Quyết liệt thực hiện ngừng phát sóng truyền hình analog đúng tiến độ

Lan Phương| 12/06/2019 09:09
Theo dõi ICTVietnam trên

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) Phạm Hồng Hải đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh các công tác chuẩn bị ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất (ATV) tại các tỉnh trong năm 2019 và tiến tới ngừng hoàn toàn vào cuối năm 2020 theo đúng lộ trình.

Ngày 11/6/2019, tại Hà Nội, Bộ TTTT đã tổ chức phiên họp của Tiểu ban giúp việc Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam. Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Hồng Hải, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo đã chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp còn có thành viên của Tổ giúp việc gồm đại diện các Bộ, ngành liên quan, đại diện một số đài truyền hình, công ty truyền dẫn phát sóng, đại diện các địa phương và một số đơn vị chức năng của Bộ TTTT.

Thứ trưởng Phạm Hồng Hải chủ trì phiên họp

Tại phiên họp, Cục Tần số Vô tuyến điện (VTĐ) thuộc Bộ TTTT, đơn vị thường trực Ban chỉ đạo đã báo cáo việc rà soát công tác chuẩn bị ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại các tỉnh nhóm II và III trong năm 2019.

Theo đó, 12 tỉnh nhóm III gồm Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng, Ninh Thuận sẽ ngừng phát sóng ATV (analog television) đối với các trạm phát sóng chính từ 24 giờ ngày 30/6/2019, và từ 24 giờ ngày 31/12/2019 đối với các trạm phát lại.

09 tỉnh Nhóm II gồm Quảng Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hoà sẽ ngừng phát sóng ATV đối với các trạm phát lại từ 24 giờ ngày 30/09/2019.

Về phát sóng truyền hình số mặt đất (DVB-T2) và truyền tải kênh thiết yếu tại 12 tỉnh nhóm III, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã phủ sóng DVB-T2 cho 12 tỉnh gồm: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Lâm Đồng, Phú Yên, Ninh Thuận, truyền tải các kênh chương trình VTV1 đến VTV9 (gồm 05 kênh HD và 04 kênh SD) và 12 kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của 12 tỉnh nêu trên.

Về hỗ trợ đầu thu truyền hình số (STB), theo tiến độ, các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng, Ninh Thuận hoàn thành việc cung cấp lắp đặt, nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng tại hộ gia đình tối thiểu 70% khối lượng trước ngày 01/7/2019; hoàn thành 100% khối lượng hợp đồng trước ngày 16/7/2019.

Riêng tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, dự kiến hoàn thành 50% khối lượng hợp đồng vào ngày 30/6/2019. Hoàn thành 100% khối lượng hợp đồng trước ngày 16/7/2019.

Theo lộ trình số hoá, 15 tỉnh nhóm IV gồm Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cao, Yên Bái, Lạng Sơn, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắc Nông sẽ ngừng phát sóng ATV và chuyển đổi sang phát sóng truyền hình số mặt đất trước ngày 31/12/2020.

Theo kế hoạch, cho tới nay, VTV đã triển khai phát sóng DVB-T2 tại 03 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, và Kon Tum thuộc khu vực Tây Nguyên. Đối với các tỉnh nhóm IV còn lại, VTV đã có kế hoạch triển khai phủ sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2 tại các tỉnh gồm Bắc Kạn, Tuyên Quang, Yên Bái, Lạng Sơn, Hòa Bình, Đắk Nông trong giai đoạn 2019 - 2020 (công văn số 115/TDPS-KT ngày 18/3/2019).

VTC đã triển khai phát sóng DVB-T2 tại tỉnh Sơn La. Tại khu vực Tây Nguyên, Công ty SDTV đã được cấp phép cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất tại Đắk Lắk, Đắk Nông. Tuy nhiên, tại khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, hiện chưa có doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất tham gia cung cấp dịch vụ.

Toàn cảnh phiên họp

Theo ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Tần số VTĐ, Cục đã hoàn thành việc tính mô phỏng vùng phủ sóng truyền hình mặt đất tại các tỉnh nhóm IV và đang trong quá trình phối hợp với các tỉnh để rà soát và xác định vùng hỗ trợ STB. Dự kiến tháng 7/2019 sẽ ra kế hoạch hỗ trợ đầu thu cho 15 tỉnh nhóm IV.

Sau khi nghe các doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng báo cáo thêm về công tác mở rộng vùng phủ sóng số và đại diện Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử báo cáo về công tác thông tin tuyên truyền, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cho biết việc rà soát các công việc thực hiện triển khai Đề án số hóa truyền hình mặt đất là cần thiết. Đến thời điểm này các công việc đã diễn ra thuận lợi, các đơn vị đã triển khai tốt các công việc phải làm.

Đề án Số hóa truyền hình Việt Nam này là một đề án lớn, mặc dù trong quá trình triển khai có nhiều nội dung chi tiết, nhưng việc triển khai cho đến nay đã thành công. Có nhiều yếu tố đóng góp cho thành công này, trong đó phải kể đến việc tích cực đầu tư để mở rộng vùng phủ sóng số, nguồn vốn từ Quỹ Viễn thông công ích được sử dụng để trang bị đầu thu số cho người dân.

“Không một đất nước nào triển khai số hóa truyền hình nhanh trong một giai đoạn ngắn với tiến độ đạt được như vậy”, Thứ trưởng khẳng định.

Trong giai đoạn tới phát huy tinh thần này, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị tham gia Đề án xem xét khắc phục những vấn đề còn tồn đọng cả về truyền dẫn phát sóng, hỗ trợ đầu thu, tuyên truyền… để Đề án đạt được tiến độ, bảo đảm hoàn thành giai đoạn cuối của Đề án.

Thứ trưởng cũng yêu cầu Tổ giúp việc rà soát các thời điểm ngừng phát sóng cận kề đối với các tỉnh nhóm II, III và hỗ trợ đầu thu.

Triển khai ngừng phát sóng theo giai đoạn IV là giai đoạn quan trọng đảm bảo đề án thành công. Phải quyết tâm triển khai đúng tiến độ, thậm chí xem xét đẩy tiến độ sớm hơn kế hoạch để đảm bảo không trượt tiến độ. Để triển khai thành công, việc hỗ trợ đầu thu phải có lịch cứng và kiên quyết làm theo. Sở, Ban ngành nào không đáp ứng lịch thực hiện hỗ trợ đầu thu thì để lại xem xét sau, chỉ hỗ trợ đầu thu cho các hộ gia đình đủ tiêu chuẩn.

Cục Tần số VTĐ xem xét làm việc với VTV về truyền dẫn phát sóng số ở 4 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Lạng Sơn, đây là những tỉnh hiện chưa có doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng nào có kế hoạch truyền dẫn phát sóng.

Việc triển khai Đề án còn liên quan đến quy hoạch tần số, cấp tần số cho các doanh nghiệp viễn thông phát triển 5G nên không được để xảy ra chậm tiến độ trong giai đoạn cuối của Đề án.

“Giai đoạn cuối của Đề án phải đảm bảo ngừng phát sóng ATV tại Việt Nam vào trước cuối năm 2020, tiền đề quan trọng cho nhiều chương trình, đề án phát triển viễn thông như 5G. Khi vùng phủ sóng số rộng, người dân và doanh nghiệp đều được hưởng lợi”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Quyết liệt thực hiện ngừng phát sóng truyền hình analog đúng tiến độ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO