Ảnh minh họa
Quảng Ninh là tỉnh có nhiều ngành công nghiệp nặng như: Khai thác than, khai thác đá, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp đóng tàu, sản xuất xi măng, sản xuất điện, xây dựng, lắp máy... Đây là những ngành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNLĐ, BNN, đặc biệt là các vụ TNLĐ nghiêm trọng làm chết, bị thương, trong đó chủ yếu là ở các đơn vị thuộc ngành than.
Ý thức được vấn đề này, nhiều năm qua, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp đảm bảo ATVSLĐ, trong đó có chú trọng, đề cao và quan tâm tới công tác huấn luyện, thông tin tuyên truyền về ATVSLĐ.
Hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, pháp luật về ATVSLĐ luôn được thực hiện một cách thường xuyên, liên tục và có sự phối hợp tích cực giữa các sở, ban, ngành, địa phương và các tổ chức chính trị xã hội. Với hoạt động cao điểm là việc tổ chức triển khai thực hiện Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ - PCCN hàng năm (nay là Tháng hành động về ATVSLĐ). Công tác chỉ đạo, triển khai các hoạt động của Tuần lễ đã được thực hiện nề nếp, bài bản.
Hàng năm, Ban chỉ đạo Tuần lễ đều được kiện toàn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; xây dựng, ban hành Kế hoạch tổ chức Tuần lễ, triển khai đến tất cả các địa phương, các sở, ban, ngành và doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Ban chỉ đạo Tuần lễ của tỉnh và Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam chỉ đạo tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Tuần lễ và thao diễn kỹ thuật an toàn cấp cứu mỏ, phòng cháy, chữa cháy, cấp cứu người bị nạn, trình diễn mô hình cháy nổ khí mê tan trong hầm lò.
Công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú được thực hiện liên tục trong thời gian trước trong và sau Tuần lễ. Ngoài việc tuyên truyền thông qua báo hình, báo viết, hằng năm Ban chỉ đạo Tuần lễ của tỉnh đã tổ chức treo 70 băng rôn, 300 banner, tổ chức xe tuyên truyền lưu động trên dọc tuyến đường quốc lộ 18A, khu đông dân cư tại các địa bàn TP Hạ Long, TP Uông Bí, TP Cẩm Phả; phát hành tờ rơi, tranh và tài liệu tuyên truyền tới các cơ sở, doanh nghiệp.
Hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, pháp luật về ATVSLĐ cũng được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh quan tâm thực hiện, bằng các hình thức trực quan, sinh động, như: bằng tranh ảnh; phát video trên xe chở công nhân, tại các nhà giao ca; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu theo hình thức sân khấu hóa, thi an toàn - vệ sinh viên giỏi, thi viết, vẽ, sáng tác thơ, làm báo tường với chủ đề về ATVSLĐ vì hạnh phúc gia đình...
Hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ – PCCN, trong 5 năm (2011 - 2015), các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức treo 77.280 băng rôn và banner; phát hành 48.000 tờ rơi và 41.520 tranh, đầu sách, tài liệu tuyên truyền tới người lao động; tổ chức nhiều cuộc hội thảo về công tác ATVSLĐ và 264 cuộc thi tìm hiểu về ATVSLĐ – PCCN, thi an toàn vệ sinh viên giỏi.
Bên cạnh đó, công tác huấn luyện ATVSLĐ cũng được quan tâm thực hiện; nội dung, phương pháp huấn luyện từng bước được đổi mới, đa dạng, phong phú, đem lại hiệu quả cao hơn; tài liệu, giáo trình được biên soạn theo chương trình khung và phù hợp với từng ngành nghề, công việc, đối tượng được huấn luyện. Các văn bản pháp luật về an toàn vệ sinh lao động được cập nhật kịp thời; triển khai, hướng dẫn, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh để các cơ sở nắm bắt, tổ chức thực hiện theo quy định.
Hệ thống máy móc, thiết bị như: máy chiếu, máy tính, mô hình... được trang bị đầy đủ để phục vụ cho công tác giảng dạy, huấn luyện. Hiện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) có 6 cán bộ chuyên môn kỹ thuật thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, huấn luyện ATVSLĐ. Trong 3 năm 2014 - 2016, Sở đã tổ chức huấn luyện 97 lớp cho 5.232 người tại 674 doanh nghiệp, đơn vị cơ sở; trong đó có: 2.445 người sử dụng lao động, cán bộ quản lý, cán bộ ATVSLĐ; 2.787 người lao động làm nghề nặng nhọc, độc hại nguy hiểm và người làm nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.
Công tác huấn luyện ATVSLĐ ngày càng được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh quan tâm. Việc huấn luyện, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, chỉ huy sản xuất tập trung vào kỹ năng kiểm soát, đánh giá rủi ro, nhận diện các nguy cơ mất an toàn và biện pháp xử lý, còn huấn luyện cho công nhân tập trung vào các thao tác, kỹ năng làm việc, xử lý tình huống, phối hợp trong tổ, nhóm theo phương pháp “cầm tay, chỉ việc”.
Hiện nay, các doanh nghiệp, cơ sở đã tổ chức huấn luyện ATVSLĐ theo quy định tại Thông tư số 27, ngày 18/10/2013 của Bộ LĐTBXH. Đối với công nhân mới tuyển dụng được huấn luyện theo 3 bước (bước 1 tại công ty, bước 2 tại công trường, phân xưởng và bước 3 được giao cho thợ bậc cao kèm cặp tại tổ sản xuất). Đối với các đơn vị ngành khai khoáng, sau khi lập, duyệt các thiết kế, quy trình, biện pháp kỹ thuật thi công, kế hoạch ứng cứu sự cố, tìm kiếm cứu nạn thì đều được phổ biến, huấn luyện đến người lao động; các đơn vị khai thác hầm lò tổ chức diễn tập kế hoạch ứng cứu sự cố, tìm kiếm cứu nạn, hướng dẫn người lao động các hành động an toàn và lối rút khi xảy ra từng loại tình huống sự cố khác nhau; thực hiện việc học lại ATVSLĐ khi vi phạm quy trình kỹ thuật hoặc để xảy ra TNLĐ. Theo báo cáo, trong giai đoạn 2014 - 2016, các doanh nghiệp, cơ sở đã tổ chức huấn luyện cho 440.578 lượt người với tổng chi phí lên đến gần 112 tỷ đồng.
Thực hiện chủ trương xã hội hóa, phát huy các nguồn lực đầu tư cho hoạt động dịch vụ huấn luyện ATVSLĐ, từ năm 2014 đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 14 tổ chức (3 trường nghề, 2 Trung tâm, 9 doanh nghiệp) được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ huấn luyện an toàn. Các tổ chức huấn luyện đều đảm bảo về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên theo quy định. Với tổng số giảng viên huấn luyện là 510 người; 506 phòng huấn luyện lý thuyết và 127 nhà xưởng thực hành. Các tổ chức huấn luyện đã phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong việc huấn luyện kiến thức kỹ thuật an toàn chuyên ngành và hướng dẫn thực hành cho người lao động.
Trong 3 năm 2014 - 2016, các tổ chức huấn luyện trên địa bàn tỉnh đã tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho 127.108 lượt người của 1.726 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Trong đó, 4.200 người làm công tác quản lý; 5.226 người làm công tác ATVSLĐ; 86.368 người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; 30.748 người lao động không thuộc các nhóm trên…
Có thể nói các hoạt động thông tin, tuyên truyền, huấn luyện ATVSLĐ đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị về công tác ATVSLĐ. Qua đó các doanh nghiệp đã tích cực cải thiện điều kiện làm việc, môi trường lao động; xây dựng văn hóa về an toàn lao động; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn TNLĐ, BNN, phòng chống cháy nổ; bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người lao động, tài sản của Nhà nước, tài sản của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa quan tâm đúng mức đến công tác ATVSLĐ; nhiều người lao động còn thờ ơ, chưa tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ nên tình trạng TNLĐ vẫn liên tiếp xảy ra và có xu hướng gia tăng. Theo số liệu báo cáo của Sở LĐTBXH, trong năm 2016, toàn tỉnh đã xảy ra 563 vụ TNLĐ làm 587 người bị nạn; trong đó có 34 người chết và 341 người bị thương nặng. So với năm 2015, tổng số vụ TNLĐ tăng 122 vụ; tổng số nạn nhân tăng 132 người; số người chết tăng 01 người; số người bị thương nặng tăng 88 người. Chi phí thiệt hại do TNLĐ là 14,43 tỷ đồng; tổng số ngày nghỉ do TNLĐ là 30.442 ngày.
Nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động gắn liền với mục tiêu phát triển bền vững, thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền những quy định của pháp luật về ATVSLĐ, đồng thời tăng cường các hoạt động tập huấn, huấn luyện ATVSLĐ cho người sử dụng lao động và người lao động để cung cấp kiến thức, rèn luyện các kỹ năng, giúp người sử dụng lao động chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch, biện pháp ATVSLĐ và biết cách thực hành, xử lý những tình huống trong thực tiễn. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với doanh nghiệp vi phạm về ATVSLĐ. Điều quan trọng nhất là người sử dụng lao động và người lao động cần chủ động, tích cực thực hiện các quy định về ATVSLĐ, đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe của người lao động và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.