Ngày 21/1/2019, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC), Bộ TTTT phối hợp Câu lạc bộ CKS và Giao dịch điện tử Việt Nam (VCDC) tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy ứng dụng CKS và ký kết hợp tác phát triển CKS trên nền tảng di động".
Ông Phạm Quốc Hoàn, Phó Giám đốc NEAC phát biểu
Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Quốc Hoàn, Phó Giám đốc NEAC cho biết, sau 10 năm triển khai, một trong những kết quả đáng ghi nhận của CKS là góp phần cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội… Đặc biệt trong lĩnh vực thuế, gần 100% doanh nghiệp (DN) đã thực hiện các thủ tục qua mạng sử dụng CKS.
Hiện nay CKS chủ yếu cung cấp cho DN. Số lượng thuê bao CKS cá nhân còn rất hạn chế, chỉ chiếm khoảng 1% tổng CKS được cấp phát và chỉ tập trung ở một số ứng dụng nội bộ. Thúc đẩy ứng dụng CKS cá nhân là một trong những mục tiêu quan trọng của Bộ TTTT trong thời gian tới.
Hiện nay các văn bản quy phạm pháp luật liên quan gồm có Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về CKS và dịch vụ chứng thực CKS’ Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ; Nghị định 165/2018/NĐ-CP ngày 24/12/2018 của Chính phủ quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính.
Ông Phạm Quốc Hoàn cho biết: “Với người dùng cá nhân, chúng tôi xác định 2019 là năm khai vỡ để vượt qua những phần khó khăn nhất về hành lang pháp lý. Cụ thể, dự kiến trong Quý I/2019, sẽ hoàn thiện đầy đủ các văn bản pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai mở rộng CKS trên nền tảng di động”.
Toàn cảnh Hội thảo
Trong khi đó, ông Ngô Tuấn Anh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ CKS và Giao dịch điện tử Việt Nam cho biết: “Kế hoạch trong năm 2019 của Câu lạc bộ là tập trung triển khai CKS khách hàng cá nhân sử dụng trên các thiết bị di động. Hiện nay, các DN phát hành, chứng thực các loại chứng thư số cho người dùng (CA) đã sẵn sàng về giải pháp và công nghệ. Câu lạc bộ sẽ đảm bảo dịch vụ cung cấp đạt chất lượng, an toàn, phát triển bền vững ngành, lĩnh vực và thị trường. Theo kế hoạch, CLB sẽ đánh giá hóa đơn điện tử an toàn vào quý I năm 2019, đánh giá CA an toàn vào quý II năm 2019".
Câu lạc bộ CKS và Giao dịch điện tử cũng đề xuất cần sớm ban hành văn bản quy định tiêu chuẩn, giải pháp CKS trên di động để các đơn vị CA có căn cứ triển khai thuận lợi hơn: độc lập về công nghệ, kết nối bổ sung tiêu chuẩn và đưa ra cả mô hình giải pháp. Về kỹ thuật, cầm thúc đẩy RootCA được công nhận quốc tế, triển khai Time-stamp tạo sự tin tưởng cho các hệ thống giao dịch cần xác thực thời gian cao như chứng khoán.
Về quy hoạch CA công cộng tại Việt Nam, ông Tuấn Anh cho biết số lượng 9 CA đang hoạt động, tỷ lệ thuê bao/CA rất thấp so với thế giới. Hầu hết cung cấp CKS cho DN bão hoà dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh, hỗn loạn. Thị trường không phát triển thêm, việc thêm CA gây lãng phí đầu tư chung, vì thuê bao cũng chỉ chuyển từ nhà cung cấp này sang nhà cung cấp khác.
Theo đó, sáng kiến là cấp phép khi quy mô thị trường đủ lớn, ví dụ 5 triệu thuê bao; Cấp phép mới thì cần có quy định đối tượng khách hàng cá nhân là thị trường tiềm năng, chưa được khai thác nhiều.
Để hiện thực hóa mục triển khai cung cấp chữ ký số cá nhân trên di động, ngay trong buổi hội thảo, với sự chứng kiến của Bộ TTTT, 8 đơn vị cung cấp dịch vụ CKS tại Việt Nam đã ký kết hợp tác phối hợp triển khai công nghệ CKS trên nền tảng di động. Thỏa thuận có sự tham gia của Viettel CA, VNPT CA, FPT CA, CA2, Vina CA, EFY CA, Safe CA và BKAV CA.
Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ và các DN CA
Theo thỏa thuận này, các đơn vị cam kết chia sẻ công nghệ, kiến thức triển khai, hỗ trợ kết nối thông qua các CA, cùng xây dựng tiêu chuẩn, phát triển ứng dụng và thúc đẩy chính sách phát triển thị trường CA cá nhân.