Sắp khánh thành trung tâm ĐMST Quốc gia tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc
Cơ sở mới của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (NIC Cơ sở Hòa Lạc) sẽ chính thức được khánh thành vào cuối tháng 10 tới.
Quy tụ, dẫn dắt và kết nối, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo (ĐMST) hoàn chỉnh trên toàn quốc
Ngày 14/10/2023, NIC đã giới thiệu cơ sở hoạt động mới của Trung tâm tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (NIC Cơ sở Hòa Lạc) với truyền thông, sẽ chính thức khai trương trong tháng 10.
Chia sẻ về sứ mệnh, nhiệm vụ của NIC, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC, cho biết ngày 02/10/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ra thành lập NIC tại Quyết định số 1269/QĐ-TTg, là đơn vị trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT). NIC có chức năng hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐMST của Việt Nam, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học và công nghệ.
Là hạt nhân cho việc phát triển hệ sinh thái ĐMST Việt Nam, NIC hướng tới trở thành Trung tâm ĐMST hàng đầu khu vực, góp phần thúc đẩy chuyển đổi căn bản tương lai kinh tế Việt Nam, đưa đất nước đến những giai đoạn phát triển nhanh và bền vững.
Sứ mệnh của NIC là trở thành nơi quy tụ, dẫn dắt và kết nối nhằm xây dựng một hệ sinh thái ĐMST hoàn chỉnh trên phạm vi toàn quốc; cung cấp cơ sở hỗ trợ DN ĐMST, chú trọng đẩy mạnh hoạt động chuyển giao, nghiên cứu phát triển và thương mại hóa công nghệ trong một môi trường thử nghiệm thể chế thuận lợi để đảm bảo sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.
Ông Vũ Quốc Huy cho biết đây là một chức năng, nghĩa vụ rất quan trọng của NIC nhằm thúc đẩy mục tiêu lớn của đất nước là tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và ĐMST.
“Chúng tôi đã xây dựng được một hệ thống các đối tác lớn. Trong hệ sinh thái của chúng tôi có rất nhiều DN, tập đoàn trong nước và quốc tế, rất nhiều các quỹ đầu tư, các tổ chức hỗ trợ ĐMST và hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước. Chúng tôi đã hợp tác với nhiều tập đoàn như Google, Meta, Amazon trong các chương trình, dự án thúc đẩy ĐTST, phát triển nguồn nhân lực.
Chẳng hạn như trong mối hợp tác với Google, chương trình Google for Startups, hay chương trình nhân tài số, vừa đào tạo, kết nối startup, vừa có khóa đào tạo nâng cao năng lực cho các đối tượng là sinh viên, giáo viên, các cán bộ và nhân viên của các DN, startup, các DN ĐMST để nâng cao kỹ năng tiếp cận thị trường, thương mại hóa và xây dựng các kỹ năng về công nghệ 4.0”, ông Vũ Quốc Huy nói.
Về mục tiêu phát triển nguồn nhân lực, Giám đốc NIC cho biết Bộ KH&ĐT đang xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn và theo nhiệm vụ được Chính phủ giao, mục tiêu đến năm 2030 là phát triển, xây dựng lượng nhân sự khoảng 50.000 kỹ sư cho ngành bán dẫn để cung cấp cho các DN cả trong và ngoài nước.
“Chúng ta cung cấp đội ngũ kỹ sư này cho các DN trong và ngoài nước. Khi các kỹ sư tích lũy đủ kinh nghiệm, họ sẽ có thể tự khởi nghiệp rồi quay trở lại đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Đây là mô hình rất nhiều các quốc gia trên thế giới đang triển khai”, ông Huy nói.
Phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài là một trong những mục tiêu quan trọng của NIC. Một cách thu hút nhân tài đặc biệt của NIC là xây dựng một mạng lưới ĐMST tại Việt Nam, trong đó có rất nhiều chuyên gia ở các nước trên thế giới.
“Các chuyên gia không nhất thiết phải về Việt Nam mới có thể đóng góp cho Việt Nam. NIC sẽ có các chương trình, dự án mà họ có thể hợp tác, hỗ trợ các hoạt động của NIC, tập trung thúc đẩy khoa học công nghệ, ĐMST, hỗ trợ các DN. Trong quá trình hợp tác, một phần các chuyên gia là những thành viên của mạng lưới, mặt khác họ cũng có thể phát triển các lĩnh vực nghiên cứu của mình cũng như tìm các đối tác nghiên cứu và đối tác hợp tác kinh doanh”, ông Huy chia sẻ.
Theo ông Huy, Việt Nam có lợi thế lớn trong thu hút đầu tư nhờ nền kinh tế - xã hội ổn định, sự quyết tâm của chính phủ cùng những chủ trương mạnh mẽ, thúc đẩy công nghệ ĐMST. “Chúng ta đã có một hệ thống chính sách ưu đãi đầu tư nói chung cũng như ưu đãi trong việc phát triển các ngành công nghệ trọng tâm nói riêng và ưu đãi cho việc phát triển các dự án khởi nghiệp sáng tạo”, Giám đốc NIC nói.
Mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo
Là Trung tâm ĐMST Quốc gia đầu tiên được xây dựng theo chuẩn mực quốc tế phổ biến tại Việt Nam, NIC sẽ hoạt động trên nguyên tắc đảm bảo phát huy hiệu quả vai trò của một trung tâm đi đầu, là một mắt xích quan trọng trong hệ thống các trung tâm ĐMST để hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc kiêm nhà sáng lập của Digman, một startup chuyên về công nghệ in 3D, có văn phòng tại cơ sở NIC ở ngõ 7 phố Tôn Thất Thuyết, Hà Nội, cho biết NIC đã hỗ trợ Digman rất nhiều về chi phí văn phòng, nhà xưởng và điều quan trọng hơn là NIC đã giúp startup kết nối với các đối tác, khách hàng và nhà đầu tư.
Digman là viết tắt của chữ digital manufacturing, có nghĩa là nhà máy sản xuất KTS. Sứ mệnh khi thành lập Digman là biến mọi ý tưởng mọi người thành một sản phẩm vật lý, có nghĩa là biến từ ảo thành thật.
Để thực hiện sứ mệnh đó, Digman lựa chọn công nghệ in 3D, đối tượng khách hàng thường là các trung tâm nghiên cứu, viện nghiên cứu, các bệnh viện và các công ty sản xuất phần cứng. Hiện tại Digman đang tập trung vào hai mảng chính, đó là mảng về y tế, chăm sóc sức khỏe và thứ hai là mảng về sản xuất công nghiệp.
Cũng là một startup và đang trên đà phát triển, công ty an ninh mạng SCS cũng có văn phòng tại cơ sở NIC ở ngõ 7 Tôn Thất Thuyết. Ông Vũ Thanh Thắng, nhà sáng lập của công ty an ninh mạng SCS, cho biết SCS là một công ty an ninh mạng thế hệ mới với các dịch vụ an ninh mạng được kiểm soát ở trên cloud.
SCS đã ra sản phẩm SafeGate ứng dụng công nghệ đám mây (cloud), giải quyết ba vấn đề chính mà gia đình, trường học hay DN vừa và nhỏ đang gặp phải. Thứ nhất, đó là bảo vệ trẻ em trên không gian mạng; thứ hai là tính năng chặn, giới hạn thời gian truy cập vào các mạng xã hội hay ứng dụng chơi game; thứ ba là khả năng chặn phòng, chống mã độc.
“Rất là may mắn khi SafeGate thành lập, và là một startup trong lĩnh vực an ninh mạng, một trong các lĩnh vực mà NIC ưu tiên thúc đẩy. Vì vậy, NIC đã hỗ trợ SCS rất nhiều, từ việc có một văn phòng làm việc hiện đại và tiện nghi, đến việc NIC là một hub kết nối DN, vì vậy đã giúp SCS thuận lợi phát triển”, nhà sáng lập của SCS cho biết.
Theo ông Vũ Thanh Thắng, những hỗ trợ ban đầu này sẽ giúp các startup có cơ hội bật lên phát triển mạnh mẽ hơn. Đó là có thể hưởng lợi từ mối liên kết giữa các DN trong hệ sinh thái của NIC. Ngoài ra, NIC tổ chức các hội thảo và kết nối trong và ngoài nước, giúp DN có thể tiếp cận với đối tác và cả các quỹ đầu tư, thuận tiện hơn gọi vốn.
Dưới đây là một số hình ảnh về NIC Cơ sở Hòa Lạc:
NIC Cơ sở Hòa Lạc sẽ chính thức được khánh thành vào cuối tháng 10. Đồng thời, từ ngày 28/10 - 01/11/2023, sẽ diễn ra Triển lãm quốc tế ĐMST Việt Nam năm 2023 (VIIE 2023). Trong 5 ngày diễn ra, triển lãm sẽ có các hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm và các giải pháp công nghệ mới trong 8 lĩnh vực trọng tâm của NIC, bao gồm: Nhà máy thông minh, đô thị thông minh, nội dung số, an ninh mạng, công nghiệp bán dẫn, công nghệ môi trường, công nghệ hydrogen và công nghệ y tế.
Trong khuôn khổ Triển lãm, sẽ diễn ra nhiều hoạt động như: Các hội thảo quốc tế chuyên ngành; Diễn đàn Quỹ Đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (VVS); Ngày hội STEAM & Robotics; Gala trao giải Better Choice Awards…/.