Sinh viên CNTT phải luôn mới, luôn khát vọng

Đình Nam| 14/02/2017 08:54
Theo dõi ICTVietnam trên

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắn gửi điều này khi trò chuyện với các sinh viên Đại học FPT chiều 13/2.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trò chuyện với sinh viên, giảng viên Đại học FPT. Ảnh: VGP/Đình Nam

Sau khi đi thăm cơ sở vật chất của Đại học FPT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nghe lãnh đạo nhà trường nói về chiến lược phát triển của Đại học FPT trong thời gian qua và mục tiêu trong thời gian tới, trước khi nói chuyện với hàng trăm sinh viên, giảng viên nhà trường.

Phó Thủ tướng khẳng định công nghệ thông tin (CNTT) có vai trò ngày càng quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và phong trào khởi nghiệp sáng tạo được nhắc đến nhiều. Điều quan trọng, các bạn sinh viên phải tự tìm hiểu về những cơ hội, thách thức cũng như cơ hội thực sự mà cuộc cách mạng lần thứ tư mang lại.

“Một trong những đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là kết nối, không chỉ giữa các thiết bị mà còn ở tất cả mọi giác độ, mọi tầng lớp của đời sống chính trị-xã hội, không giới hạn ở một đơn vị, một mái trường, một tỉnh, một quốc gia và hơn thế nữa là kết nối toàn cầu”, Phó Thủ tướng nói.

Nhắc lại thời điểm Việt Nam mạnh dạn lựa chọn công nghệ số hóa - cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba trong khi nhiều nước đang lưỡng lự, Phó Thủ tướng cho rằng ngành CNTT của Việt Nam cũng như những ngành liên quan đã phát triển mạnh mẽ từ cuộc cách mạng này, nhưng vẫn còn những thời cơ chưa được tận dụng. Và thực tế dù đã có những kế hoạch, đề án phát triển thành nước mạnh về CNTT, với dân số trẻ, quy mô lớn, được đánh giá cao về năng lực… nhưng Việt Nam vẫn chưa đạt được được mục tiêu khi Chính phủ điện tử mới dừng ở vị trí 80-90 thế giới. Thị trường dịch vụ CNTT đạt 3 tỷ USD so với con số 943 tỷ USD của thị trường toàn cầu.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và sinh viên, giảng viên Đại học FPT. Ảnh: VGP/Đình Nam

“Trước khi chúng ta nghĩ đến việc tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thì cần phải tận dụng ngay những lợi thế còn lại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba”, Phó Thủ tướng nêu vấn đề và phân tích cụ thể: Có ý kiến nói do chính sách của Nhà nước, do DN của Việt Nam yếu nhưng điều quan trọng ai cũng nhận ra là lực lượng làm CNTT của chúng ta còn mỏng về số lượng, yếu về chất lượng. Trong đó có nguyên nhân quan trọng từ môi trường giáo dục đại học chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, của nền kinh tế.

“Các bạn sinh viên phải có ước mơ, phải có khát vọng, thậm chí là thay đổi thế giới. Ngoài học để làm việc thật tốt thì các bạn phải nhân được tinh thần này ra cộng đồng sinh viên, trong xã hội, từ chuyên môn đến các kỹ năng mềm, thậm chí cả ý chí kinh doanh như khi tôi thăm một bạn trong ký túc xá ở đây, bạn đã tham gia hoạt động kinh doanh và đã kiếm được tiền”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng chia sẻ: Đất nước Việt Nam bao nhiêu năm chiến tranh, bao nhiều người hy sinh, không làng xã nào không có liệt sĩ nhưng nếu đứng về kinh tế chúng ta đang ở vị trí 120 thế giới. Để Việt Nam bắt kịp các nước công nghiệp mới thì 20 năm tới đây chúng ta phải tăng trưởng ít nhất 8-9%/năm, nhưng cùng với đó là phải phát triển bền vững, không ảnh hưởng tới tương lai, bảo đảm công bằng xã hội. “Muốn như vậy, bản thân các bạn phải là những người thực sự khát vọng và phải thật mới”.

Cùng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải có cuộc cách mạng trong học tập, trong quản trị, trong chính sách về CNTT. Bởi những cơ hội từ một cuộc cách mạng không tự nhiên đến nếu không có sự dấn thân.

Phó Thủ tướng trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Đại học FPT. Ảnh: VGP/Đình Nam

“Chúng ta không thể trở thành nước mạnh về CNTT khi một số nước đã không sử dụng 2G, trong khi chúng ta mới khai trương 4G và 3G tốc độ còn chậm, chất lượng chưa cao. Chúng ta không thể tận dụng tốt cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nếu không có các quyết sách rất mạnh về chủ trương, thuế, tài chính để các DN phát triển các xa lộ thông tin rộng lớn; nếu không tháo gỡ được các vướng mắc khiến các DN khởi nghiệp sáng tạo phải đặt trụ sở ở Singapore, Mỹ”, Phó Thủ tướng trăn trở và nhấn mạnh đến sự chủ động, sáng tạo trước hết ở từng sinh viên, từng cơ sở đào tạo, từng doanh nghiệp để thấy hết được ý nghĩa kết nối của của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, để những người giỏi không phải đi tìm cơ hội làm việc ở nước ngoài, sinh viên tốt nghiệp đi làm ở những tập đoàn lớn không phải đào tạo lại.

“Tất cả các bạn sinh viên, trong đó có sinh viên CNTT, phải luôn ý thức được rằng ‘đất nước không thể bước ra đài vinh quang’ như lời Bác Hồ nói nếu không nuôi ước mơ ấy, không phải bằng duy ý chí mà phải khơi dậy mọi sáng tạo, giá trị riêng của từng người với khát vọng cháy bỏng hết mình”, Phó Thủ tướng nhắn gửi.

Cũng trong dịp này, Đại học FPT vinh dự đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì “những thành tích trong đổi mới chương trình, phương pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự lễ khai trương giai đoạn 2 của làng Phần mềm F-Ville. Ảnh: VGP/Đình Nam

* Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã dự lễ khai trương giai đoạn 2 của làng Phần mềm F-Ville (F-Ville 2) tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Tham dự buổi lễ còn có lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo; hơn 160 lãnh đạo cấp cao của các tập đoàn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc…

F-Ville 2 có diện tích sàn 28.000 m2, có khả năng đáp ứng 3.000 chỗ làm việc. Như vậy, cơ sở làm việc của FPT Software tại Hòa Lạc đã trở thành trung tâm xuất khẩu phần mềm lớn nhất Việt Nam với quy mô 5.000 nhân sự và định hướng trở thành trung tâm toàn cầu cung cấp dịch vụ chuyển đổi số. Song song với việc mở rộng quy mô, năm 2017, FPT Software có nhu cầu tuyển dụng 5.000 nhân lực ở tất cả các vị trí.

Cũng trong khuôn khổ của sự kiện khai trương Làng phần mềm F-Ville 2, FPT tổ chức Hội thảo và triển lãm công nghệ. Tại đây, các chuyên gia công nghệ của FPT Software đã giới thiệu và trình diễn các ứng dụng, giải pháp dựa trên các nền tảng công nghệ cốt lõi của cuộc cách mạng số như Internet of Things (IoT), Internet of Verhicle (IoV), Phân tích dữ liệu (Analytics), Robotics, Trí tuệ nhân tạo (AI-Artificial Intelligence), Phân tích dữ liệu hình ảnh… do FPT nghiên cứu và phát triển.

Năm 2017, FPT Software đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng 30%, đạt khoảng 300 triệu USD và tiếp tục đẩy mạnh mảng dịch vụ chuyển đổi số. Cùng với việc tiếp tục tăng trưởng mạnh về doanh thu, trong giai đoạn 2017-2020.

Phát biểu tại lễ khai trương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, trong thời gian tới Việt Nam cần tới 1 triệu lao động làm việc trong các lĩnh vực CNTT, dịch vụ CNTT, nội dung số. Nhưng hiện nay cả nước mới chỉ có 300.000 nhân lực trong ngành này. Do vậy, chúng ta còn nhiều việc phải làm. Trong đó, ngoài FPT xây dựng "làng" phần mềm, thì cần sự tham gia của nhiều doanh nghiệp khác đầu tư bài bản vào CNTT, để từ đó đưa Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trở thành một trong những trung tâm công nghiệp phần mềm của thế giới.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Khai trương Trung tâm Báo chí kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
    Trung tâm Báo chí được thành lập nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phóng viên (PV) trong nước, quốc tế đưa tin về Lễ kỷ niệm và chủ động, tích cực cung cấp thông tin của Ban Tổ chức về Lễ kỷ niệm.
  • Khám phá đất và người xứ Nghệ trên không gian số
    Thời gian qua, Bảo tàng Nghệ An đã mạnh dạn đưa công nghệ vào hoạt động trưng bày, để tiếp cận và thu hút du khách. Du khách đến với Bảo tàng Nghệ An từ chỗ "cấm sờ tay vào hiện vật" nay có thể được chạm tay vào hiện vật, cổ vật, được khám phá các danh lam, thắng cảnh, lịch sử, con người xứ Nghệ, thông qua không gian số 3D; khám phá kho dữ liệu lịch sử đã được số hóa... giúp Bảo tàng Nghệ An ngày càng hút khách, nhất là giới trẻ.
  • Báo chí và học giả quốc tế ca ngợi Chiến thắng Điện Biên Phủ
    Báo Resumen Latinoamericano của Argentina những ngày qua liên tục đăng các bài viết cùng nhiều hình ảnh tư liệu minh họa, ca ngợi Chiến thắng Ðiện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam.
  • Lãnh đạo doanh nghiệp nên làm gì trước “làn sóng” AI?
    Nhà lãnh đạo tương lai chắc chắn phải am hiểu công nghệ, cụ thể là trí tuệ nhân tạo (AI) và ‏‏dữ liệu lớn (big data‏‏). Người tạo thay đổi cho doanh nghiệp (DN) trong ứng dụng AI là CEO, COO và CFO, còn lãnh đạo công nghệ chỉ là người hỗ trợ.‏
  • Tháo gỡ rào cản nguồn nhân lực chất lượng cao ngành CNTT
    Nhằm tháo gỡ khó khăn trong đào tạo CNTT, Viện Quản trị và Công nghệ ABS (Đại học Thành Đô) ra đời với sứ mệnh cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo 100% sinh viên đủ phẩm chất, kỹ năng có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.
Đừng bỏ lỡ
Sinh viên CNTT phải luôn mới, luôn khát vọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO