Chuyển đổi số

Vận hành mô hình chính quyền hai cấp: Đồng bộ - Quyết liệt - Vì Nhân dân

Cục Chuyển đổi số - Cơ yếu 07/07/2025 18:12

Tuần qua, sự kiện chính trị - hành chính quan trọng nhất trong cả nước chính là việc các địa phương đồng loạt tổ chức Lễ công bố và chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp tại 34 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Sự kiện này không chỉ đánh dấu bước chuyển về mặt tổ chức bộ máy, mà còn thể hiện quyết tâm cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả phục vụ Nhân dân theo tinh thần đổi mới toàn diện của Đảng và Nhà nước.

Trung tâm phục vụ hành chính công xã Bờ Ngoong - tỉnh Gia Lai.

Tổ chức đồng bộ, thống nhất - Bước ngoặt trong cải cách hành chính

Ngày 30/6/2025, 34/34 tỉnh, thành phố trong cả nước đã đồng loạt tổ chức Lễ công bố các nghị quyết, quyết định của Trung ương và địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và thành lập tổ chức chính quyền địa phương hai cấp. Lễ công bố diễn ra trang trọng, nghiêm túc, thống nhất theo đúng hướng dẫn của Trung ương, với sự tham dự và chỉ đạo trực tiếp từ các đoàn công tác của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Ngay sau lễ công bố, nhiều địa phương đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, chào mừng một cách linh hoạt, sáng tạo, tạo khí thế phấn khởi, đoàn kết, thống nhất trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Cụ thể như tỉnh Hưng Yên tổ chức chương trình nghệ thuật "Giai điệu quê hương, niềm tin ngày mới" kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, chào mừng hợp nhất tình Hưng Yên và tỉnh Thái Bình; tỉnh Bắc Ninh tố chức Chương trình nghệ thuật Trống hội, bắn pháo hoa chào mừng thành lập tỉnh mới...

Từ ngày 01/7/2025, hệ thống chính quyền mới tại các địa phương chính thức đi vào vận hành. Các cấp ủy, chính quyền địa phương cấp tỉnh đã tổ chức hội nghị Ban Thường vụ, Ban Chấp hành để thông qua quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cho cấp ủy viên, kiện toàn Ủy ban kiểm tra và xây dựng lộ trình chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp.

100% Ban Thường vụ các tỉnh uỷ, thành uỷ sau hợp nhất, sáp nhập đã tổ chức Hội nghị lần thứ nhất, tập trung cho ý kiến về công tác cán bộ, một số nội dung liên quan đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan Nhà nước bảo đảm hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt.

Các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp uỷ, bộ máy chính quyền và Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh, cấp xã đã bước đầu ổn định, đi vào hoạt động, bảo đảm liên thông, đồng bộ, đúng các quy định, hướng dẫn của Trung ương.

100% các tỉnh, thành phố hợp nhất, sáp nhập đã hoàn thành việc tổ chức kỳ họp lần thứ nhất Ban chấp hành đảng bộ, tổ chức kỳ họp hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp để xem xét, quyết định thông qua nghị quyết về việc thành lập các ban của HĐND, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND; các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính trực thuộc và công tác nhân sự của HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp xã để xây dựng bộ máy vận hành thực chất, hiệu quả ngay từ ngày đầu.

Người dân đến làm TTHC tại Trung tâm phục vụ hành chính công Phường 1 Bảo Lộc - tỉnh Lâm Đồng.

Một điểm nhấn nổi bật là 100% Trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã, phường, đặc khu đã chính thức vận hành từ sáng 01/7.

Cán bộ, công chức, viên chức làm việc nghiêm túc, đúng giờ, không để xảy ra tình trạng xáo trộn, chồng chéo trong thực hiện nhiệm vụ. Các Trung tâm phục vụ hành chính công đi vào hoạt động tại 100% xã, phường, đặc khu với sự hỗ trợ kỹ thuật kịp thời, không để xảy ra gián đoạn trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).

Hệ thống công nghệ thông tin (CNTT), phần mềm chuyên ngành được vận hành ổn định, góp phần nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN).

Dư luận ghi nhận việc triển khai sáp nhập và vận hành bộ máy mới là “đồng bộ, đồng loạt, đồng thời”, thể hiện tầm nhìn chiến lược, tinh thần hành động quyết liệt của Đảng, đặc biệt dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Khó khăn bước đầu - Bài toán đồng bộ hạ tầng và công nghệ

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, quá trình vận hành chính quyền hai cấp vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập cần được khắc phục. Đó là một số địa phương trụ sở xã chưa bảo đảm diện tích, nhiều nơi chưa có nhà công vụ cho cán bộ ở xa.

Hệ thống phần mềm vận hành thử nghiệm, đặc biệt đối với phần mềm thử nghiệm hệ thống thông tin giải quyết TTHC theo mô hình chính quyền hai cấp còn một số nội dung chưa phù hợp với thực tế, cần tiếp tục hoàn thiện.

Các xã, phường mới chưa được trang bị đầy đủ thiết bị ký số hoặc chưa được cấp chứng thư số tương ứng với chức danh mới, gây khó khăn trong việc thực hiện ký số hồ sơ trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC. Một số địa phương chưa được cấp số tài khoản ngân hàng, chưa thực hiện việc đồng bộ thông tin lên Cổng thanh toán tập trung để phục vụ thanh toán trực tuyến trong giải quyết TTHC.

Phần mềm quản lý hộ tịch điện tử dùng chung còn thiếu ổn định Trong ngày đầu vận hành, hệ thống VNeID và Cổng Dịch vụ công quốc gia có biểu hiện quá tải, truy cập chậm, gây phiền hà nhất định cho người dân và cán bộ xử lý hồ sơ…

Người dân làm TTHC tại Trung tâm hành chính phường Bạc Liêu - tỉnh Cà Mau

Những bất cập này đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt hơn nữa của các bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ, hoàn thiện các điều kiện cần thiết cho vận hành bộ máy mới.

Kinh tế địa phương tăng trưởng tích cực, tạo đà cải cách

Dù đang tập trung cao cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy, các địa phương vẫn giữ vững nhịp độ phát triển kinh tế - xã hội. Ước tính 6 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận mức tăng trưởng GRDP 7,31% - cao nhất nhiều năm trở lại đây.

Nhiều địa phương có mức tăng GRDP vượt 10%, tiêu biểu như: Bắc Giang (14,01%); Quảng Ngãi (12,14%); Nam Định (11,84%); Đà Nẵng, Hải Dương, Hà Nam, Phú Thọ đều tăng trên 10%. Có 21 tỉnh, thành phố có mức tăng GRDP từ 8% đến dưới 10%; đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng 7,31% cả nước, đây cũng là mức tăng cao nhất trong nhiều năm, cao hơn đáng kể so với mức 6,42% của cùng kỳ năm 2024.

Các động lực tăng trưởng chính như công nghiệp chế biến - chế tạo, dịch vụ, du lịch đều tăng tốc. Môi trường đầu tư được cải thiện rõ rệt nhờ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, mở rộng chính sách visa và khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại. Nhiều địa phương đang dần hình thành các động lực phát triển mới, giảm phụ thuộc vào các ngành truyền thống.

Thực hiện chính quyền 2 cấp gắn với hoàn thiện văn kiện và nhân sự

Theo đánh giá của Văn phòng Trung ương Đảng, việc triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp đã được thực hiện khẩn trương, bài bản và hiệu quả, đảm bảo tính liên tục trong quản lý nhà nước và phục vụ Nhân dân. Tuy nhiên, khối lượng công việc phía trước còn rất lớn, nhất là tại các xã, phường mới sáp nhập.

Do đó, Văn phòng Trung ương Đảng kiến nghị tiếp tục duy trì các đoàn công tác của các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư để thường xuyên nắm bắt, chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các đảng uỷ, tỉnh uỷ, thành uỷ trực thuộc Trung ương trong việc thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp gắn với việc xây dựng hoàn thiện văn kiện, công tác nhân sự. Tăng cường kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả để điều chỉnh, khuyến khích nơi làm tốt, chấn chỉnh nơi làm chưa tốt.

Đảng uỷ Chính phủ bố trí nguồn lực tài chính từ ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư hạ tầng CNTT, cơ sở vật chất thiết yếu tại các xã, phường mới thành lập, đặc biệt là ở các địa phương miền núi, khó khăn; tiếp tục theo dõi, bố trí đủ kinh phí để giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu sớm, thôi việc do sắp xếp.

Hoàn thiện ban hành các quy định, hướng dẫn cụ thể hóa việc phân loại đơn vị hành chính xã, phường, đặc khu gắn với việc xác định chế độ, chính sách đối với từng loại hình đơn vị hành chính.

Chỉ đạo hoàn thiện và chuẩn hóa bộ TTHC và quy trình giải quyết nội bộ; tiếp tục đẩy mạnh tổ chức tập huấn về kiểm soát TTHC và nhiệm vụ xây dựng chính quyền số cho lãnh đạo và chuyên viên của các Trung tâm phục vụ hành chính công.

Chỉ đạo rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp, bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất. Đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống pháp lý và quy trình hành chính, đảm bảo thông suốt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Cấp mới chữ ký số, tích hợp hệ thống phần mềm chuyên ngành với hệ thống địa phương….

Tiến độ triển khai Kế hoạch 02-KH/BCĐTW tại xã Nậm Lầu - tỉnh Sơn La.

Các tỉnh uỷ, thành uỷ tăng cường tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, nắm tình hình hoạt động tại các xã, phường, đặc khu, kịp thời đánh giá công tác tổ chức, điều hành, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình vận hành chính quyền 2 cấp bảo đảm thực hiện TTHC thông suốt, hiệu quả, không bị gián đoạn.

Chỉ đạo cấp uỷ, tổ chức đảng chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thành công đại hội đảng các cấp, sớm hoàn thiện dự thảo các văn kiện và phương án nhân sự đại hội đảng bộ tỉnh, thành phố. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu đề ra năm 2025; đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên các lĩnh vực theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Quan tâm hỗ trợ bảo đảm về nơi làm việc, sinh hoạt của cán bộ, công chức từ tỉnh cũ về công tác tại tỉnh mới, đảm bảo đời sống và điều kiện làm việc.

Cùng với đó, rà soát và tháo dỡ các biển tên, biển chỉ dẫn giao thông không còn phù hợp để bảo đảm tính chính xác và an toàn cho người dân liên hệ và tham gia giao thông. Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của thiên tai bão, mưa lũ, chủ động triển khai công tác ứng phó phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương.

Việc vận hành mô hình chính quyền hai cấp là dấu mốc quan trọng trong tiến trình cải cách thể chế, tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Dưới sự lãnh đạo sâu sát của Trung ương Đảng, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, bước đầu đã tạo chuyển biến rõ rệt, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Việc tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, hoàn thiện thể chế và bảo đảm điều kiện thực thi trong thời gian tới là yêu cầu cấp thiết để mô hình mới phát huy hiệu quả thực chất, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Để bảo đảm triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp gắn với chuyển đổi số và cải cách TTHC theo đúng chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Văn phòng Trung ương Đảng – Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo đề nghị các địa phương, cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện nghiêm túc một số nội dung sau:

1. Thực hiện đầy đủ, đúng tiến độ các nhiệm vụ được giao tại Thông báo kết luận số 05-TB/BCĐTW và khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ còn tồn đọng, chậm tiến độ.

2. Thường xuyên truy cập Hệ thống giám sát nhiệm vụ (https://kh02.nq57.vn) để theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc triển khai các nhiệm vụ, bảo đảm trạng thái “xanh hoá” đúng yêu cầu của Ban Chỉ đạo và đồng chí Tổng Bí thư.

3. Chỉ đạo Tổ công tác tại địa phương tăng cường hoạt động kiểm tra, đôn đốc thực hiện; cập nhật kết quả thực hiện nhiệm vụ lên hệ thống đúng hạn (trước 16h hằng ngày), khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế đã được Văn phòng Trung ương chỉ rõ trong các báo cáo giám sát hằng ngày./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Vận hành mô hình chính quyền hai cấp: Đồng bộ - Quyết liệt - Vì Nhân dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO