Ra mắt sách "Sự trỗi dậy và suy tàn của các cường quốc"

N.N| 29/08/2022 16:13
Theo dõi ICTVietnam trên

Cuốn sách giúp người đọc trả lời các câu hỏi như: Để trở thành cường quốc, một quốc gia phải đánh đổi những gì? Điều gì khiến các cường quốc truyền thống ở châu Âu dần lụi tàn? Đứng trước hiện tại khó khăn, các quốc gia có thể học hỏi được gì từ quá khứ để không đi vào vết xe đổ của những đế chế một thời?...

Cuốn sách lịch sử chính trị ăn khách nhất thập niên 80

Ra mắt vào năm 1987, cuốn sách kinh điển của nhà sử học Paul Kennedy bàn về tình hình sức mạnh quốc gia và quốc tế trong thời kỳ "hiện đại", hay hậu Phục hưng; giải thích quá trình trỗi dậy và suy tàn của các cường quốc khác nhau trong suốt năm thế kỷ kể từ khi hình thành "nền quân chủ mới" ở Tây Âu; đưa ra dự báo về vị thế của một số quốc gia vào thời điểm cuối thế kỷ 20 (mà thực tiễn cho đến nay đã xác nhận tính đúng đắn hoặc thiếu chính xác của chúng).

Cuốn sách "Sự trỗi dậy và suy tàn của các cường quốc" từ khi vừa ra mắt đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ giới nghiên cứu, và đặc biệt là các nhà hoạch định chính sách.

Luận điểm bao trùm trong tác phẩm bao gồm hai ý: Một là, sức mạnh của một Cường quốc chỉ có thể được đong đếm trong tương quan với các nước khác. Hai là, uy thế về lâu về dài hoặc trong một xung đột cụ thể của một Cường quốc có mối tương liên chặt chẽ với các nguồn lực sẵn có và tính bền vững của nền kinh tế quốc gia.

Cụ thể, tác giả Paul Kennedy đã cố gắng tìm hiểu và giải thích cách thức mà các cường quốc trỗi dậy và suy tàn cùng mối liên quan giữa chúng trong hơn năm thế kỷ, tính từ khi hình thành "những nền quân chủ mới" ở Tây Âu và sự khởi đầu của hệ thống các quốc gia có tầm vóc xuyên đại dương và toàn cầu. Cuốn sách này không tránh được việc bàn luận nhiều về những cuộc chiến tranh, đặc biệt là những cuộc xung đột lớn, kéo dài giữa các liên minh Cường quốc vốn tác động đến trật tự quốc tế.

Cuốn sách lý tưởng về chủ đề lịch sử thế giới, lịch sử kinh tế - quân sự nói chung

James Joll, trong "The New York Review of Books" viết: "Quan trọng, uyên bác và sáng suốt… Paul Kennedy đã thành công trong việc làm cho người đọc hiểu được những vấn đề quốc tế hiện nay trong bối cảnh các đế chế bị hủy diệt do không gánh nổi tổn phí vật chất, cái giá của sự vĩ đại. 

Tác giả Paul Kenedy việc tìm hiểu địa vị của một cường quốc thay đổi như thế nào trong thời bình cũng quan trọng chẳng kém việc nước đó đã chiến đấu như thế nào trong thời chiến.

Hệ thống quốc tế thay đổi liên tục không chỉ do những hành động hết ngày này qua ngày khác của các chính khách và sự thăng trầm của các sự kiện chính trị, quân sự, mà còn do sự biến đổi sâu sắc trong nền tảng của quyền lực thế giới mà theo thời gian sẽ lộ diện. Paul Kennedy - một trong số ít học giả cố gắng tìm hiểu và giải thích được vấn đề này, đã cho thấy một vốn hiểu biết sâu rộng và cả khả năng phân tích, khái quát cao các dòng chảy chính của thế giới hiện đại thông qua cuốn sách này.

Với thông tin phong phú, vừa bao quát vừa chi tiết được trình bày trọn vẹn và khách quan; loạt bảng biểu cùng số liệu, bản đồ minh họa cho các dẫn chứng, sự kiện được nêu trong sách; lối viết giàu kiến thức nhưng không nặng nề, khô khan; đây sẽ là tác phẩm lý tưởng dành cho các độc giả quan tâm đến chủ đề lịch sử thế giới, lịch sử kinh tế - quân sự nói chung; đang nghiên cứu, học tập về lịch sử và địa chính trị hậu Phục Hưng tới hiện đại; mong muốn hiểu biết thêm về các cường quốc trên thế giới và bí mật đằng sau sự vĩ đại của họ.

Paul Michael Kennedy (1945) là một nhà sử học người Anh, chuyên nghiên cứu về lịch sử quan hệ quốc tế và các chủ đề liên quan như kinh tế, chiến lược lớn. Ông đã xuất bản nhiều tác phẩm nổi bật về lịch sử chính sách đối ngoại Anh và những cuộc đấu tranh giành quyền lực lớn.

Từ năm 1983, Kennedy là giáo sư Lịch sử tại Đại học Yale. Ông là Giám đốc Chương trình nghiên cứu An ninh quốc tế, thành viên Đặc biệt Chương trình Brady-Johnson về Chiến lược Lớn, điều phối viên các chương trình ISS do Quỹ Smith Richardson tài trợ.

Ông sở hữu nhiều bằng danh dự, là thành viên của Hiệp hội Lịch sử Hoàng gia, Hiệp hội Triết học Mỹ, Viện hàn lâm Nghệ thuật và Khoa học Mỹ; được phong tước Chỉ huy Đế quốc Anh (CBE) năm 2001, được bầu vào Viện hàn lâm Anh năm 2003; đạt Giải Hattendorf của Trường Chiến tranh Hải quân Mỹ năm 2014.

Ngoài ra, ông tham gia biên tập và viết bài cho nhiều tờ tạp chí học thuật như The New York Times, Los Angeles Times, The Atlantic, và cả báo chí nước ngoài./.



Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bưu điện chi trả tiền cứu trợ nhanh nhất cho người dân sau bão Yagi
    Với số tiền hơn 10 tỷ đồng được hỗ trợ từ Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) sẽ chi trả cho hơn 2.600 hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3 (Yagi) tại tỉnh Yên Bái, Lào Cai và TP. Hải Phòng ngay trong tháng 12/2024.
  • Báo chí truyền thông và vấn đề quyền riêng tư
    Vấn đề bảo vệ quyền riêng tư cũng được coi như là một phần của việc bảo vệ quyền con người, và quyền riêng tư cần được tôn trọng, đặc biệt là trong bối cảnh bùng nổ truyền thông số hiện nay - khi mà các phương tiện truyền thông hiện đại có khả năng thu thập và phát tán thông tin, hình ảnh đời tư của con người một cách dễ dàng và vô cùng nhanh chóng.
  • FPT mở văn phòng tại Cần Thơ, bổ sung nguồn nhân lực cho mảng dịch vụ CNTT nước ngoài
    Văn phòng làm việc mới tại Cần Thơ của FPT được kỳ vọng sẽ góp phần đáp ứng không gian làm việc cho 1.000 nhân sự mảng dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài của Tập đoàn vào năm 2025, hướng tới mục tiêu thu hút 3.000 nhân sự vào năm 2030.
  • Công trình nghiên cứu đồ sộ về tôn giáo và chính trị
    Cuốn sách “Lịch sử Cơ Đốc giáo Việt Nam thế kỷ 16 - 19” của GS. Trịnh Vĩnh Thường, một chuyên gia nghiên cứu lịch sử quan hệ Trung - Việt, vừa được giới thiệu đến độc giả như một tài liệu tham khảo chuyên sâu về mối quan hệ phức tạp giữa Thiên Chúa giáo và các triều đại phong kiến Việt Nam.
  • Lệnh cấm Internet tại một số quốc gia châu Á gây "khó" cho các nhà mạng viễn thông
    Việc hạn chế quyền truy cập Internet của một số quốc gia châu Á vì mục đích chính trị đã khiến các nhà mạng viễn thông chịu nhiều tổn thất về tài chính và danh tiếng.
Đừng bỏ lỡ
Ra mắt sách "Sự trỗi dậy và suy tàn của các cường quốc"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO