Để đảm bảo cung ứng đầy đủ cho nhu cầu thị trường dịp Tết Nguyên đán năm nay cũng như góp phần bình ổn giá cả, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết các doanh nghiệp đã chuẩn bị hơn 40.000 tấn hàng hóa. Điều đáng nói, những hàng hóa thuộc nhóm hàng bình ổn chiếm từ 25 - 43% nhu cầu thị trường, giá cả thấp hơn 5 - 10% so với thị trường.
Hiện nay các ngành chức năng và các doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực ổn định nguồn vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh cao điểm cuối năm. Chính vì thế, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn giữ nguyên mức lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường.
Được biết, từ đầu năm tới nay, doanh số cho vay bình ổn thị trường đạt gần 860 tỷ đồng, dù diễn biến thị trường đang ở trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao, các tổ chức tín dụng đã tích cực hỗ trợ vốn với lãi suất thấp cho doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, cho vay tín dụng với lãi suất thấp là điểm nhấn quan trọng nhất của ngành ngân hàng trong nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp bình ổn. Doanh nghiệp sẽ có thể ổn định giá thành, giá bán nhờ được vay tín dụng với lãi suất thấp.
Được biết mô hình cho vay này sẽ được tiếp tục duy trì cho doanh nghiệp bình ổn, từ nay đến Tết sẽ đảm bảo giữ ổn định lãi suất để tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định sản xuất.
Về phía các doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp cho biết lãi suất ngoài thị trường vẫn tiếp tục tăng cao, tuy nhiên thành phố đã có những chính sách hỗ trợ về nguồn vốn, lãi suất ưu đãi hợp lý, nhờ đó doanh nghiệp có thể mở rộng sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu, kho bãi...
Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết sẽ tiếp tục ưu tiên về nguồn vốn, lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp bình ổn, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, phục vụ đầu tư chuyển đổi số, mở rộng sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu..., đồng hành cùng doanh nghiệp bình ổn trong vai trò dẫn dắt thị trường.
Mới đây, Văn phòng Chính phủ cũng đã ban hành Thông báo số 333/TB-VPCP ngày 25/10/2022 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá về công tác quản lý, điều hành giá 9 tháng đầu năm 2022 và định hướng các tháng cuối năm 2022. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, với mục tiêu chuẩn bị đủ nguồn hàng dự trữ cho thị trường dịp cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán năm 2023, nhằm quyết tâm đảm bảo bình ổn giá cả thị trường./.