Sách và cuộc sống

Sạt lở đất, lỗi lớn là ở con người?

Linh Phương 04/12/2023 08:48

Nhìn lại những vụ sạt lở đất ở nước ta, nguyên nhân sâu xa đều có dấu ấn của tác động con người.

5-sat-lo-tai-soc-son.jpg
Sạt lở đất tại Sóc Sơn.

Năm nay, chúng ta phải chứng kiến nhiều vụ sạt lở đất rất nghiêm trọng:

Ngày 29/6, bờ ta luy chắn đất cao khoảng 30m ở đường Yên Thế (Đà Lạt, Lâm Đồng) sạt lở, hàng ngàn khối đất đá đổ xuống đường Hoàng Hoa Thám làm 2 người thiệt mạng, 5 người bị thương.

Ngày 30/7, sạt lở mái ta-luy dương trên quốc lộ 20, vùi lấp Trạm Cảnh sát giao thông Mađagui đoạn giữa đèo Bảo Lộc, 3 cán cảnh sát giao thông Lâm Đồng hy sinh và 1 chiến sĩ công an nghĩa vụ vừa xuất ngũ tử nạn.

Ngày 5/7, sạt lở đất xảy ra tại thôn Ngàm Đăng Vài (Ngàm Đăng Vài, Hoàng Su Phì, Hà Giang) làm 2 người tử vong, 2 người bị thương.

Ngày 23/10, tại Đà Lạt lại xảy ra vụ trượt đất tại công trình xây dựng nhà ở đường Khởi Nghĩa Bắc Sơn, bờ ta luy cao 6m bị gãy, hàng trăm m3 đất trượt xuống các nhà dân bên dưới.

sat1.png
Sạt lở đất tại Bảo Lộc.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), những khu vực dễ bị sạt lở nhất là: vùng có địa hình dốc, vùng đất từng bị cháy rừng, vùng đất đã bị con người tác động làm biến đổi, vùng đất dọc theo sông suối.

Nhìn lại những vụ sạt lở đất ở nước ta, nguyên nhân sâu xa đều có dấu ấn của tác động con người. Ở những vùng đất dốc, khi làm nhà, người ta thường khoét sâu vào đồi, núi, san đất để tạo mặt bằng; nếu làm nhà ở vùng thấp thì xây ta luy rồi đổ đất cao lên làm nền. Vùng miền núi Tây Bắc, người ta khoét sườn đồi sườn núi rồi dựng nhà áp sát vào. Ngôi nhà nằm ngay bên dưới hàng triệu tấn đất đá chênh vênh trên đầu. Hoặc dựng nhà trên mép vực, từ hiên nhà có thể nhìn xuống vực sâu hun hút ngay bên dưới. Ở những đô thị mật độ dân cư dày đặc như Đà Lạt, Sa Pa, nhà chồng lên nhà trên những sườn đồi, sườn núi là thường. Sau những đợt mưa dài ngày, đất ngấm nước, nền đất yếu đi, nguy cơ xảy ra sạt lở đất ở những khu vực này là rất cao.

Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ nhận định có 3 nguyên nhân chính gây ra sạt lở đất là đặc tính địa chất của đất, hình thái của đất và hoạt động của con người tác động lên đất. Loại trừ yếu tố địa chất, hai yếu tố còn lại đều liên quan đến con người. Thảm thực vật giữ cho đất không bị xô lệch. Khi rừng bị cháy hoặc bị chặt phá, lượng nước mưa không được điều tiết sẽ làm đất dễ dàng bị trượt, sụt... Hoạt động tưới tiêu, khai thác nước ngầm, xây dựng đều có thể làm đất mất ổn định, suy yếu.

Sạt lở đất thường xảy ra sau những đợt mưa lớn kéo dài. Vì vậy, người ta có xu hướng coi mưa là nguyên nhân gây ra thảm họa thiên tai này. Nhưng khi trả lời TTXVN, GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, không đồng tình với nhận định này. Ông cho rằng “Mưa lớn không phải nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở, nó chỉ đang kích hoạt quả bom nổ chậm”. Suốt mấy chục năm qua, ở nước ta, rừng tự nhiên bị phá để lấy đất trồng cây lâu năm, lấy đất ở. Khi làm đường, thay vì làm hầm xuyên núi như kinh nghiệm của thế giới thì bạt núi mở đường, thiết kế độ dốc ta luy không hợp lý. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phá rừng nguyên sinh để trồng cây công nghiệp, cây ăn quả tràn lan sẽ gây hậu quả khôn lường, vì rừng trồng công nghiệp không thể ngăn lũ lụt, sạt lở đất. Để giữ được nước, thấm nước, phải là rừng tự nhiên có thảm thực vật dày từ 50-100cm. Để khôi phục thảm thực vật rừng tự nhiên, mất ít nhất 50 năm.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cũng thừa nhận trong cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ ngày 5/8/2023, rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến sạt lở, trượt lở sườn đồi, núi là do tác động của con người. Các nhà chuyên môn nhận định rằng tình hình sạt lở đất ở nước ta đang có nguy cơ ngày càng nhiều. Trước đây, sạt lở đất thường chỉ xảy ra ở miền núi, nhưng gần đây, cả ở vùng đất thấp cũng có hiện tượng bị trượt sạt. Vụ sạt đất ở vùng Sóc Sơn, Hà Nội hồi đầu tháng 8/2023 là một ví dụ. Người dân ở khu vực này nói rằng họ chưa từng thấy bùn chảy cuồn cuộn từ trên núi xuống như thế suốt 30 năm sống ở khu vực này. Khu vực này chỉ xảy ra sạt đất sau khi có nhiều người tới đây phá rừng, bạt đất chân đồi để xây dựng các khu nghỉ dưỡng.

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, khởi đầu một vụ sạt lở đất là mặt đất xuất hiện các vết nứt. Sau đó, nước lẫn bùn rỉ ra dưới chân sườn dốc, cây cối trên sườn dốc bị nghiêng đổ. Nếu vết nứt đất càng lớn, sâu, thì khả năng trượt lở đất càng cao. Trước những vụ sạt lở đất, người ta thường nghe thấy tiếng nổ lớn. Tiếng nổ phát ra là do đất nứt.

Khi phát hiện các dấu hiệu của sạt lở đất, chính quyền địa phương cần di dời khẩn cấp người dân sống trong khu vực nguy cơ cao đến nơi an toàn, sau đó tính toán phương án ứng phó. Mặt khác, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ sự nguy hiểm của việc san gạt, làm mất chân sườn dốc lấy mặt bằng xây dựng.

Sau đây là một số khuyến nghị đưa ra bởi các nhà khoa học nhằm giảm nguy cơ sạt lở đất:

Duy trì độ che phủ của rừng, đây là việc làm đặc biệt quan trọng ở những khu vực dễ bị sạt lở đất. Thông thường, những khu vực này bao gồm các sườn dốc, lõm hoặc có mực nước ngầm; đất có độ kết dính thấp và nông bị bao phủ bởi đá gốc.

Trồng và giữ lại cây ở chân dốc dọc theo đường bộ và đường sắt sẽ giảm thiểu rủi ro đối với các cơ sở hạ tầng này.

Sức khỏe của rừng sẽ là những yếu tố chính trong việc duy trì hệ thống rễ cây phát triển mạnh trước những căng thẳng liên quan đến biến đổi khí hậu. Bảo vệ chống xói mòn bề mặt và xây dựng rãnh thoát nước cũng rất quan trọng trong việc giảm tỷ lệ sạt lở đất.

Nên tập trung trồng cây gỗ và cây bụi ở những nơi có độ dốc rủi ro cao. Việc trồng rừng trên toàn bộ lưu vực, vốn sẽ tốn kém và có thể gây xung đột với các mục đích sử dụng đất khác.

Trồng trọt trên sườn dốc nơi địa chất không ổn định gây mất an toàn, chúng ta phải xây dựng các biện pháp kỹ thuật nhằm giảm sạt lở đất như đào rãnh thoát nước, trồng xen canh các cây có độ bám rễ tốt, độ phủ cao nhằm tăng tính ổn định của đất./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Sạt lở đất, lỗi lớn là ở con người?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO