Sau mạng 2G, ADSL đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ”

Thế Phương| 13/02/2021 11:10
Theo dõi ICTVietnam trên

Từ mức gần 3,5 triệu thuê bao tính đến tháng 11/2015, chỉ sau 5 năm, số lượng thuê bao xDSL chỉ còn ở gần 71.000. Nếu như mạng 2G sẽ bị khai tử vào quý 1/2022 thì mạng Internet ADSL cũng đang đếm lùi ngày tồn tại của mình.

Sau mạng 2G, ADSL đứng trước nguy cơ “xóa sổ” sau vài năm nữa - Ảnh 1.

Mạng ADSL từng được ông Trương Đình Anh, cựu CEO FPT mô tả như "một cơn sóng thần" với FPT vào thời điểm 2003, đang đứng trước nguy cơ xóa sổ.

Sau 5 năm, số thuê bao ADSL giảm 48 lần

Theo Thông tư 43 về 'Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất - phần truy cập vô tuyến' mới được Bộ TT&TT ban hành cuối tháng 1/2021, tất cả máy điện thoại di động sản xuất hoặc nhập khẩu vào Việt Nam từ 1/7 phải được tích hợp công nghệ E-UTRA (tức công nghệ 4G). Động thái này được xem là một bước chuẩn bị cho lộ trình tắt sóng 2G dự kiến vào quý 1/2022, cũng như chủ trương "phủ sóng" smartphone trên toàn quốc.

Việt Nam hiện có 87 triệu thuê bao sử dụng smartphone trên tổng số 65 - 70 triệu dân số có thể sử dụng điện thoại. Trong đó, số máy điện thoại chỉ dùng được 2G đã giảm từ hơn 30 triệu máy năm 2019 xuống còn khoảng 24 triệu máy.

Không chỉ mạng 2G mà một công nghệ "đình đám" một thời là mạng ADSL cũng đang đứng trước nguy cơ "xóa sổ" khi số thuê bao liên tục giảm mạnh mỗi năm. Theo thống kê của Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), tính đến tháng 11/2020, số lượng thuê bao truy cập Internet qua hệ thống cáp quang FTTH đạt 15.606.891 thuê bao, còn số thuê bao xDSL đạt 70.984 thuê bao.

Như vậy, so với cùng kì năm ngoái, tổng số thuê bao cáp quang FTTH đã tăng hơn 2 triệu thuê bao, nhưng số thuê bao xDSL giảm hơn 58.000 bao thuê bao, từ mức hơn 129.000 thuê bao của tháng 11/2019.

Cũng theo thống kê của Cục Viễn thông, vào thời điểm tháng 11/2015, số lượng thuê bao xDSL còn đạt mức 3.468.085 thuê bao, gần bằng số lượng thuê bao cáp quang FTTH 3.360.171 thuê bao.

Như vậy, có thể thấy, chỉ sau khoảng 5 năm, trong khi số thuê bao cáp quang FTTH tăng khoảng 4,6 lần thì số thuê bao qua hình thức xDSL đã giảm hơn 48 lần.

Trước đây, sự ra đời và phát triển của mạng cáp đồng ADSL đã dẫn đến sự "khai tử" của mạng quay số (Dial-up) vào tháng 7/2012, sau gần 15 năm tồn tại, sau khi đóng góp quan trọng trong việc phổ cập Internet đến người dân Việt Nam. Thậm chí, các nhà mạng như FPT Telecom, Viettel… thậm chí còn "xóa sổ" Dial-up từ trước đó 4 năm. Tại thời điểm đó, FPT từng so sánh việc một khi đã đi ô tô rồi chẳng ai còn muốn đi xe đạp nữa. Ngày nay với sự bùng nổ mạng cáp quang FTTH, có lẽ chiếc ô tô đã bị thay thế bằng một chiếc máy bay với rất nhiều ưu điểm vượt trội.

Sau mạng 2G, ADSL đứng trước nguy cơ “xóa sổ” sau vài năm nữa - Ảnh 2.

ADSL giúp thay đổi tình trạng độc quyền về hạ tầng viễn thông

Theo ông Vũ Thế Bình, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA), ADSL là công nghệ băng rộng chạy trên hạ tầng cáp điện thoại công cộng, đã từng là cú "huých" lớn với Internet Việt Nam những năm 2003-2004. Hiện nay, Internet băng rộng cố định được cung cấp chủ yếu trên hạ tầng cáp quang. Tuy nhiên, một số địa bàn vẫn còn ADSL phần lớn ở những khu vực chưa được phủ cáp quang hoặc ở những khu tập trung mà ở đó chỉ có cáp điện thoại có thể dùng được, vì vậy vẫn còn một số lượng rất nhỏ các thuê bao ADSL.

Khi được hỏi về thời điểm ADSL sẽ bị "khai tử" giống như Dial-up ngày trước, ông Bình cho rằng khi cáp quang được phủ rộng hoặc băng rộng di động 3G-4G được phủ thì ADSL mới hết sứ mệnh của mình. "Với tình hình hiện nay thì có lẽ ở các vùng xa, vùng sâu, cần một vài năm nữa để quang hoá hoặc phủ băng rộng di động. Do đó, trong chừng mực nào đó, ADSL vẫn hữu dụng ở một số khu vực nhất định", ông Bình nhấn mạnh.

Nhận xét về sứ mệnh của mạng ADSL, ông Bình cho biết, năm 2003, khi VNPT triển khai cung cấp ADSL, cả 3 nhà mạng còn lại (FPT Telecom, NetNam, SPT) đều đứng trước nguy cơ "sập tiệm" vì đang phụ thuộc vào hạ tầng mạng điện thoại công cộng của VNPT. Các nhà mạng khác đã phải tìm con đường sống cho mình, để rồi FPT Telecom sau đó trở thành một trong những nhà cung cấp dịch vụ ADSL lớn. 

"Nhờ ADSL mà sau đó thay đổi tình trạng độc quyền về hạ tầng viễn thông tại Việt Nam, mở ra thời kỳ bùng nổ băng rộng ở Việt Nam. Từ đó, người dân được hưởng dịch vụ chi phí hợp lý và công nghệ hiện đại", ông Bình kết luận.

Sau mạng 2G, ADSL đứng trước nguy cơ “xóa sổ” sau vài năm nữa - Ảnh 3.

Ông Vũ Thế Bình: mạng ADSL đã giúp thay đổi tình trạng độc quyền về hạ tầng viễn thông, mở ra thời kỳ bùng nổ băng rộng ở Việt Nam.

Trong cuốn "Fox tự hào có anh" mà các đồng nghiệp dành tặng Trương Đình Anh trước ngày sang Mỹ đã kể về những khó khăn của FPT Telecom khi VNPT ra mắt dịch vụ ADSL MegaVNN. Theo đó, tháng 7/2003, dịch vụ ADSL MegaVNN ra đời đã tạo ra cơn sóng thần cấp 12 trên thị trường Internet. Cơn sóng thần này có thể quét sạch mọi thành quả mà FPT đã có và tự hào trong quá khứ khi mà năm 2002, FPT là là nhà cung cấp Dialup lớn thứ hai ở Việt Nam. Tuy nhiên, đến tháng 10/2003, FPT bắt đầu cung cấp dịch vụ ADSL và ngay tháng đầu tiên đã có gần 300 khách hàng sử dụng dịch vụ.

Để rồi, ADSL đã khiến lịch sử ngành Viễn thông Việt Nam đã lật sang một trang mới khi có hàng loạt công ty ùa ra cùng phát triển hạ tầng để giành lại sự sống cho chính mình.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Sau mạng 2G, ADSL đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO