Sóc Trăng tập trung nguồn lực, giải pháp xây dựng chính quyền điện tử

Tiến Minh| 27/04/2020 14:04
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) Sóc Trăng, tỉnh đã tập trung nguồn lực, thực hiện các giải pháp nhằm xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT) và đã đạt được những kết quả quan trọng.

Thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP, ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025, tỉnh Sóc Trăng tập trung các nguồn lực, thực hiện các giải pháp nhằm xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT) và đã mang lại những kết quả bước đầu đáng phấn khởi. 

Đến nay, 100% cơ quan thuộc UBND tỉnh đều có trang, cổng thông tin điện tử, đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định cũng như thông tin chỉ đạo, điều hành hoạt động của lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trên các lĩnh vực; giúp cho việc phục vụ thông tin tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của địa phương cũng như thu hút đầu tư, giới thiệu, quảng bá hình ảnh về vùng đất và con người tỉnh Sóc Trăng được thuận lợi.

Tỉnh đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong nội bộ các cơ quan. Toàn tỉnh hiện có trên 4.000 cán bộ, công chức, viên chức sử dụng hộp thư điện tử; 100% sở, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã sử dụng hệ thống quản lý văn bản và chỉ đạo điều hành, được kết nối theo mô hình 4 cấp và liên thông với Trục liên thông văn bản quốc gia, sẵn sàng gửi, nhận văn bản điện tử 4 cấp.

Sóc Trăng không ngừng đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử - Ảnh 1.

Chính quyền điện tử đem đến sự thuận tiện cho các cơ quan, doanh nghiệp và người dân. (Ảnh: XT).

Hơn thế nữa, các cấp, các ngành trong tỉnh luôn quan tâm, chủ động đầu tư hạ tầng phục vụ cho triển khai ứng dụng CNTT. Hiện 100% cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện được trang bị máy vi tính; 100% sở, ngành, UBND cấp huyện, xã có mạng nội bộ, kết nối internet.

Bên cạnh đó, Sóc Trăng cũng đã triển khai hệ thống hội nghị trực tuyến tại 129 điểm trong toàn tỉnh, phục vụ hiệu quả cho các cuộc họp, hội nghị, nhất là công tác chỉ đạo, điều hành từ tỉnh đến huyện được kịp thời, nhanh chóng. 

Đồng thời, tỉnh cũng đã cấp 2.339 chứng thư số cho các cá nhân, tổ chức thuộc các cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn. Tỉnh còn phối hợp Ban Cơ yếu Chính phủ triển khai chữ ký số chuyên dùng của tỉnh, bảo đảm an toàn thông tin, phục vụ trao đổi liên thông văn bản điện tử giữa các cơ quan, đơn vị trong tỉnh.

Đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp

Nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). 

Tỉnh triển khai đồng bộ phần mềm một cửa điện tử cho 100% các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã; và đã thử nghiệm kết nối liên thông vào Trục liên thông văn bản quốc gia để trao đổi các dịch vụ giữa hệ thống một cửa điện tử với hệ thống Lý lịch tư pháp, Hộ tịch của Bộ Tư pháp và hoàn thiện kết nối liên thông, tích hợp hệ thống xác thực dùng chung Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG) với Cổng dịch vụ công (DVC) của tỉnh, hoàn thiện tích hợp thủ tục thông báo hoạt động khuyến mại, đổi giấy phép lái xe với Cổng DVCQG.

Để đảm bảo việc giải quyết TTHC của người dân, doanh nghiệp được kịp thời, hiệu quả, chất lượng, UBND tỉnh đã thành lập và đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công (HCC) đi vào hoạt động; đồng thời xây dựng, hoàn thiện Cổng DVC và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh theo hướng tập trung, thống nhất để tiếp nhận, công khai kết quả giải quyết TTHC, cung cấp DVC trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã.

Trong năm 2019, toàn tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết 418.568 hồ sơ, trong đó xử lý đúng hạn và trong hạn đạt tỷ lệ 98,7%, xử lý trễ hạn chiếm 1,3%. Một số sở, ngành, địa phương triển khai, ứng dụng Zalo để thực hiện tra cứu kết quả giải quyết hồ sơ TTHC (tra cứu mã hồ sơ, quét mã QR code qua Zalo…), cung cấp thông tin chỉ đạo điều hành, các thông tin về kinh tế - xã hội nhanh chóng, hiệu quả.

Mới đây, Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành tỉnh đã ký kết với Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Công ty Viễn thông Quân đội Viettel Chi nhánh Sóc Trăng cung cấp dịch vụ thanh toán phí, lệ phí DVC tại trung tâm, hướng đến không dùng tiền mặt trong giải quyết TTHC của tổ chức, cá nhân.

Ngoài ra, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý chuyên ngành cũng được tỉnh quan tâm đầu tư, đã và đang phát huy hiệu quả, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý chuyên ngành và cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh. Nhờ đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào hoạt động của cơ quan nhà nước, đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, CCHC, cải thiện được các Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), Chỉ số CCHC tỉnh (Par Index) qua từng năm, trong đó có nhiều chỉ số thành phần được cải thiện rõ nét.

Những kết quả bước đầu trong xây dựng CQĐT là cơ sở, động lực quan trọng để tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, góp phần xây dựng thành công CPĐT theo tinh thần Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 17/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Sóc Trăng tập trung nguồn lực, giải pháp xây dựng chính quyền điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO