Đó là số liệu được tổng hợp trong Báo cáo dự đoán về số lượng hộ gia đình xem truyền hình kỹ thuật số trên toàn cầu (“Digital TV World Household Forecasts report”) của TV Digital Research. Hãng nghiên cứu này đã thực hiện khảo sát tại 138 quốc gia. Theo đó, số hộ gia đình xem truyền hình kỹ thuật số trên toàn cầu vào năm 2020 sẽ đạt khoảng 1,65 tỷ hộ, tăng 180% so với năm 2010 (hơn 1 tỷ hộ). Riêng năm 2015 sẽ có thêm khoảng 134 triệu hộ.
Số hộ gia đình xem truyền hình kỹ thuật số của các khu vực (Nguồn TV Digital Research)
Đến năm 2020, truyền hình kỹ thuật số sẽ thâm nhập tới 97,6% hộ gia đình xem truyền hình, tăng so với mức 40,5% năm 2010 và 67,2% năm 2014. Toàn cầu sẽ có 93 quốc gia hoàn thành số hóa truyền hình, (so với chỉ 17 quốc gia vào năm 2014); và khoảng 124 quốc gia sẽ đạt mức thâm nhập truyền hình kỹ thuật số là 90%.
Báo cáo cho biết, trong giai đoạn 2014-2020, toàn cầu sẽ có thêm 608 triệu hộ gia đình xem truyền hình kỹ thuật số. Trong đó, châu Á – Thái Bình Dương chiếm tới 2/3, tương đương 400 triệu hộ; riêng năm 2015 tăng thêm khoảng 93 triệu hộ.Ngoài ra, mức tăng gấp hơn 2 lần có thể thấy ở hạ Sahara - châu Phi (Sub-Saharan Africa), cụ thể năm 2014 khu vực này có 27,5 triệu hộ nhưng đến năm 2020 sẽ là 67,8 triệu hộ. Mỹ La tinh cũng sẽ tăng gần gấp đôi, từ 76,7 triệu hộ (2014) lên 151,8 triệu hộ vào năm 2020.
10 quốc gia có số lượng hộ gia đình xem truyền hình kỹ thuật số lớn nhất
vào năm 2020 (Nguồn TV Digital Research)
Năm 2014, Trung Quốc có 169 triệu hộ gia đình xem truyền hình kỹ thuật số. Tuy nhiên, với đặc điểm dân số đông, ước tính đến năm 2020, quốc gia này sẽ tăng lên khoảng 454 triệu hộ, chiếm 27% tổng số hộ xem truyền hình của toàn cầu.Ấn Độ sẽ có khoảng 189,5 triệu hộ, vượt Mỹ để chiếm vị trí thứ 2 thế giới (sau Trung Quốc).Vị trí thứ 4 và thứ 5 lần lượt thuộc về Brazil (63,5 triệu hộ) và Nga (53,2 triệu hộ). Đặc biệt, với việc có thêm 43 triệu hộ trong giai đoạn 2014-2020, nâng tổng số hộ gia đình xem truyền hình kỹ thuật số lên 50,5 triệu hộ vào năm 2020, Indonesia sẽ vươn lên vị trí thứ 6 thế giới. Đây được coi là mức tăng trưởng ấn tượng bởi so với năm 2014, Indonesia đứng ở vị trí thứ 23 toàn cầu.
(Nguồn digitaltvresearch.com)