Quảng Ninh đẩy mạnh cung cấp DVCTT
Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Quảng Ninh đặc biệt tập trung ứng dụng CNTT vào công tác cải cách hành chính, trọng tâm là ứng dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) vào giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) nhanh, chính xác và tiện lợi nhất.
Quảng Ninh: mô hình tiêu biểu về cung cấp DVCTT
Cung cấp DVCTT là một trong những nội dung quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính và phát huy hiệu quả mô hình chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, DVCTT đã góp phần nâng cao hiệu quả, tạo sự tiện lợi trong giải quyết TTHC cho tổ chức, doanh nghiệp (DN) và người dân. Đến nay, 100% TTHC tại Quảng Ninh đủ điều kiện được cung cấp DVCTT mức độ 4 (1.387 thủ tục, chiếm 78% tổng số TTHC).
Thực hiện Nghị định số 42/2022/NĐ-CP, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 3744/QĐ-UBND ngày 20/12/2022 ban hành danh mục các TTHC cung cấp DVCTT toàn trình, DVCTT một phần trên Cổng dịch vụ công tỉnh Quảng Ninh, trong đó tỉnh cung cấp 1.017 DVCTT toàn trình (đạt 100% TTHC đủ điều kiện) và 445 DVCTT một phần.
Tính đến ngày 17/12/2022, tổng số hồ sơ nộp và giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ TTHC của tỉnh Quảng Ninh đạt tỷ lệ 74,7% (445.103/595.855) tăng 25% so với năm 2021, vượt mục tiêu 50% nêu tại Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022 (Quyết định số 27/QĐ-UBQGCĐS ngày 15/3/2022).
Tổng thuế, phí, lệ phí được thanh toán qua cổng quốc gia từ tháng 9/2022 đến nay đạt trên 174 tỷ đồng, trung bình mỗi tháng nộp qua nền tảng thanh toán của Cổng DVCQG gần 50 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ trên 30%).
Cổng dịch vụ công của tỉnh Quảng Ninh là cổng dịch vụ công thứ 2 trong toàn quốc được công bố, công khai kết quả giải quyết TTHC từ cấp tỉnh đến cấp xã trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ (http://chinhphu.vn), người dân có thể tra cứu quá trình giải quyết hồ sơ thông qua mã biên nhận.
Nhân rộng cách làm hay, sáng tạo
Trước năm 2012, việc cung cấp DVCTT của tỉnh Quảng Ninh được thực hiện phân tán; từ ngày 01/7/2016, tỉnh đã triển khai và vận hành chính thức Hệ thống cung cấp DVCTT của tỉnh tại địa chỉ http://dichvucong.quangninh.gov.vn, tập trung, thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp xã để cung cấp DVCTT cho người dân, DN.
Hiện tại, Tỉnh đang nâng cấp Cổng dịch vụ công của Tỉnh để bảo đảm cung cấp DVCTT cho người dân, DN qua các thiết bị di động thông minh và dự kiến hết quý 1/2023 sẽ hoàn thành việc nâng cấp này. Năm 2022, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cũng đã làm việc với Zalo để thiết lập 177 trang Zalo cho 177 xã, phương, thị trấn nhằm cung cấp thêm kênh cung cấp thông tin và DVCTT (trong đó có hướng dẫn thực hiện và tra cứu DVCTT).
Với đặc thù là một tỉnh có biên giới, có hải đảo, có miền núi, vùng sâu, vùng xa và có tốc độ đô thị hóa đang dẫn đầu cả nước với tỷ lệ 67,5%, trong 3 năm trở lại đây, đặc biệt là năm 2022, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện quyết liệt, bài bản nhiệm vụ phủ lõm sóng di động và cáp quang băng rộng. Kết quả là năm 2022, Tỉnh đã xóa được 163 thôn lõm sóng, hoàn thành 100% kế hoạch; hạ tầng viễn thông băng rộng (di động, cố định) phủ sóng 99,85% thôn, xóm, bản…; tỷ lệ thuê bao băng rộng di động/100 dân đạt 88,9%. Tỷ lệ hộ gia đình có kết nối cáp quang đạt 85%. Tỷ lệ dân số có điện thoại di động thông minh/tổng thuê bao toàn tỉnh chiếm 70,9%.
Trong năm 2022, được sự hỗ trợ của Bộ TT&TT, tỉnh Quảng Ninh đã có thỏa thuận hợp tác với 7 DN cung cấp chữ ký số công cộng cho người dân với nhiều chính sách ưu đãi và thí điểm cấp phát miễn phí chữ ký số cho người dân ở 2 phường trung tâm của thành phố Móng Cái để bảo đảm cho người dân và DN thực hiện DVCTT toàn trình. Hiện nay, đã kết nối, tích hợp thành công chữ ký số công cộng do VNPT và Viettel cung cấp vào hệ thống Cổng dịch vụ công và sẽ triển khai đối với 5 DN còn lại trong năm 2023.
Tỉnh cũng luôn chú trọng đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin tại các Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh/huyện và bộ phận một cửa điện tử cấp xã; tổ chức đào tạo, tập huấn thường xuyên cho đội ngũ cán bộ giải quyết TTHC. UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 2722/QĐ-UBND ngày 23/9/2022 về việc giao chỉ tiêu hồ sơ giải quyết trực tuyến cho các Sở, Ban, ngành UBND các huyện, thị xã, thành phố năm 2022 trên địa bàn tỉnh. Trong Quyết định này, UBND tỉnh giao chỉ tiêu cụ thể đến hết năm 2022 cho từng cơ quan, đơn vị gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.
Cũng trong năm 2022, thực hiện hướng dẫn của Bộ TT&TT về triển khai thí điểm tổ công nghệ số cộng đồng. Đây là lực lượng cốt lõi để phổ biến đến từng hộ gia đình tài liệu hướng dẫn sử dụng DVCTT toàn trình do Sở TT&TT phối hợp các đơn vị xây dựng, biên soạn (gồm video, Inforgaphic…) theo hướng đơn giản nhất, dễ hiểu nhất để người dân khi cần có thể tham khảo, tự làm được.
Từ tháng 5/2022, tỉnh Quảng Ninh đã chính thức kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đang khai thác, sử dụng tối đa nhóm 25 dịch vụ công thiết yếu. Bên cạnh đó, Tỉnh đã thực hiện kết nối với 7 cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành để phục vụ đắc lực cho DVCTT. Tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện số hóa hồ sơ TTHC ngay từ khâu tiếp nhận gắn với bóc tách dữ liệu để tái sử dụng ở các Trung tâm phục vụ hành chính công và năm 2023 triển khai đến bộ phận một cửa điện tử cấp xã./.