Sáng chế công nghệ và sức mạnh cạnh tranh của doanh nghiệp ICT (P1)

03/11/2015 20:55
Theo dõi ICTVietnam trên

Nhân ngày Sở hữu trí tuệ thế giói (26/4) và ngày KHCN Việt Nam (18/5), bài báo này phân tích một số khía cạnh của sáng chế công nghệ và sức ảnh hưởng đến thị trường công nghiệp ICT quốc tê, đưa ra một số đánh giá môi trường phát triển công nghệ và thị trường KHCN ở Việt Nam trong lĩnh vực ICT.

Trong nền kinh tế tri thức ngày nay, khoa học công nghệ (KHCN) đóng vai trò rất quan trọng, góp phần thúc đẩy và là động lực của nền kinh tế. Đối với ngành công nghệ kỹ thuật cao như Công nghệ thông tin và Truyền thông (ICT), KHCN là yếu tố quan trọng sống còn. Trên thế giới, làm chủ các công nghệ, sáng tạo đột phá sẽ tạo nên lợi thế cạnh tranh to lớn, có thể góp phần thay đổi bức tranh thị trường nhanh đến mức không ngờ ("cơn bão" iPhone là một ví dụ điển hình). Sự sa sút hoặc gần như biến mất của những người khổng lồ trong làng công nghệ chỉ 1 thập kỷ trước như Nokia, BlackBerry, Kodak... được thay thế bằng những tên tuổi mới như Apple, Google, Samsung hay Facebook về bản chất là kết quả của cuộc đua về công nghệ và kỹ thuật. Ở đó, những phát minh công nghệ mới của thời đại đã thay đổi bức tranh thị trường, đánh đổ nhũng tập đoàn kinh tế to lớn nhưng "ngủ quên trên chiến thắng" và chậm đổi mới. Nhân ngày Sở hữu trí tuệ thế giói (26/4) và ngày KHCN Việt Nam (18/5), bài báo này phân tích một số khía cạnh của sáng chế công nghệ và sức ảnh hưởng đến thị trường công nghiệp ICT quốc tế, đưa ra một số đánh giá môi trường phát triển công nghệ và thị trường KHCN ở Việt Nam trong lĩnh vực ICT.

ĐẶC ĐIỂM QUY TRÌNH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ ĐỊNH HƯỚNG THỊ TRƯỜNG SỞ HỮU TRÍ TUỆ TRÊN THẾ GIỚI

Nói đến thị trường công nghệ và sở hữu trí tuệ (SHTT) trong lĩnh vực ICT là nói đến một thị trường mà ở đó có một loại hình hàng hóa đặc biệt, đó là các công nghệ, kỹ thuật được thể hiện bằng các bằng phát minh và sáng chế, các giải pháp hữu ích. Một nguyên tắc không mới khi tham gia thị trường này, đó là môi trường luật pháp là vấn đề căn bản và thử thách nhất đối với các công ty kinh doanh trong lĩnh vực SHTT. Trong đó, các tiêu chuẩn được ban hành bởi các tổ chức tiêu chuẩn Viễn thông và Công nghệ thông tin quốc tế như ITU, IETF, ETSI... đóng vai trò rất quan trọng, quyết định giá trị của các bằng sáng chế. Bên cạnh đó là hệ thống các cơ chế luật pháp của mỗi quốc gia về khoảng thời gian cũng như quy định về quyền khai thác giá trị của các bằng sáng chế này.

Trên thực tế, một số lượng không nhỏ các công ty hiện đang thống lĩnh thị trường thiết bị và giải pháp ICT hiện nay chỉ đóng góp rất ít hoặc thậm chí không có đóng góp gì với sự phát triển của các tiêu chuẩn ICT thế giới, yếu tố quan trọng góp phần vào sự thành công của các doanh nghiệp đó. Quy trình xây dựng một tiêu chuẩn ICT quốc tế hết sức công phu và nghiêm ngặt, đòi hỏi sự tham gia của nhiều thành phần xã hội gồm các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp sản xuất, các trung tâm nghiên cứu công nghiệp, các trung tâm nghiên cứu thuộc các trường đại học, các chuyên gia, học giả thuộc nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau tùy thuộc vào quy mô của tổ chức ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật đó. Tất cả các thành phần tham gia đóng góp xây dựng tiêu chuẩn có sự cạnh tranh khốc liệt nhưng lành mạnh tại các diễn đàn, tạo nên các bộ tiêu chuẩn với chất lượng cao nhất, góp phần định hướng thị trường công nghệ và ngành công nghiệp ICT, tạo nên thị trường ICT chất lượng và hiệu quả, mang lại lợi ích thụ hưởng to lớn cho người tiêu dùng.

Trên thực tế như ở Mỹ, nhiều công ty công nghệ tư nhân với quy mô nhỏ và vừa (SME) đã đầu tư nhiều nguồn lực thời gian, nhân lực, vật lực, cạnh tranh công bằng với các công ty lớn để phát triển các giải pháp công nghệ tốt nhất, đồng thời tham gia tích cực tại các diễn đàn tiêu chuẩn để đưa các giải pháp công nghệ của họ thành tiêu chuẩn và đóng góp cho cộng đồng. Một trong các ví dụ là công ty InterDigital Communications Inc., hình thành cách đây hơn 40 năm. Năm 1972, công ty ra đời với tầm nhìn là phát triển những chiếc điện thoại di động nhỏ và nhẹ, để vừa trong túi áo sơ-mi. Giống như các công ty với công nghệ đi trước các đối thủ cạnh tranh, InterDigital đã phát triển các sản phẩm và phân phối trên khắp thế giới, qua đó khẳng định được năng lực công nghệ và kỹ thuật của mình. Khi các công ty lớn bắt đầu tham gia vào thị trường với các tiềm lực tốt hơn hẳn để sản xuất và cung cấp thiết bị, InterDigital đã thay đổi chiến lược từ sản xuất sản phẩm sang cung cấp chip điện tử và các giải pháp công nghệ, kỹ thuật cho thị trường. Ngày nay, với hơn 40 năm kinh nghiệm phát triển các giải pháp và kỹ thuật cao trong lĩnh vực thông tin di dộng không dây, InteiDigital hoạt động và tìm kiếm lợi nhận từ việc nhượng quyền khai thác các bằng sáng chế công nghệ của mình (patent-based revenue) cho các công ty hoạt động trong ngành này như Samsung, Apple, LG, Huawei, ZTE, Motorola, Intel... InterDigital đã có được sự thành công trong nhiều năm phát triển với quy mô của một công ty cỡ vừa (~300 người), đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng Forbes 100 (America's 100 best small companies) công ty nhỏ tốt nhất nước Mỹ năm 2010 [1]. Năm 2013, doanh thu của InterDigital đạt 325,4 triệu USD, dòng tiền tự do lên tới 179,5 triệu USD, sở hữu tổng cộng hơn 20.500 bằng sáng chế và hồ sơ đăng ký sáng chế liên quan tới công nghệ truyền thông không dây. Giá trị thị trường được định giá vào giữa năm 2013 khoảng 1,8 tỷ USD [2]. Sự thành công có được nhờ một nguyên tắc bản lề trong nghiên cứu phát triển (R&D) ở công ty, đó là luôn đặt tầm nhìn về công nghệ và dự báo xu hướng phát triển công nghệ lên hàng đầu khi phân tích và lựa chọn các dự án nghiên cứu. Các công nghệ được nghiên cứu phát triển ở đây luôn đi trước thị trường nhiều năm, song luôn được nghiên cứu, tính toán để đáp ứng được nhu cầu của thị trường, giải quyết những điểm giới hạn mấu chốt mà công nghệ hiện tại đang phải đối mặt. Cách làm đó chỉ đạt được hiệu quả khi công ty luôn nắm bắt được định hướng và yêu cầu cần đạt được của các giải pháp công nghệ trong tương lai do các tổ chức tiêu chuẩn nêu lên. Đồng thời, công ty luôn nỗ lực đóng góp các ý tưởng phát minh công nghệ của mình cho quá trình xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật nhiều năm sau đó. Các tiêu chuẩn này phải sau nhiều năm nữa mới được áp dụng rộng rãi trên thị trường. Tất cả quá trình đó từ thời điểm bắt đầu có thể kéo dài cả một thập kỷ.

Ví dụ nêu trên là một điển hình về một công ty công nghệ ICT hoạt động trên thị trường công nghệ  và SHTT. Môi trường công nghệ cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp với các quy mô khác nhau đã tạo nên sự đa dạng cho thị trường SHTT trên thế giới. Các công ty công nghệ startup (khởi nghiệp) với một hoặc một số ý tưởng công nghệ nếu được phát triển thành công và được thị trường đón nhận sẽ tạo nên lợi ích rất lớn cho các nhà đầu tư và sáng lập ra các công ty này. Tuy việc đầu tư cho các công ty startup mang nhiều rủi ro nhưng trong môi trường đầu tư mạo hiểm sôi động, các ý tưởng sáng chế, ý tưởng công nghệ mới luôn được đánh giá về tiềm năng rất chính xác và khách quan bởi các nhà đầu tư công nghệ, bởi sự hoạt động hiệu quả của startup promoter (các nhà hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp) đã biến giấc mơ của nhiều nhà phát minh, phát triển công nghệ trẻ thành sự thật. Apple, Google, Microsoft hay Facebook đều khởi nguồn là các công ty startup, đã hình thành và phát triển trên môi trường công nghệ ở Silicon Valley và dần lớn mạnh trở thành những tên tuổi hàng đầu về công nghệ ngày nay. Bên cạnh các công ty startup là các công ty đã hình thành trên thị trường, hoạt động với quy mô SME cỡ vài chục đến vài trăm nhân viên. Tuy các doanh nghiệp SME có nguồn lực hạn chế song có lợi thế khi phát triển công nghệ theo chiều sâu, nguồn lực có thể tập trung vào nghiên cứu phát triển một hoặc một số công nghệ trọng tâm để tìm ra các ý tưởng sáng chế mới. Ngoài ra, các doanh nghiệp này còn dễ dàng thay đổi định hướng phát triển, định hướng nghiên cứu khi cần do cơ cấu, quy mô doanh nghiệp nhỏ gọn. Trong khi đó, các doanh nghiệp công nghệ lớn có sức mạnh về vị thế và nguồn lực, với sản phẩm và công nghệ có khả năng chiếm lĩnh và làm chủ thị trường. Các giải pháp và sản phẩm công nghệ được phát triển có các hệ thống hỗ trợ để thuận tiện khi thương mại hóa. Công nghệ chủ đạo được phát triển bởi các doanh nghiệp này thường được đề xuất và đưa ra tại các diễn đàn tiêu chuẩn quốc tế. Do vậy, mỗi loại hình doanh nghiệp nêu trên đều có lợi thế của riêng mình khi tham gia thị trường công nghệ và SHTT quốc tế. Với môi trường xã hội mà luật pháp về SHTT được tuân thủ triệt để thì các doanh nghiệp công nghệ có môi trường để phát triển và đóng góp hiệu quả cho xã hội.

TẦM QUAN TRỌNG CHIẾN LƯỢC CỦA VIỆC XÂY DỰNG DANH MỤC BẰNG SÁNG CHẾ (PATENT PORTFOLIO) ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP CÔNG NGHỆ

Tùy theo tính chất của ngành công nghiệp mà mỗi công ty đang hoạt động, giá trị của nó bao gồm tài sản hữu hình và cả các tài sản vô hình, trong đó danh mục các tài sản về quyền SHTT của công ty đóng một vai trò quan trọng. Trong ngành công nghiệp công nghệ cao như ICT, danh mục bằng sáng chế hiện tại và tương lai xác đỉnh phạm vi chiến lược và khả năng của một công ty. Nếu không có các quyền SHTT được đăng ký và bảo hộ, các sản phẩm mới, kỹ thuật mới, công nghệ mới được giới thiệu vào thị trường sẽ có nhiều rủi ro với nguy cơ kiện tụng kéo dài, có thể dẫn đến nhiều thiệt hại về vật chất và uy tín cho doanh nghiệp.

Phân tích danh mục bằng sáng chế của một công ty sẽ cho sự hiểu biết sâu sắc về định hướng phát triển sản phẩm và định hướng phát triển của công ty đó. Tuy nhiên, đó chỉ một khía cạnh ban đầu về danh mục bằng sáng chế. Danh mục bằng sáng chế của mỗi doanh nghiệp bao gồm các sáng chế tự đăng ký sở hữu và các sáng chế được mua lại thể hiện rõ định hướng phát triển tương lai của công ty. Trong đó bao gồm cả khía cạnh kỹ thuật, công nghệ và định hướng đầu tư trên cơ sở các khía cạnh kỹ thuật đó. Các sản phẩm công nghệ quan trọng được bảo hộ về quyền SHTT sẽ tạo hiệu quả cạnh tranh cho doanh nghiệp trên thị trường, tạo nên sự tự do cần thiết cho hoạt động của doanh nghiệp và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng đó là bàn đạp quan trọng cho quá trình phát triển và tăng trưởng của doanh nghiệp trong tương lai.

Chính vì danh mục bằng sáng chế ngày càng quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp nên rất nhiều các công ty công nghệ lớn, nhỏ đã đầu tư một lượng ngân sách lớn cho R&D. Các công ty đó luôn duy trì chiến lược tăng cường và làm phong phú thêm danh mục bằng sáng chế theo cả chiều rộng và chiều sâu. Tuy nhiên, bên cạnh xu hướng đó, một xu hướng khác mới nổi lên những năm gần đây là việc việc mua tài sản SHTT giữa các doanh nghiệp công nghệ. Quy mô của các giao dịch này có thể ở mức một vài bằng sáng chế quan trọng đến việc mua lại toàn bộ công ty khác với mục đích chính để củng cố danh mục bằng sáng chế của doanh nghiệp. Thương vụ Google mua lại bộ phận phát triển di động của hãng Motorola (Motorola Mobility) là một ví dụ điển hình, với quy mô lớn về việc mua tài sản sở hữu trí tuệ. Năm 2012, Google mua lại Motorola Mobility với giá 12,5 tỷ USD bao gồm cả tài sản vô hình và hữu hình của bộ phận này [4]. Sau chưa đầy 2 năm, Google bán lại bộ phận này cho Lenovo với giá 2,91 tỷ USD [3]. Tài sản chuyển giao gồm các tài sản hữu hình và hơn 2.000 bằng sáng chế. Phần lớn các bằng sáng chế từ thương vụ mua lại Motorola Mobility (khoảng 15.000 bằng sáng chế) đã được Google giữ lại để củng cố danh mục bằng sáng chế của mình trước đối thủ cạnh tranh Apple. Rất nhiều các giao dịch ở hình thức này với quy mô nhỏ hơn đã và đang diễn ra mỗi ngày trên thị trường công nghệ.

Trong nền kinh tế tri thức ngày nay, vai trò ngày càng quan trọng của bằng sáng chế công nghệ dẫn đến một nhu cầu của việc đánh giá giá trị của bằng sáng chế và danh mục bằng sáng chế của mỗi doanh nghiệp. Đặc biệt, trong mỗi giao dịch về quyền SHTT, giá trị của bằng sáng chế cần phải được ước tính. Tuy nhiên, đây không phải là một quá trình đơn giản và dễ đạt được sự đồng thuận giữa bên bán và bên mua. Trên thị trường hiện có các công ty chuyên định giá giá trị của các bằng sáng chế phục vụ cho việc đánh giá giá trị doanh nghiệp hoặc phục vụ các thương vụ chuyển giao quyền SHTT. Ngoài ra, họ còn giúp chuyển đến các khách hàng quan tâm những thông tin quan trọng về các bằng sáng chế đang được rao bán hay nhượng quyền khai thác trên thị trường công nghệ.

Một đặc điểm nữa đối với các giao dịch về tài sản SHTT trên thị trường quốc tế là hình thức đấu giá để đảm bảo quyền lợi tối đa cho bên bán bằng sáng chế. Hình thức giao dịch này tạo điều kiện cho thị trường SHTT trở nên hấp dẫn, sôi động và thuận tiện hơn trong giao dịch. Khi công ty viễn thông Nortel của Canada phá sản vào năm 2009, tài sản lớn nhất của công ty còn lại là danh mục hơn 6.000 bằng sáng chế của công ty, phần lớn về công nghệ không dây 4G. Danh mục bằng sáng chế này đã được đấu giá vào năm 2011 để thu hồi các khoản nợ của Nortel cho các chủ nợ. Liên minh Microsoft, Apple, RIM, Ericsson và Sony dưới tên "Rockstar Bidco." đã thắng Google và mua lại được danh mục bằng sáng chế này vói một giá "sốc" là 4,5 tỷ USD (khoảng 750.000 USD/bằng sáng chế) [5]. Thương vụ đấu giá này đã mở ra hàng loạt các giao dịch lớn về bằng sáng chế sau đó.

TS. Lê Bá Tân

(còn nữa)

(TCTTTT Kỳ 2/5/2014)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Sáng chế công nghệ và sức mạnh cạnh tranh của doanh nghiệp ICT (P1)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO