Quyền riêng tư trong hiến pháp năm 2013 và các biện pháp bảo đảm bằng pháp luật (P2)

03/11/2015 20:48
Theo dõi ICTVietnam trên

Bảo đảm quyền con người, quyền riêng tư là quá trình thúc đẩy công bằng và thực thi pháp luật, củng cố Nhà nước pháp quyền, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, làm tăng tính hiệu quả và minh bạch, trách nhiệm của cơ quan nhà nước.


2.2.Một số hạn chế về pháp luật và thực tiễn trong việc đảm bảo quyền riêng tư

Với mong muốn, xã hội ngày càng phát triển thì quyền con người, đặc biệt là quyền riêng tư ngày càng được bảo vệ tốt hơn song thực tế cho thấy, bên cạnh những nỗ lực không mệt mỏi của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền công dân thì mặt trái của sự phát triển đang tác động, xâm phạm trắng trợn và nghiêm trọng tới quyền riêng tư của con người. Ví dụ, lợi dụng công nghệ cao, một cá nhân cũng có thể xâm phạm quyền riêng tư của hàng triệu người, hay chỉ với một cú "click chuột" cả hàng ngàn trang tài liệu về thông tin riêng cá nhân có thể phơi bày cho toàn thế giới biết. Khi vào các trang công cụ tìm kiếm gõ những cụm từ "xâm phạm đời tư", "nghe lén", "nghe trộm" có thể cho ra hàng ngàn kết quả chi tiết về những vụ việc xâm phạm đời tư trên toàn thế giới. Việt Nam chúng ta cũng không phải là ngoại lệ.

Liên quan tới lĩnh vực thông tin và truyền thông, khi đề cập đến quyền riêng tư, chúng ta thường nghĩ ngay đến các vấn đề sau:

Thông tin trên báo chí

Với hệ thống báo chí khá hoàn chỉnh từ Trung ương đến địa phương, báo chí Việt Nam đã làm tốt vai trò, trách nhiệm là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và là diễn đàn của nhân dân. Báo chí đã khẳng định được vai trò, vị trí ảnh hưởng to lớn của mình đối với xã hội; là kênh thông tin quan trọng giúp Chính phủ điều hành kinh tế - xã hội và thể hiện tầm quan trọng trong việc đảm bảo quyền con người, đảm bảo nhu cầu thông tin cơ bản của người dân. Tuy nhiên, với sự phát triển không ngừng của xã hội và sự bùng nổ thông tin, một số tờ báo có biểu hiện xa rời tôn chỉ, mục đích hoạt động, chạy theo lợi nhuận, trào lưu thị hiếu lệch lạc, trở thành phương tiện thông tin sai sự thật, xâm phạm và phát tán thông tin đời tư cá nhân một cách bất hợp pháp để thu hút độc giả, đã làm ảnh hưởng không tốt đến uy tín nghề báo. Chúng ta có thể dễ dàng thấy rõ trên các mặt báo, những thông tin về đời tư, nhất là "scandal" của người nổi tiếng xuất hiện với tần suất khá dày đặc; trong đó, có không ít thông tin là sai sự thật và không được sự đồng ý của người được đưa tin. Nhiều vụ việc bị can chưa bị kết tội bởi bản án có hiệu lực pháp luật của Toà án thì báo chí đã kết tội họ trước rồi. Vì thế, có lúc dư luận nghi ngại báo chí tự phong chức vị cho mình "đứng trên" cả pháp luật.

Báo chí với tư cách là một loại hình truyền thông đại chúng, có khả năng công khai hoá và xã hội hoá thông tin. Nhà báo có khả năng và trách nhiệm nghề nghiệp để tìm hiểu, điều tra và công bố sự thật vì quyền lợi của công chúng. Sự thật đó đôi khi liên quan đến thông tin cá nhân, riêng tư và bí mật của một số cá nhân cụ thể. Việc công khai thông tin và buộc các cá nhân phải minh bạch, chịu trách nhiệm trước xã hội về hành vi của mình là một phần quan trọng trong trách nhiệm của nhà báo. Nói như thế không có nghĩa là nhà báo, phóng viên được quyền khai thác và công khai mọi thông tin cá nhân. Một nhà báo có văn hoá nghề nghiệp sẽ luôn đặt ra câu hỏi: Có nên hay không nên công bố thông tin riêng tư? Việc công bố thông tin riêng tư đó có ảnh hưởng như thế nào đến các nhân vật liên quan? Suy cho đến cùng, việc công bố thông tin đó có vì quyền được biết và quyền lợi của công chúng hay không?

Vấn đề an toàn thư tín

Để đảm bảo hoạt động bưu chính chuyển phát thư tín phục vụ tốt cho người dân thời gian qua, ngành thông tin và truyền thông đóng vai trò, vị trí quan trọng và đã có rất nhiều nỗ lực đáng ghi nhận. Ngành thông tin và truyền thông luôn quán triệt và nghiêm túc thực hiện các quy định về đảm bảo quyền bí mật đời tư của cá nhân, trong đó có việc đảm bảo an toàn về thư tín của công dân, đảm bảo quyền bí mật thư tín được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

Đối với thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân, nếu không thuộc trường hợp pháp luật có quy định và không có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì không ai có quyền kiểm soát, xâm phạm nội dung các thư tín đó. Tuy nhiên, xâm phạm, bóc mở thư tín trái phép, gây thất lạc thư tín của công dân (cả thư thường lẫn thư điện tử, điện thoại) vẫn đang diễn ra phức tạp. Điều đó cho thấy, nhu cầu bảo mật đối với các hình thức chuyển tải thông tin riêng tư được đặt ra và cần được pháp luật bảo vệ.

Sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng viễn thông, Internet

Thế giới đang chứng kiến và thụ hưởng những thành tựu to lớn của cuộc cách mạng công nghệ thông tin khiến cho các ngành kinh tế, xã hội và văn hoá hoàn toàn phụ thuộc vào công nghệ. Mạng Internet trở thành môi trường cung cấp, chia sẻ, trao đổi, khai thác sử dụng thông tin cho mọi người dân; là kho tàng tri thức vô giá của nhân loại được tích lũy cùng với sự phát triển, được lưu trữ và cung cấp cho cộng đồng.

Ở Việt Nam, hoạt động quản lý, khai thác mạng viễn thông, Internet, vệ tinh, cáp quang biển đạt hiệu quả cao, cung cấp dịch vụ có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Ứng dụng công nghệ thông tin trong đời sống xã hội được đẩy mạnh, bước đầu đạt kết quả tốt. Quyền tự do thông tin theo đó được mở rộng cũng tạo điều kiện cho các quyền con người khác phát triển...

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, mặt tiêu cực của sự phát triển công nghệ đang hiện hữu, tác động đến đời sống con người, như: Vi phạm quyền con người cũng trở nên dễ dàng hơn, đặc biệt các quyền liên quan đến bí mật đời tư, bí mật thư tín, danh dự, nhân phẩm, quyền tác giả...; sự can thiệp trái phép vào hệ thống mạng, khai thác, sử dụng thông tin riêng cá nhân phục vụ cho mục đích xấu trở nên nguy hiểm hơn cho xã hội và có tính lây lan nhanh. Bí mật đời tư là quyền cá nhân được pháp luật bảo vệ, song trong thực tiễn cuộc sống cho thấy, bí mật đời tư vẫn có thể được khai thác khi chưa có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (tình trạng nghe trộm, nghe lén điện thoại, giả mạo thư điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức để lấy cắp thông tin cá nhân... ) gây tâm lý bất an cho mọi người. Liên tiếp có những vụ việc truy cập trái phép vào mạng Internet, mạng cơ quan, tổ chức để thu thập thông tin trái phép, phát tán những hình ảnh nhạy cảm riêng tư của cá nhân, thông tin sai sự thật về đời tư... gây ra những hậu họa khôn lường; các thiết bị, phần mềm nghe trộm được nhập lậu, không có tem hợp chuẩn rao bán sử dụng công khai tiềm ẩn nhiều hệ lụy. Thông tin bôi nhọ, thông tin đời tư lan truyền rất nhanh qua mạng, song việc phát hiện người vi phạm pháp luật trên không gian mạng toàn cầu lại rất khó khăn do vượt ra khỏi khuôn khổ pháp lý và địa lý của một nước.

Nguyên nhân chính của những hạn chế nêu trên là:

-Các quy định của pháp luật về quyền riêng tư còn mang nặng tính nguyên tắc, khái quát và hình thức hơn là tính thực tiễn; còn nhiều bất cập, chồng chéo và thiếu cơ chế pháp lý cụ thể để bảo đảm quyền riêng tư. Khái niệm "bí mật đời tư" và “quyền bí mật đời tư" trong Bộ luật Dân sự năm 2005 chưa được hướng dẫn, giải thích rõ ràng nên có nhiều cách hiểu khác nhau khi chứng minh, xác định một vụ việc xâm phạm đời tư; ranh giới xâm phạm đời tư và thông tin báo chí phục vụ số đông đại chúng hết sức mong manh.

-Chế tài xử lý hành vi xâm phạm quyền riêng tư nhìn chung còn nhẹ, nghiêng về xử lý hành chính nên ít mang tính răn đe, giáo dục. Một bộ phận người có kiến thức chuyên môn cao về công nghệ thích khám phá nên vô tình hoặc cố tình xâm nhập trái phép qua mạng để khai thác, sử dụng thông tin riêng cá nhân cho mục đích vụ lợi, kể cả một số nhà báo, phóng viên biến chất sử dụng thông tin riêng cá nhân để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, tống tiền... gây bất bình trong dư luận. Bên cạnh đó, cũng phải nói đến tình trạng một số người thích khoe bản thân, tự phơi bày sự riêng tư của mình mà không biết hoặc không có biện pháp tự bảo vệ để những kẻ cơ hội lợi dụng.

3.ĐỀ XUẤT CÁC BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM QUYỀN RIÊNG TƯ TRONG THỜI GIAN TỚI

Bảo đảm quyền con người, quyền riêng tư là quá trình thúc đẩy công bằng và thực thi pháp luật, củng cố Nhà nước pháp quyền, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, làm tăng tính hiệu quả và minh bạch, trách nhiệm của cơ quan nhà nước. Để bảo đảm quyền riêng tư của công dân trong bối cảnh đẩy mạnh đổi mới, mở rộng giao lưu, hội nhập quốc tế, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện các biện pháp sau:

-Thứ nhất, hoàn chỉnh và cụ thể hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quyền con người, quyền công dân trong đó có quyền riêng tư. Để phát huy quyền con người, quyền công dân được hiến định trong Hiến pháp năm 2013 thì vấn đề cụ thể hóa liên quan đến rất nhiều luật, trong đó nghiên cứu, cân nhắc đề xuất ban hành một văn bản luật chung để điều chỉnh quyền riêng tư của công dân; sửa đổi Bộ luật hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Báo chí...

-Thứ hai , phải tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu quả của các kênh thông tin, thường xuyên nghiên cứu đổi mới hình thức, nội dung, phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền con người; tăng cường tuyên truyền cho nhân dân nắm được quyền của mình để giám sát Nhà nước thực hiện, giúp người dân biết cách tự bảo vệ quyền riêng tư của mình.

-Thứ ba,  Nhà nước cần có cơ chế tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia vào môi trường thông tin mở nhưng vẫn phải đảm bảo nguyên tắc bảo vệ quyền bí mật đời tư của công dân. Để quyền riêng tư của người dân được đảm bảo thực thi trong thực tiễn, cần phải có cơ chế, quy chế phối hợp, theo dõi, đánh giá và giám sát việc thực hiện quyền bí mật đời tư.

-Thứ tư, tiếp tục thực hiện tốt các nghĩa vụ với cộng đồng quốc tế, cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế cũng như bảo vệ quyền lợi của đất nước trong các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ quyền con người, qua đó nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

-Thứ năm ,  trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, cần phát triển hợp lý các loại hình thông tin đi đôi với quản lý tốt; ngăn chặn hiệu quả mọi thông tin sai trái, ảnh hưởng đến sự ổn định, phát triển bền vững của đất nước và các thông tin có tác động tiêu cực đến xã hội, xâm phạm quyền riêng tư công dân. Rà soát, chấn chỉnh tình trạng cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ, mục đích và không chấp hành nghiêm luật pháp, nhất là Luật Báo chí đối với việc đảm bảo quyền riêng tư; thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao đạo đức đội ngũ người làm báo. Phối hợp thực thi có hiệu quả việc đảm bảo an toàn an ninh mạng, an toàn thư tín, tăng cường bảo mật đối với các hình thức chuyển tải thông tin riêng tư; kịp thời đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các hành vi tấn công mạng, thu thập trái phép thông tin cá nhân trên mạng./.

Tài liệu tham khảo

[1].Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền năm 1948.
[2].Công ước quốc tế về Quyền dân sự và chính trị năm 1966.
[3].Công ước Nhân quyền châu Âu năm 1950.
[4].Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1946.
[5].Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001).
[6].Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.

Đinh Tiến Dũng

(TCTTTT Kỳ 1/6/2014)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Quyền riêng tư trong hiến pháp năm 2013 và các biện pháp bảo đảm bằng pháp luật (P2)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO