Thứ trưởng Phan Tâm (bên trái, hàng đầu tiên) trong lễ khai trương 4G của Viettel. (Nguồn: Viettel)
- Thưa thứ trưởng, như vậy là Viettel đã chính thức khai trương 4G với vùng phủ sóng tới 95% dân số. Ông đánh giá thế nào về cách triển khai 4G của các nhà mạng hiện nay?
Thứ trưởng Phan Tâm: Sau một quá trình dài chuẩn bị thì vào tháng 10/2016, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép triển khai 4G cho bốn nhà mạng tại Việt Nam.
Từ thời điểm đó, các doanh nghiệp đã tích cực bắt tay vào triển khai mạng lưới. Cách triển khai, bước đi của các nhà mạng có cách tính toán khác nhau phụ thuộc vào chiến lược của từng doanh nghiệp.
Chúng tôi đánh giá cao chiến lược triển khai 4G mang tính chất đột phá của Viettel. Chương trình phát triển băng rộng Quốc gia đến 2020 nêu rõ đến mốc thời gian này mạng băng rộng quốc gia phủ sóng tới 95% dân số cả nước với tốc độ tối thiểu lên 4Mb ở vùng thành thị và 2Mb ở vùng nông thôn.
Với sự năng động, sáng tạo và khát vọng của mình, Viettel đã là doanh nghiệp đầu tiên thực hiện hoàn thành trước kế hoạch Chương trình phát triển băng rộng Quốc gia. Đây là một trong những mục tiêu mà Liên minh viễn thông quốc tế và Việt Nam hướng tới và là thành tựu có ý nghĩa đối với việc nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của ngành thông tin truyền thông Việt Nam cũng như của ngành kinh tế.
Tôi nghĩ rằng, dù khác nhau nhưng cách triển khai của mỗi nhà mạng đều hướng tới cái mục tiêu đạt hiệu quả cao nhất ở góc độ sản xuất kinh doanh và lợi ích đem lại cho xã hội, người tiêu dùng. Do đó, khó có thể nói nhà mạng nào sẽ thành công hơn về mặt dài hạn.
Tuy nhiên, về độ phủ cũng như tốc độ mà Viettel cam kết đem đến cho khách hàng hôm nay chắc chắn người tiêu dùng sẽ sớm được hưởng lợi. Bên cạnh đó, băng rộng 4G của Viettel sẽ đóng góp tích cực vào việc thực hiện chủ trương của Chính phủ trong việc thúc đẩy việc nắm bắt ngay cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, triển khai thành phố thông minh, đô thị thông minh, nông nghiệp công nghệ cao.
- Các nhà mạng khác đang có bước đi thế nào trong việc triển khai 4G, thưa ông?
Thứ trưởng Phan Tâm: Hiện theo thông tin chúng tôi nắm được, hai nhà mạng VNPT-VinaPhone và MobiFone đang dự kiến trong một vài tháng tới sẽ triển khai thương mại hóa chính thức mạng công nghệ 4G với quy mô nhỏ hơn.
- Bộ sẽ giám sát thế nào về cam kết của nhà mạng về chất lượng mạng 4G để bảo vệ người dùng khi mà tốc độ 3G trước đây được xem là không đạt yêu cầu?
Thứ trưởng Phan Tâm: Khi xem xét cấp phép, Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các nhà mạng cam kết trong giấy phép về lộ trình phủ sóng cũng như chất lượng trong vùng phủ sóng. Tới nay, trước khi khai trương, Viettel đã công khai trên website của mình vùng phủ cũng như tốc độ tối thiểu cam kết.
Theo đó, ở vùng lõi 4G cam kết tối thiểu 5Mbps và ở vùng biên là 2Mbps và tốc độ này đã cao hơn so với 3G trước đây.
Bộ cũng đã chỉ đạo Cục Viễn thông lên kế hoạch đi đánh giá chất lượng nhà mạng công bố với khách hàng để đảm bảo đúng cam kết đưa ra. Tại Cục Viễn thông có cơ quan đo lường, thực hiện đo kiểm định kỳ và đo kiểm đột xuất khi có phản ánh của người dân.
Mặt khác, một trong những yếu tố đảm bảo chất lượng là tính cạnh tranh, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các nhà mạng, giúp người tiêu dùng được sử dụng dịch vụ chất lượng tốt nhất.
- Trong trường hợp nhà mạng không làm đúng cam kết sẽ bị xử lý thế nào?
Thứ trưởng Phan Tâm: Hiện nay, vi phạm của các nhà mạng được xử lý theo Nghị định 174 . Chúng tôi đang có kế hoạch sửa đổi bổ sung Nghị định này để tăng cường chế tài phạt.
Tuy nhiên, như tôi nói, xử phạt vi phạm hành chính chỉ là một trong những cơ chế mà quan trọng nhất là thúc đẩy các nhà mạng nâng cao chất lượng để phục vụ người dân ngày một tốt hơn thông qua cơ chế cạnh tranh. Và, đây là điều mà Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện lâu nay.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng!