu cầu của người dân và doanh nghiệp
Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh Quảng Ngãi đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện "Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số (CĐS) quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ" (viết tắt là Đề án 06) đạt được một số kết quả quan trọng.
Quảng Ngãi đã thành lập Tổ Công tác Đề án 06 từ cấp tỉnh đến cấp xã và tại thôn/tổ dân phố đạt tỷ lệ 100%. Ngoài ra, các TTHC có liên quan đến sử dụng dữ liệu dân cư quốc gia đã được rà soát. Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành nghị quyết giảm 50% mức thu phí, lệ phí khi tổ chức, cá nhân thực hiện các TTHC thông qua dịch vụ công trực tuyến (DVCTT);...
Những hoạt động trên đã góp phần quan trọng vào công tác CĐS quốc gia, xây dựng CQĐT, hình thành CQS, hiện đại hóa nền hành chính của địa phương, hướng tới phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN) ngày càng tốt hơn.
Việc phát triển CQĐT hướng tới CQS tỉnh Quảng Ngãi đang từng bước đưa hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước lên môi trường mạng, thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ dựa trên công nghệ số và dữ liệu, cho phép người dân và DN cùng tham gia vào quá trình cung cấp dịch vụ.
Tỉnh cũng ưu tiên cung cấp DVCTT dựa trên nhu cầu của người dân và dDN. Định hướng mở dữ liệu để người dân, DN và tổ chức khác tham gia một cách phù hợp vào hoạt động của cơ quan nhà nước (CQNN), tương tác với CQNN để cùng tăng cường minh bạch, nâng cao chất lượng dịch vụ, cùng giải quyết vấn đề và cùng tạo ra giá trị cho xã hội.
Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 96 ngày 28/4 về việc nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp DVCTT của tỉnh Quảng Ngãi năm 2023. Theo đó, kế hoạch đề ra mục tiêu cụ thể gồm 100% TTHC đủ điều kiện được cung cấp dưới hình thức DVCTT toàn trình; thanh toán trực tuyến tăng 10% so với năm 2022; 50% hồ sơ TTHC được người dân, DN thực hiện trực tuyến từ xa; 100% TTHC được tiếp nhận và thực hiện trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh; 80% DVCTT một phần và toàn trình có phát sinh hồ sơ trực tuyến; 100% cán bộ, công chức viên và người lao động biết sử dụng DVCTT; số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực đối với kết quả thuộc thẩm quyền cấp tỉnh đạt 70%, cấp huyện đạt 60%, cấp xã đạt 55%.
Để thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tăng cường truyền thông về lợi ích của DVCTT để người dân, để người dân hiểu rõ hơn. Cán bộ Đảng viên, công chức, viên chức học sinh, sinh viên đi đầu trong công tác đăng ký tài khoản định danh. Nhà nước và DN cùng vào cuộc hỗ trợ kỹ năng trình độ sử dụng máy tính, hỗ trợ điểm truy cập Internet,… Các CQNN có thẩm quyền có nhiệm vụ theo dõi đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch này một cách hiệu quả.
Ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong hoạt động hành chính
Theo Kế hoạch triển khai thực hiện phát triển CQĐT hướng đến CQS tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được UBND tỉnh ban hành, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Quảng Ngãi sẽ thực hiện ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong hoạt động hành chính, bảo đảm các giao dịch hành chính, dịch vụ công, xử lý công việc trên môi trường mạng, cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu phát triển CQĐT và hình thành CQS.
Để đẩy mạnh các hoạt động số hóa ngay từ các cấp cơ sở, mới đây Trung tâm công nghệ Thông tin và Truyền thông (Sở TT&TT) đã phối hợp với Văn phòng huyện Trà Bồng tổ chức tập huấn sử dụng CNTTn, hướng dẫn thực hành cập nhật, chỉnh sửa thông tin và thủ tục hành chính cho cán bộ, công chức của 16 xã, thị trấn trên địa bàn.
Các học viên được hướng dẫn thực hành trực tiếp trên máy tính các thao tác căn bản để cập nhật, chỉnh sửa Trang thông tin điện tử của đơn vị như: cách tạo mục tin, đăng tin bài; cập nhật TTHC; cách đăng tải các video hướng dẫn thực hiện TTHC; các bước để cập nhật banner trên, banner ngang, banner bên phải; hướng dẫn tạo video, hình ảnh và các bước tạo thông tin chân trang,…
Những kỹ năng này nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Trang thông tin điện tử của các xã trên địa bàn huyện.
Đối với việc tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án 06 trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các đơn vị xác định rõ ý nghĩa, tầm quan trọng, tính cấp bách của Đề án 06 trong giai đoạn hiện nay là phục vụ giải quyết TTHC và cung cấp DVCTT, nhất là thực hiện các dịch vụ công thiết yếu.
Ngoài ra, tỉnh cũng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ công dân số, hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư. Đặc biệt, các công tác cần xác định mục tiêu lấy sự hài lòng của người dân là thước đo chủ yếu đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh…/.