"Siêu xe chữa cháy" của những nông dân hai lúa

Nghiêm Túc| 17/04/2020 16:08
Theo dõi ICTVietnam trên

Chứng kiến những vụ cháy xảy ra tại thôn xóm và trên cù lao Phú Tân, tỉnh An Giang, Đội chữa cháy của những nông dân tay lắm chân bùn với những "siêu xe chữa cháy" có một không hai được thành lập. Quyết tâm của đội là góp một phần công sức trong công tác phòng cháy và chữa cháy tại địa phương.

Đến với mảnh đất cù lao huyện Phú Tân, tỉnh An Giang với địa hình phức tạp, kênh rạch chằng chịt, đường giao thông nông thôn chật hẹp, chỉ cần hỏi về đội cứu hỏa của những nông dân hai lúa thì ai cũng rành như sáu câu vọng cổ. 

Đội cứu hỏa hai lúa

Được thành lập hơn 05 năm qua, ban đầu chỉ có vỏn vẹn 10 thành viên, với 01 xe đẩy tay lưu động thô sơ chứa nước để chữa cháy, nhưng đến thời điểm hiện tại đã có hơn 30 thành viên. Các thành viên đội cứu hỏa người nhỏ nhất cũng trạc 35 tuổi, người lớn nhất cũng hơn 70 tuổi, mỗi người một việc cứ thế mà nhịp nhàng. Điều đặc biệt nhất của đội cứu hỏa này đó là tất cả thành viên đều là những người nông dân đích thực và phục vụ bà con hoàn toàn tình nguyện mà không nhận một đồng thù lao nào. 

Ông Huỳnh Bảo Ý, Đội trưởng đội cứu hỏa cho biết: "Vào năm 2015, ấp Hòa Hưng 1, xã Hòa Lạc , huyện Phú Tân xảy ra 01 vụ cháy làm thiêu rụi 2 căn nhà, hư 2 căn. Thấy được thiệt hại quá lớn từ cháy nổ gây ra, từ chỗ đó, anh em tụi tui mới ngồi tâm sự và bàn với nhau làm một chiếc xe chữa cháy hoàn toàn tự chế để phục vụ cho cô bác và bà con nông dân nơi đây."

"Siêu xe" của đội cứu hỏa hai lúa

Mặc dù những chiếc xe cứu hỏa là tự chế, nhưng chi phí đầu tư cho một chiếc xe chữa cháy như vậy cũng ngốn gần 120 triệu, tất cả nguồn lực chủ yếu do các thành viên trong đội và mạnh thường quân đóng góp. Ai có tiền thì ủng hộ tiền, ai có công thì góp công, mỗi người một việc. Qua những hiệu quả ban đầu mang lại, đầu năm 2018, từ nguồn kinh phí, đội chữa cháy hai lúa tiếp tục trang bị và cải tiến thành chiếc xe chữa cháy chuyên nghiệp. Từ một chiếc xe tải cũ và tận dụng chiếc máy suốt lúa, các thành viên đã cải tiến làm thành 02 chiếc xe cứu hỏa. Bồn chứa được chế thành từng ngăn và trang bị thêm một chiếc máy dầu nhỏ để bơm nước trực tiếp từ sông lên bồn chứa nước của xe. Một xe có dung tích khoảng 2.500 lít và xe còn lại thì 4.000 lít nước. 

Ngoài ra, đội còn trang bị thêm ống dẫn nước dài hơn 100m, lực nước bắn xa hơn 30m, để tiện dụng và dập lửa hiệu quả hơn. Mặc dù chẳng qua trường lớp đào tạo nào, nhưng những kỹ sư tay ngang này đã sáng chế ra những chiếc xe chữa cháy vô cùng độc đáo và đầy tiện ích. 

Ông Huỳnh Bảo Ý, Đội trưởng đội cứu hỏa cho biết thêm: "Toàn bộ là anh em làm ruộng, nhưng với kinh nghiệm sẵn có, tôi thì phụ trách vẽ thiết kế xe, người thì hàn tiện, trong quá trình vận hành xe mà có lỡ hư hao hay trục trặc gì thì mỗi cá nhân anh em trong đội mỗi người mỗi việc sẽ đảm trách bảo dưỡng vàsửa chữa xe."

Ông Nguyễn Ngọc Sang, cư trú xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang nhận xét: "Thấy mô hình đội PCCC này rất hay, tinh thần rất tốt, làm việc rất sôi nổi và nhiệt tình, khi có sự cố cháy xảy ra, điện thoại là người ta tới liền, dù ban ngày hay đêm khuya, nên rất an tâm."

Vốn là những nông dân "chân lấm tay bùn", những thành viên đội cứu hỏa mỗi người mỗi hoàn cảnh, trở thành những người lính chữa cháy ban đầu gặp rất nhiều khó khăn vì không có kiến thức lẫn nghiệp vụ chữa cháy. Nhưng với tinh thần quyết tâm, các thành viên trong đội đồng lòng tự mình học hỏi và trang bị kiến thức thông qua sách báo, kênh truyền hình và tham gia những buổi tập huấn của các cơ quan chức năng tổ chức. Dần dần, những nông dân này gần như trở thành những người lính cứu hỏa chuyên nghiệp. 

Những kỹ sư tay ngang mang đậm chất nông dân cải tiến xe chữa cháy.

Nhận định và đánh giá về hiệu quả mà đội cứu hỏa hai lúa mang lại, Đại úy Lê Thanh Nhân – Đội trưởngđội Cảnh sát PCCC & CNCH khu vực huyện Phú Tân, tỉnh An Giang cho biết: "Mô hình, ý tưởng, sáng kiến thành lập Đội chữa cháy của chú Huỳnh Bảo Ýmang lại hiệu quả rất cao, phù hợp với địa bàn dân cư. Nó giống như một cánh tay nối dài của Đội PCCC khu vực huyện Phú Tân, phát huy được hiệu quả, phương châm 4 tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần và vật tự tại chỗ. Phương châm này mà ngày càng lớn mạnh thì việc kiềm chế cháy nổ xảy ra trong dân sẽ càng hiệu quả hơn".

Từ khi có các xe chữa cháy của đội chữa cháy hai lúa, người dân và chính quyền địa phương Phú Tân phần nào bớt lo sợ và ám ảnh từ những vụ cháy. Bỏ lại sau lưng những nỗi vất vả, lo toan của cuộc sống ngày thường, những nông dân ấy luôn sẵn sàng hỗ trợ người dân chữa cháy dù bất cứ nơi đâu, bất chấp ngày hay đêm. Và cứ thế, những "chuyến xe hào hiệp" do những kỹ sư tay ngang này lại bắt đầu lăn bánh với hy vọng góp phần giảm thấp nhất thiệt hại do hỏa hoạn gây ra.

"Tụi tui mong muốn làm ra xe và trang bị xe thật sự ngon lành nhưng mà phải thất nghiệp. Bởi vì trang bị xe cho nó tốt, để hỗ trợ bà con, nhưng không có cháy nổ xảy ra, đó mới là cái mong muốn lớn nhất của tui và anh em trong đội."- Ông Huỳnh Bảo Ý, Đội trưởng đội cứu hỏa, tươi cười tâm sự.



Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
"Siêu xe chữa cháy" của những nông dân hai lúa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO