Ra mắt Lotus, bước vào lĩnh vực khó để đi ra toàn cầu

PV| 17/09/2019 14:21
Theo dõi ICTVietnam trên

Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá việc phát triển mạng xã hội Lotus là khó nhưng cũng sẽ là cơ hội, cảm hứng cho các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam khác đang dấn thân “make in Vietnam”, tạo ra sản phẩm công nghệ Việt Nam và từ đó đi ra toàn cầu.

Tối 16/9, mạng xã hội Lotus thuần Việt do người Việt Nam sáng tạo và phát triển đã ra mắt tại một sự kiện ở Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Lễ ra mắt Lotus

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Mạng xã hội Lotus là sản phẩm của làn sóng Internet thứ ba, một cách tiếp cận theo cách mới.

Theo Bộ trưởng, Internet có những chu kỳ 15 năm. Chu kỳ thứ nhất tức là 15 năm thứ nhất là xây dựng hạ tầng và nền tảng của một thế giới trực tuyến với các tên tuổi như Cisco, Microsoft. Chu kỳ thứ hai tức là 15 năm tiếp theo là điện thoại di động, truyền thông xã hội, kinh tế nền tảng với các tên tuổi như Facbook, Google và Apple. Hai chu kỳ này đều gắn với các công ty Internet, phần nhiều là các công ty toàn cầu.

Chu kỳ thứ ba có thể coi bắt đầu từ năm 2015, khi Internet bắt đầu được tích hợp vào mọi phần của cuộc sống con người và tạo ra những tên tuổi mới. Ở chu kỳ này, sẽ không chỉ là các công ty Internet nữa, không chỉ là nội dung dung và máy học nữa mà phải có thêm ngữ cảnh. Một ngữ cảnh cụ thể sẽ sinh ra tri thức và giá trị cụ thể. Một ngữ cảnh Việt Nam, một bài toán Việt Nam sẽ phải có một lời giải Việt Nam.

Làn sóng Internet thứ ba này là cơ hội cho các công ty địa phương sử dụng công nghệ toàn cầu để giải bài toán địa phương. Làn sóng Internet thứ ba này cũng cần một nền văn hóa mới - văn hóa hợp tác, không phải là sự phá hủy mang tính thay thế của làn sóng thứ hai mà là sự phá hủy mang tính hợp tác.

Bộ trưởng cho rằng, mạng xã hội rồi cũng cần một cách tiếp cận mới. Giá trị khổng lồ được cộng đồng tạo ra không thể chỉ một người làm nền tảng hưởng hết mà phải được chia sẻ. Cộng đồng có nhu cầu được kiểm soát luật chơi, họ phải là chủ nhân của cuộc chơi chứ không phải là nạn nhân của những thuật toán giấu kín.

“Nền tảng có thể là toàn cầu nhưng cũng phải cho phép tạo ra những nền tảng phụ để giải những bài toán mang tính ngữ cảnh cụ thể. Đã là nền tảng thì phải đủ sạch để tạo ra môi trường lành mạnh. Những gì vi phạm những giá trị cốt lõi của nhân loại, của đạo đức xã hội thì phải được nền tảng tự động loại bỏ, đề cao hợp tác - hợp tác với các ngành, với các cá nhân để đưa lên nền tảng các giá trị mới”.

Lotus còn phải đi chặng đường dài, nhiều khó khăn phía trước

Nói về mạng xã hội Lotus, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá đây là sản phẩm của làn sóng Internet thứ ba, một cách tiếp cận theo cách mới. “Chúng ta thấy sự cam kết của Lotus: Cam kết hợp tác, cam kết chia sẻ lợi ích, cam kết nội dung lành mạnh để lan tỏa năng lượng tích cực, cam kết cá thể hóa, cam kết tiếp cận có ngữ cảnh, cam kết bảo mật dữ liệu cá nhân. Những cam kết này là để giải quyết những nhu cầu mới và được giải quyết thông qua các công nghệ mới nhất và thông qua một đội ngũ phát triển nhiệt huyết.

Trong một thế giới kinh doanh mà người thắng cuộc dường như hưởng lợi tất cả, thì những người đi sau chỉ còn một cách duy nhất là phải có cách tiếp cận mới, khác biệt, có tính đột phá. Bất kỳ một thành công nào rồi cũng bộc lộ những khuyết tật. Bài toán được giải, nhu cầu được thỏa mãn thì những nhu cầu mới sẽ xuất hiện, những công nghệ mới có tính đột phá sẽ ra đời, làm xuất hiện những mô hình kinh doanh mới đáp ứng những nhu cầu mới của thị trường và của người dùng. Bởi vậy mà những công ty startup mới khởi nghiệp sẽ lại thay thế những gã khổng lồ. Và đó chính là sự tiến hóa như một quy luật của muôn đời vậy. Các công ty startup Việt Nam nên có niềm tin này để khởi nghiệp”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ TTTT cũng đánh giá cao sự dấn thân của doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phát triển Lotus khi đã đầu tư vào một lĩnh vực khó, bước vào một thị trường đã bị thống trị bởi những gã khổng lồ toàn cầu, làm một việc mà không ít các doanh nghiệp Việt Nam khác đã thử và thất bại, làm một việc mà tâm lý xã hội nói chung cho là không khả thi. “Nhưng nếu họ không làm và không ai làm nữa, và không chỉ ở đây mà ở khắp các lĩnh vực khác thì Việt Nam sẽ ra sao?”, Bộ trưởng đặt câu hỏi.

Việt Nam là nước đi sau, sẽ không còn bất kỳ việc gì dễ cho chúng ta. Nhưng chúng ta sẽ không nhìn đó chỉ như là thách thức mà còn là cơ hội nữa. Bởi vì việc dễ thì không bao giờ tạo ra người tài, việc trung bình thì tạo ra người trung bình, việc khó thì tạo ra người giỏi, và việc vĩ đại thì tạo ra người vĩ đại”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Bộ TTTT, chặng đường mà Lotus phải đi sẽ còn dài, còn nhiều khó khăn phía trước và sẽ còn quá sớm để nói về thành công của Lotus. Nhưng cái mà Lotus cần kiên trì là nghĩ lớn, giải quyết đúng bài toán, mô hình kinh doanh rõ ràng và cách tiếp cận khác biệt. Các khó khăn khác chỉ nên coi là lửa thử vàng, là cơ hội để tôi luyện.

Theo Bộ trưởng, nếu Lotus thành công, nó sẽ tạo cảm hứng cho các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam khác đang dấn thân “make in Vietnam”, tạo ra sản phẩm công nghệ Việt Nam và từ đó đi ra toàn cầu. Thành công sẽ góp phần để đến năm 2020, người dùng các mạng xã hội Việt Nam sẽ tương đương người Việt Nam dùng các mạng xã hội nước ngoài.

Bộ trưởng cũng cũng cho biết, sắp tới đây, Bộ TTTT sẽ đặt ra nhiều hơn nữa các bài toán khó, thậm chí là rất khó nhưng luôn là những bài toán mà nếu thành công sẽ mang lại giá trị kinh tế lớn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực ICT.

Toàn cảnh Lễ ra mắt

Lotus có giao diện trực quan và bắt mắt. Các nội dung hiển thị trên Lotus đều được tối ưu dưới dạng hình ảnh nhằm tạo hiệu ứng thị giác ấn tượng cho người xem. Đa phần các nội dung trên Lotus từ status, ghi chú,... đều được thể hiện một cách trực quan bằng hình ảnh. Người dùng có thể tạo album, chèn ảnh, video ngay trong chính bài viết với định dạng blog của mình.

Lotus cũng cung cấp rất nhiều tính năng khác nhau, từ chia sẻ video, album ảnh, list nhạc, kết quả bóng đá, chỉ số chứng khoán cho đến các bài đăng dưới dạng e-magazine. Thay vì các nút like (thích), share (chia sẻ), người dùng sẽ có những biểu tượng mới để bộc lộ cảm xúc với các bài đăng của những thành viên khác.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Ra mắt Lotus, bước vào lĩnh vực khó để đi ra toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO