Trong tình thế khó khăn, nhiều người đã quyết định rút BHXH một lần, hoặc "bán non" sổ bảo hiểm cho những người mua gom. Điều này có thể có lợi trước mắt nhưng về lâu dài sẽ ảnh hướng rất lớn tới chính cuộc sống người lao động.
Thực trạng này hiện đang diễn ra tại các khu công nghiệp trọng điểm trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Đồng Nai cũng như một số địa phương khác. Những người lao động (NLĐ) đủ điều kiện thì đang muốn nhận BHXH một lần. Trong khi đó, những người chưa đủ điều kiện (do mới được tuyển dụng trong thời gian ngắn) thì "bán non" sổ bảo hiểm cho những người mua gom.
Theo Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014, một khi NLĐ vẫn trong độ tuổi lao động nghỉ việc, tạm thời chưa giải quyết BHXH một lần. Năm 2016, quy định này được sửa đổi, NLĐ được quyền rút BHXH một lần.
Tuy nhiên, về cơ bản vẫn khuyến khích người lao động bảo lưu và tích lũy thời gian đóng BHXH để có lương hưu khi hết tuổi lao động. Từ đó, nhằm bảo đảm an sinh cho xã hội nói chung và từng NLĐ nói riêng.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, việc NLĐ đang làm việc và tham gia BHXH là để tích lũy cho cuộc sống khi về già. Do đó, không có lý do gì khi còn trẻ, còn sức lao động, còn cơ hội lao động để trang trải cuộc sống lại nhận BHXH một lần. Điều này đồng nghĩa với việc tiêu trước phần để dành cho lúc ốm đau, bệnh tật, không còn sức lao động khi về già.
Ông Đào Việt Ánh cũng cho biết: Nghị quyết số 28-NQ/TW đã nêu rõ sẽ có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần.
Do đó, chưa nói tới việc thu mua sổ BHXH là vi phạm pháp luật, khi NLĐ rút BHXH một lần chắc chắn sẽ chịu thiệt rất nhiều, đặc biệt là về tương lai sau này. Bởi lẽ, nếu nhận BHXH một lần, sau này tham gia lại BHXH sẽ không được cộng nối thời gian đóng BHXH, mà tính thành thời gian đóng BHXH mới.
Như vậy, NLĐ mất đi cơ hội được hưởng lương hưu, không có thu nhập để đảm bảo cuộc sống khi hết tuổi lao động hoặc nếu khi nghỉ hưu vẫn đủ thời gian được hưởng lương hưu thì do thời gian đóng BHXH ít nên số tiền lương hưu sẽ thấp, mất nguồn tài chính hỗ trợ và ổn định cuộc sống lâu dài khi bị suy giảm khả năng lao động, hết tuổi lao động.
Thứ hai, nếu rút BHXH một lần thì trong toàn bộ thời gian hưởng lương hưu (độ tuổi dễ gặp bất trắc về sức khỏe nhất của mỗi người), NLĐ sẽ không được quỹ BHXH trả kinh phí để cấp thẻ BHYT miễn phí (người nghỉ hưu có lương hưu không phải tự mua thẻ BHYT) và không được hưởng các quyền lợi về KCBBHYT.
Trong trường hợp nếu tham gia BHXH, khi người hưởng lương hưu không may qua đời thì, người lo mai táng được nhận một lần trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng người hưởng lương hưu chết và thân nhân được hưởng trợ cấp tử tuất hàng tháng hoặc một lần.
Bởi vậy, khoản tiền đóng vào quỹ BHXH chính là một của để dành quý giá của chính NLĐ, nó không mất đi mà ngược lại vẫn được cơ quan BHXH quản lý và đầu tư tăng trưởng, người tham gia có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện với sự hỗ trợ đóng của Nhà nước. Trong thời gian bảo lưu, nếu chẳng may bị chết thì gia đình được hưởng trợ cấp mai táng phí, thân nhân được hưởng trợ cấp tử tuất theo quy định.
Việc nhận BHXH một lần là phải chấp nhận sự thiệt thòi rất lớn khi với 22% mức tiền lương tháng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất thì một năm tổng mức đóng là 2,64 tháng lương. Trong khi mức hưởng BHXH một lần cho mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014 và 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.
Phân tích yếu tố này, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết, NLĐ không chỉ chịu thiệt thòi vì mất đi 0,64 tháng lương/năm (tính từ mức hưởng năm 2014) mà còn mất đi cơ hội được hưởng lương hưu, mất nguồn tài chính hỗ trợ và ổn định cuộc sống lâu dài khi bị suy giảm khả năng lao động, hết tuổi lao động. Mặt khác, họ còn phải đối mặt với nguy cơ không chi trả nổi chỉ sau một lần mắc bệnh và nằm viện thời gian dài, từ đó phải đối mặt với tình trạng nghèo đói, kiệt quệ, trở thành gánh nặng đối với gia đình và xã hội.
Trong khi đó, người tham gia BHXH, khi đã hưởng lương hưu thì mức lương hưu được điều chỉnh định kỳ theo chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng kinh tế nên chắc chắn cuộc sống sẽ ổn định hơn rất nhiều so với việc rút bảo hiểm một lần.
Đó là chưa kể, thực tế hiện nay cho thấy, để có được "một cục tiền" trước mắt, NLĐ phải chịu thiệt đơn thiệt kép vì không ít trường hợp không phải làm việc trực tiếp với cơ quan BHXH Nhà nước, mà giao dịch phi pháp với những kẻ cơ hội nên bị chèn ép, ăn chặn trước, sau.
Ai cũng biết, Covid-19 đã và đang gây ra những khó khăn to lớn, những thách thức chưa từng có, nhất là cho các DN, tác động trực tiếp, nặng nề đến đời sống NLĐ và gia đình họ. Hiểu rõ vấn đề này, cùng với các hành động khẩn trương, quyết liệt chống dịch, Chính phủ đã chỉ đạo giải ngân khẩn cấp gói tín dụng tới 250.000 tỷ hỗ trợ duy trì, phục hồi sản xuất và kinh doanh, và gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng, đối tượng thụ hưởng bao gồm NLĐ làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên do các DN gặp khó khăn, cùng nhiều quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ khác.
Đại dịch rồi sẽ tới lúc kết thúc. Thậm chí sẽ kết thúc sớm hơn nếu cả nước đoàn kết và quyết tâm. Khó khăn về việc làm rồi cũng sẽ dần qua đi. Có điều khi đó, hàng chục nghìn, thậm chí nhiều hơn nữa NLĐ, do một phút nông nổi, không nhìn xa, yêu cầu nhận BHXH một lần, hoặc những người đã bán non sổ BHXH vì khó khăn có tính thời điểm, sẽ phải đối mặt với những khó khăn lâu dài trong việc làm và đời sống. Khi đó, "hậu Covid-19", Nhà nước lại thêm một việc khó phải giải quyết.
Vậy nên, cùng với sự quan tâm của Chính phủ, thì sự vào cuộc khẩn trương của tổ chức Công đoàn, ngành BHXH và các tổ chức, các ngành, các cấp liên quan trong việc hỗ trợ, giúp NLĐ vượt qua khó khăn tạm thời; tuyên truyền để NLĐ nhìn xa hơn, dài hơn, thiết thực hơn về lợi ích lâu dài của chính họ... là điều thật sự cần thiết.