Quy định chống thư rác tại Việt Nam

03/11/2015 22:36
Theo dõi ICTVietnam trên

Thư rác ngày nay không chỉ nhằm mục đích quảng bá sản phẩm và dịch vụ để thu lợi nhuận, mà nó còn được xem như là một mối đe dọa nghiêm trọng hơn, khi bị tội phạm sử dụng nhằm lây lan mã độc (virus, worm, trojan) hay lừa đảo tiền của người nhận.

Việt Nam hiện đã có Nghị định về Chống thư rác. Trong Luật Công nghệ thông tin, Nghị định 90/2008/NĐ-CP năm 2008 đã đưa ra định nghĩa về thư rác. Tuy vậy, chúng ta mới đề cập đến thư điện tử và tin nhắn điện thoại. Hiện tại chúng ta đang tập trung vào giải quyết việc tin nhắn được gửi từ các số điện thoại thuê bao trả trước mà không xác định được người sở hữu các số điện thoại này. Tuy nhiên, đây không phải phạm vi điều chỉnh chính của Nghị định 90, cũng như Nghị định 77/2012/NĐ-CP năm 2012. Nghị định về chống thư rác hiện tại mới chỉ tập trung vào quy định quản lý các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ gửi tin nhắn, dịch vụ nội dung, mà không quản lý nguồn gốc phát ra các tin nhắn “rác”. Tuy Bộ Thông tin và Truyền thông được giao tiến hành xử phạt các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung trong việc gửi các tin nhắn rác, nhưng rất khó để chỉ đích danh đối tượng nào trực tiếp gửi và cũng khó có thể tịch thu được các tang vật dùng để gửi tin nhắn. Các quyết định xử phạt do vậy còn mang tính chất hình thức và chưa có tác dụng răn đe. Do số tiền nộp phạt quá nhỏ so với lợi nhuận thu được, nên các doanh nghiệp này vẫn lại tiếp tục vi phạm. Nếu chúng ta có thể điều tra đến đối tượng trực tiếp gửi để tiến hành xử phạt, cũng như tịch thu các phương tiện gửi thì tính răn đe, ngăn chặn sẽ tăng lên rất nhiều.

Thông tư 04/2012/TT-BTTT của Bộ TT&TT ngày 13/4/2012 về quản lý thuê bao di động trả trước đã áp dụng được một thời gian, tuy nhiên tính hiệu quả của nó chưa cao. Nguyên nhân chính do các cơ quan nhà nước chưa thực sự quản lý, kiểm tra chặt chẽ và lợi nhuận do các tin nhắn từ các thuê bao trả trước này rất lớn khiến các doanh nghiệp Viễn thông chậm triển khai các yêu cầu quy định trong Thông tư. Việc kiểm soát các thuê bao trả trước nếu thực hiện chặt chẽ, thì vấn đề gửi tin nhắn rác sẽ giảm rất nhanh chóng.

Trong Luật Công nghệ thông tin đã định nghĩa “Thư rác là thư điện tử, tin nhắn được gửi đến người nhận mà người nhận đó không mong muốn hoặc không có trách nhiệm phải tiếp nhận theo quy định của pháp luật”. Nếu xem các tin nhắn mà người dùng không mong muốn nhận là tin nhắn rác, thì rõ ràng đây là một định nghĩa chưa chuẩn xác, do việc người dùng không muốn nhận chỉ là một trong các tiêu chí để xác định đó là tin nhắn rác. Chính vì lý do này, gần như tất cả các nước không định nghĩa tin nhắn rác mà điều chỉnh các quy định cho việc gửi tin nhắn. Tất cả các hành vi vi phạm quy định gửi tin nhắn sẽ được xem là gửi tin nhắn “rác”.
Việc tiếp cận theo hướng này sẽ mang lại nhiều lợi ích: Đảm bảo quyền tự do của người dân, đồng bộ với luật chống Spam của thế giới và nhiều vấn đề phức tạp khi xử lý sau này. Do đó, những nội dung quy định về chống Spam trong dự thảo Luật An toàn thông tin theo cách thức tiếp cận của thế giới là không định nghĩa về Spam, mà điều chỉnh các quy định về gửi đi thông điệp điện tử, có đưa vào khái niệm là Thông điệp điện tử (electronic message) bao gồm tin nhắn SMS, tin nhắn MMS, thư điện tử, tin nhắn tức thời, tin nhắn có chứa âm thanh và các loại hình tương tự và sẽ đưa ra quy định cho việc gửi các thông điệp điện tử này.

Theo một báo cáo thống kê của ITU, yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của một văn bản pháp luật về chống thư rác là việc tăng cường hợp tác và hỗ trợ giữa cơ quan phòng chống thư rác và các doanh nghiệp viễn thông, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin… phải có sự tham gia tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp thì công tác phòng chống thư rác mới có kết quả.

Thêm vào đó, chi phí cho việc điều tra nguồn gốc phát tán cũng quyết định sự thành công của pháp luật về chống thư rác. Nếu chi phí quá lớn thì việc thực thi sẽ rất khó khăn. Nhiều Luật về chống thư rác trên thế giới từ khi ban hành cũng chỉ xử lý được một vài vụ gửi thư rác do chi phí quá lớn. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cách thức tiếp cận của luật Spam phải quy định như thế nào để chi phí cho điều tra tìm nguồn gốc phát tán thư rác giảm thiểu thì áp dụng mới có hiệu quả. Nếu chi phí điều tra cao, thời gian kéo dài thì tính khả thi của các Luật đó đều rất hạn chế khi đi vào thực tế. 

Tại Việt Nam, trong tương lai gần thì mục tiêu của việc chống Spam sẽ chuyển từ dạng tin nhắn điện thoại sang thư điện tử, tin nhắn điện tử, khi đó cuộc chiến chống lại thư rác mới thực sự khó khăn và phức tạp. Bởi vậy, chúng ta cần có các khung pháp lý và các công cụ hỗ trợ kỹ thuật đủ mạnh để phát hiện, điều tra và phối hợp (trong nước và quốc tế) nhằm xử lý tại nguồn gốc các vấn đề.

Tổ Thường trực Luật An toàn thông tin

(Nguồn antoanthongtin.vn)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Quy định chống thư rác tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO