Tại buổi lễ, Chủ tịch tập đoàn Công nghệ CMC, Chủ tịch Hội đồng ĐH CMC Nguyễn Trung Chính chia sẻ tâm huyết: "Đã đến lúc CMC cần nhận một trách nhiệm lớn lao hơn, đó là trách nhiệm tham gia vào sự nghiệp trồng người, để trả ơn cho những gì đất nước đã nuôi dưỡng cho chúng tôi. Đó chính là lý do vì sao CMC lại đầu tư vào lĩnh vực giáo dục ĐH và thành lập ĐH CMC, ĐH số đa ngành tiêu chuẩn quốc tế. ĐH CMC hướng tới mục tiêu trở thành ĐH số theo tiêu chuẩn quốc tế, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo ra những con người số (digital thinkers) để chinh phục thế giới số vì một mục tiêu phát triển xã hội ngày một tốt đẹp hơn, vì một Việt Nam hùng cường thịnh vượng."
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm tin tưởng: "ĐH CMC có cách tiếp cận riêng của mình về chuyển đổi số (CĐS), sẽ có một ĐH số phiên bản CMC đào tạo cho đất nước những cử nhân số, kỹ sư số, lãnh đạo số xuất sắc. Đây sẽ là đóng góp quan trọng của trường ĐH CMC cho công cuộc CĐS quốc gia".
Theo GS.TS. Nguyễn Thị Doan - nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch danh dự Hội đồng Trường cho biết: "ĐH CMC với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học công nghệ, để đổi mới và sáng tạo cho đất nước, tạo môi trường học tập suốt đời thông qua nguồn tài nguyên giáo dục mở với phương pháp dạy mang tính tương tác cao, với các thiết bị thông minh, phục vụ cho mọi người, giúp sinh viên có cơ hội học ở mọi nơi, mọi thời điểm. Hy vọng quãng thời gian học tập, các sinh viên của CMC sẽ trưởng thành toàn diện, trở thành 'công dân toàn cầu' và thành công. Gia đình, các thầy cô giáo và đất nước đang mong đợi các công dân ấy".
"Với phương châm 'Lấy người học làm trung tâm', các thầy cô và cán bộ nhân viên của Nhà trường sẽ giúp các em sớm ổn định và làm quen với môi trường học tập tiên tiến với các giá trị cốt lõi như: khai phóng, sáng tạo, thực tiễn, tư duy phản biện và tôn trọng sự khác biệt. Trường sẽ đào tạo các bạn sinh viên phát triển tốt cả về kỹ năng chuyên môn và kỹ năng sống, thực hiện tốt những mục tiêu mà Nhà trường đã đề ra và cam kết, góp phần đáp ứng nhu cầu nhân lực bậc cao trong thời đại mới", PGS.TS. Nguyễn Ngọc Bình, Hiệu trưởng ĐH CMC nhắn nhủ các tân sinh viên Khóa 1.
Để hoàn thành sứ mệnh là ĐH số tiên phong hàng đầu Việt Nam, ĐH CMC đặt mục tiêu phát triển từ "ĐH thông minh, đổi mới sáng tạo" trong giai đoạn 2022 - 2032, tới "ĐH nghiên cứu" sau năm 2032. Mục tiêu hàng đầu của nhà trường là trở thành một ĐH công nghệ với các lĩnh vực đào tạo thế mạnh là khoa học máy tính, hệ thống thông tin, điện tử - viễn thông và các lĩnh vực khác gắn với yêu cầu phát triển khoa học công nghệ và kinh tế số của cả nước, với quy mô cỡ trung từ 20.0000 - 30.000 sinh viên vào năm 2039.
Cũng tại lễ ra mắt và khai giảng khóa 1, ĐH CMC đã ký kết các văn bản ghi nhớ (MoU) với các đơn vị thành viên thuộc tập đoàn CMC, các tổ chức đối tác quan trọng hàng đầu quốc tế, bao gồm: Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Học viện Máy tính Kyoto (KCG) Nhật Bản, Trường sau ĐH CNTT Kyoto (KCGI) Nhật Bản. Học viện máy tính Kyoto (KCG) tại Kyoto thành lập năm 1963, là tổ chức giáo dục đầu tiên đào tạo về máy tính tại Nhật Bản.
Cũng nhân dịp này, Nhà trường cũng vinh danh các tân sinh viên có thành tích xuất sắc, đạt học bổng "CMC Khai phóng" trị giá 100% học phí trong quỹ học bổng "CMC - Vì bạn xứng đáng" tổng trị giá 69 tỷ đồng trong năm 2022.
Với lợi thế là một thành viên của tập đoàn công nghệ CMC, ĐH CMC tích cực khai thác thế mạnh của việc sử dụng chung tài nguyên thông tin bằng cách xây dựng tích hợp dữ liệu thống nhất, các nguồn tài nguyên dùng chung, phát triển kho học liệu số, học liệu mở dùng chung; các nguồn tư liệu phục vụ nghiên cứu, các hệ thống phòng thí nghiệm dùng chung... Nhà trường ứng dụng hệ thống điều hành trung tâm, hệ thống giám sát lớp học, hệ thống giám sát an ninh, lớp học thông minh, ứng dụng kết nối cho giảng viên-sinh viên qua smartphone,…
Tất cả các quy trình thủ tục, thi cử đánh giá, học liệu, thư viện điện tử,… đều được CĐS để đảm bảo tiêu chí: "không giấy tờ, không tiền mặt, không chạm"; thúc đẩy mạnh mẽ CĐS ở các hoạt động, từ hệ thống học thuật số hóa, hệ thống nghiên cứu số hóa đến hệ thống thông tin quản lý số hóa và các mặt khác./.